Để kiều hối về nhiều hơn

HOÀNG PHI 27/02/2016 23:02 GMT+7

TTCT - Lãi suất đồng USD ở Việt Nam đã về 0% và trong thời gian tới có thể là âm, trong khi ở Mỹ lãi suất đã tăng thêm 0,25% và sẽ tăng trong thời gian tới. Đồng USD đang mạnh lên. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến dòng kiều hối về Việt Nam như thế nào?

Kiều hối năm 2015 đạt trên 12 tỉ USD-TỰ TRUNG
Kiều hối năm 2015 đạt trên 12 tỉ USD-TỰ TRUNG

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu trả lời TTCT rằng dù tác động không lớn, nhưng cũng có khoảng 1 tỉ USD kiều hối nằm ở dạng tài khoản ngân hàng sẽ được người gửi cân nhắc trước thông tin gửi USD phải trả phí...

Nguồn bổ sung đáng kể cho kinh tế

Được biết ông là người theo dõi sát dòng kiều hối trong nhiều năm qua, ông đánh giá thế nào về tác động của nó đối với nền kinh tế?

- Tôi nhận thấy trong dòng chảy kiều hối có một lượng khá lớn đổ vào bất động sản. Điều đó giúp thị trường bất động sản không bị đổ vỡ và góp phần phục hồi thị trường này trong vài năm qua, nhất là trong giai đoạn suy thoái. Mặt khác, nhờ đón một lượng kiều hối lớn, chủ yếu đồng USD, khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng tốt hơn.

Lượng kiều hối chảy về càng nhiều càng làm tăng nguồn cung ngoại tệ, làm lành mạnh chính sách ngoại hối, ổn định tiền đồng.

Lượng kiều hối hằng năm đó có vai trò gì trong dự trữ ngoại hối quốc gia?

- Trong những năm cán cân thương mại của Việt Nam bị bội chi thì lượng kiều hối chảy về đã làm cân bằng cán cân thanh toán của Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm qua chứng kiến tình cảnh nhập siêu, nhờ sự bù đắp của kiều hối nên cán cân này trở nên cân bằng hơn.

Việt Nam mỗi năm xuất khẩu rất nhiều, nhưng phần xuất khẩu đó dựa rất lớn vào nhập khẩu. Do thiếu nguyên liệu nên càng tăng xuất khẩu thì càng tăng nhập khẩu. Vì thế kiều hối là nguồn bổ sung để cân bằng cán cân đó.

Nhưng với hơn 12 tỉ USD như ước tính năm 2015 sẽ làm gia tăng tổng phương tiện thanh toán, làm tăng tổng cầu và có thể làm mất cung cầu hàng hóa, khiến lạm phát dễ xảy ra?

- Đúng là có những năm như 2007-2008 khi lượng kiều hối, ngoại hối vào Việt Nam rất nhiều và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải mua vào, đẩy ra thị trường một cung tiền rất lớn khiến tạo ra lạm phát.

Tuy nhiên, nhìn chung đó là những năm lượng ngoại hối từ đầu tư vào nhiều. Riêng với kiều hối, tôi chưa thấy dấu hiệu nào đóng góp vào lạm phát mà ngược lại giúp ổn định cung cầu ngoại hối, từ đó dẫn đến ổn định tiền đồng.

Đồng ý rằng kiều hối chảy vào Việt Nam sẽ được NHNN và hệ thống ngân hàng hút về và đẩy một lượng tiền đồng ra ngoài, nhưng lượng tiền đồng đó chủ yếu đi vào tiêu thụ sản phẩm, làm cân bằng cung cầu sản phẩm trên thị trường và lượng tiền đó cũng là đầu tư vào các giá trị tài sản. Điều đó, như đã nói, giúp cân bằng cung cầu trên thị trường chứ chưa có dấu hiệu gì cho thấy kiều hối tạo ra lạm phát mà ngược lại.

Kiều hối mỗi năm cứ tăng nhưng chưa có đánh giá chính thức nào về chất lượng. Chất lượng ở đây có thể hiểu là có những nguồn và khoản tiền bẩn?

- Đúng là đã có các thống kê kiều hối gần đây chảy về thì đi vào các khu vực kinh tế nào như vào bất động sản, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và tiết kiệm. Tuy nhiên, vẫn chưa có đánh giá chính thức nào từ các cơ quan chức năng về việc kiều hối tạo ra bao nhiêu công ăn việc làm, bao nhiêu lợi nhuận hay phát sinh những hệ lụy nào.

Kiều hối không chỉ đổ về bằng đường chính thức mà còn qua ngả phi chính thức, từ buôn lậu hay thậm chí nghi vấn về rửa tiền... tạo ra các hệ lụy cho xã hội. Đánh giá hết điều đó, Chính phủ có thể đưa ra các chính sách khuyến khích kiều hối dưới dạng nào thì tốt, cũng như khuyến khích người gửi và người nhận để làm sao có số tiền đó hiệu quả nhất. Và đó quả là một sự thiếu sót.

12 tỉ USD một năm, theo ông là ít hay nhiều?

- Con số đó tôi nghĩ hãy còn nhỏ bé so với khả năng tài chính của kiều bào ở nước ngoài. Nếu tính rằng có chừng 4-4,5 triệu người Việt Nam sinh sống và làm việc ở nước ngoài, với thu nhập bình quân 20.000 USD/người thì “GDP kiều hối” tôi tạm tính cũng bằng phân nửa của Việt Nam hiện tại, tức khoảng 80-90 tỉ USD.

Thành ra tiềm năng còn rất lớn và việc sử dụng nguồn kiều hối chưa đạt được hiệu quả như mong muốn vì mình chưa có các chính sách cũng như chưa có các thống kê đầy đủ.

Ông Nguyễn Trí Hiếu -HOÀNG PHI
Ông Nguyễn Trí Hiếu -HOÀNG PHI

Vì sao Chính phủ vẫn chưa phát hành trái phiếu qua nguồn kiều hối khi mà như ông nói, tiềm năng của nguồn lực này còn rất lớn như thế?

- Có hai lý do. Đầu tiên là kiều bào sẽ chẳng mặn mà. Lý do là tất cả trái phiếu của các chính phủ khi bán trên thị trường tài chính chỉ có các nhà đầu tư mới mua, trong khi trong số 4-4,5 triệu kiều bào đó rất ít người là các nhà đầu tư tài chính.

Mà nếu đã là nhà đầu tư tài chính, họ cũng không nghĩ đến việc mua trái phiếu Việt Nam vì có rất nhiều trái phiếu khác an toàn hơn, lợi nhuận cao hơn. Trái phiếu Chính phủ Việt Nam nhận được các điểm tín nhiệm rất thấp. Mà đã là loại trái phiếu đó thì nhà đầu tư không mặn mà, chưa nói đến các Việt kiều.

Thành ra tôi nghĩ rằng Việt Nam không phát hành trái phiếu bằng đồng USD cho kiều bào là hợp lý. Lý do thứ hai là các công cụ tài chính và trái phiếu cũng như các thành phần kinh tế của Việt Nam chưa đủ hấp dẫn để bán trên thị trường tài chính quốc tế.

Người dân giao dịch nhận tiền từ nước ngoài gửi về thông qua Ngân hàng Maritime TP.HCM ngày 25-1-2016                  - TỰ TRUNG
Người dân giao dịch nhận tiền từ nước ngoài gửi về thông qua Ngân hàng Maritime TP.HCM ngày 25-1-2016 - TỰ TRUNG

 Khai thông bằng chính sách nào?

Vì sao “chưa đủ hấp dẫn”? Chính phủ vẫn phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế đấy thôi?

- Tôi nghĩ rằng với thị trường tài chính thế giới thì khi phát hành trái phiếu phải có độ an toàn. Nếu độ an toàn không cao, lãi suất phải rất cao. Mà nếu lãi suất cao thì không có lợi cho Việt Nam.

Đúng là chúng ta đã có vài lần phát hành trái phiếu thành công, nhưng sự thành công đó do các ngân hàng có các đầu mối và chiến dịch tiếp thị tốt. Còn..., theo tôi, theo dõi trái phiếu của các quốc gia thị trường mới nổi, trái phiếu của Việt Nam không được đánh giá cao.

Vì thế nếu muốn phát hành trái phiếu rộng rãi trên thị trường quốc tế có lẽ sẽ phải trả lãi suất rất cao để bù cho điểm tín nhiệm thấp. Nếu thế thì sẽ bất lợi vì ảnh hưởng đến nợ công, đến ngân sách quốc gia...

Quay trở lại kiều hối, từ các quan sát và kinh nghiệm của ông, làm thế nào để sử dụng tốt nguồn lực này?

- Đầu tiên là các cơ quan chức năng phải đưa ra bức tranh khá chính xác về chất lượng của kiều hối, phải có các thống kê chính xác. Nghĩa là phải nắm được kiều hối từ đâu về, thông qua ai và được sử dụng cuối cùng ở đâu, thuộc thành phần kinh tế nào.

Từ đó mới có các đánh giá đâu là nguồn kiều hối có lợi cho nền kinh tế, đâu là nguồn không có lợi để xây dựng các chính sách sử dụng hiệu quả nguồn lực này. Quan trọng là phải có một cơ quan chuyên trách về kiều hối, chịu trách nhiệm quan sát, theo dõi cả kiều hối chính thức lẫn qua ngả không chính thức và đưa ra các chính sách hợp lý. Hiện tại các cơ quan này vẫn còn rất phân tán. Tôi nghĩ cơ quan đó nên ở Bộ Kế hoạch và đầu tư.

Lãi suất đồng USD ở Việt Nam hiện là 0% và sắp tới có thể âm, theo tuyên bố của thống đốc NHNN, trong khi ở Mỹ lãi suất đang được nâng lên. Ông nghĩ điều đó có tác động đến dòng kiều hối chảy về Việt Nam hay không?

- Tôi nghĩ điều đó có lẽ không tác động nhiều đến kiều hối. Lý do trước hết là phần lớn kiều hối đi qua ngả ngân hàng nhưng không dừng lại trong hệ thống này mà được rút ra, đổi thành tiền đồng để chi tiêu hay đầu tư và chỉ một phần nhỏ gửi ngân hàng lấy lãi.

Vì thế khi lãi suất xuống bằng 0%, thậm chí âm, cũng không làm thuyên giảm số kiều hối. Dĩ nhiên chính sách đó cũng ít nhiều ảnh hưởng lên kiều hối, nhất là với những người muốn giữ tiền USD trong tài khoản ở ngân hàng. Nhưng theo tôi, ảnh hưởng này là không lớn.

Cho dù tác động không lớn nhưng liệu chính sách đó có khiến dòng kiều hối chuyển hướng từ kênh chính thức qua kênh phi chính thức, chảy ra chợ đen chẳng hạn, làm trầm trọng tình trạng đôla hóa khiến không kiểm soát được thị trường ngoại hối hay không?

- Điều đó có thể xảy ra. Lượng kiều hối đổ về Việt Nam, theo đánh giá của tôi, chừng trên dưới 10% nằm ở tài khoản ngân hàng. Mà 10% thì cũng hơn 1 tỉ USD. Cho nên lãi suất không có hay lãi suất âm sẽ khiến một số người rút tiền USD ra. Tỉ lệ bao nhiêu thì chúng ta cần một thời gian nữa mới biết. Tuy nhiên, cần nói số kiều hối nằm tại hệ thống ngân hàng thật ra chỉ là các khoản gửi ngắn hạn. Tôi chưa thấy ai giữ kiều hối ở ngân hàng dài hạn cả.

Cảm ơn ông!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận