03/01/2024 11:16 GMT+7

Để ngành điện không lặp lại những 'bài học đau đớn'

Những vụ việc vừa qua liên quan đến kiểm điểm, xử lý cán bộ, lãnh đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được nhìn nhận như là "bài học đau đớn" và là "nỗi xấu hổ" của ngành điện.

Chỉ khi có cơ chế chính sách đồng bộ, gắn với tính minh bạch, thì câu chuyện

Chỉ khi có cơ chế chính sách đồng bộ, gắn với tính minh bạch, thì câu chuyện "độc quyền" ngành điện hay những bài học đau xót vừa qua mới không lặp lại- Ảnh: EVN

Cuộc họp tổng kết năm của EVN diễn ra hôm qua (2-1) không như thông lệ. Bởi đây không chỉ là cuộc họp đánh giá kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, định hướng cho năm tới, mà đó còn là cuộc họp tổng kết công tác Đảng.

Những tồn tại, bất cập trong chỉ đạo điều hành của EVN trong suốt năm qua đã được cả lãnh đạo và các đơn vị thành viên nhìn nhận như một "bài học đắt giá".

Cùng với những yếu tố khách quan do biến động giá nhiên liệu, tình hình thủy văn và thời tiết, không thể không thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân chủ quan.

Bởi tình trạng thiếu điện dù chỉ xảy ra trong 23 ngày, nhưng chính người đứng đầu EVN phải thừa nhận, đã để lại những hậu quả lớn cho nền kinh tế, môi trường đầu tư.

Đã có những chủ quan và lúng túng nhất định trong công tác điều hành, vận hành hệ thống điện. Sự chuẩn bị nguồn nhiên liệu cho sản xuất điện có hạn chế.

Việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án nguồn và lưới điện còn chậm, trong khi công tác phối hợp giữa EVN và các bên liên quan chưa chặt chẽ.

Nhưng điều quan trọng nhất mà ban lãnh đạo EVN chỉ ra đó là khâu kiểm tra, giám sát đang "có vấn đề" và phải được chấn chỉnh. Tất cả thực tế trên đã dẫn tới hệ quả: EVN không đảm bảo cung ứng điện khi để xảy ra thiếu điện ở miền Bắc.

Hàng loạt cán bộ bị kiểm điểm, xử lý kỷ luật. Trong hai năm liên tiếp EVN mất cân đối tài chính. Điều này đe dọa trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của tập đoàn, cũng như mục tiêu an ninh năng lượng của đất nước.

Đã có hàng loạt giải pháp được lãnh đạo EVN cùng các bộ ngành liên quan đưa ra. Nhưng thực tế, nỗi lo thiếu điện còn đó khi dự báo, mùa hè năm nay miền Bắc vẫn có nguy cơ thiếu từ 1.200 - 1.500MW.

Trong khi đó, chưa có nguồn điện quy mô lớn mới được bổ sung và nhiều công trình, dự án nguồn và lưới điện đang đầu tư xây dựng vẫn bị chậm tiến độ.

Rồi những vấn đề vốn là tồn tại cố hữu của ngành điện như chuyện minh bạch, trách nhiệm giải trình. Làm thế nào để EVN có thể công khai phương thức vận hành điện, thị trường điện hay đàm phán các hợp đồng mua bán điện?

Làm thế nào để trả lời cho dư luận về báo cáo tài chính của EVN, đáp ứng được chuẩn mực tài chính quốc tế? Làm sao để "trị" được tình trạng vướng mắc trong thủ tục, ôm việc, không phân cấp phân quyền, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí?...

Đây cũng là điều mà Chủ tịch EVN Đặng Hoàng An lo ngại, bởi đó là câu chuyện niềm tin. Sau tất cả những gì diễn ra, không chỉ nhiệm vụ đảm bảo cung ứng chưa hoàn thành, mà một số cán bộ lãnh đạo của EVN bị xử lý, đã khiến niềm tin, hình ảnh của EVN, của ngành điện bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Những "bài học đau đớn" đã thấy rất rõ, nhưng để giải quyết những bài toán đặt ra cho EVN cả hiện tại và tương lai, chắc hẳn không chỉ là câu chuyện của riêng tập đoàn này.

Bởi EVN hiện chỉ còn chiếm hơn 37% nguồn điện cả nước. Dù là người mua duy nhất nhưng EVN đang hoạt động trong một thị trường điện cạnh tranh chưa đầy đủ, hoàn thiện.

Mục tiêu đảm bảo cung ứng điện thực hiện được hay không, không chỉ là nỗ lực tự thân của EVN trong nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, chống tiêu cực, mà còn đòi hỏi hoàn thiện cơ chế chính sách cho ngành điện phát triển.

Đó là việc huy động và tối ưu các nguồn điện trong và ngoài EVN, đẩy nhanh tái cơ cấu EVN, triển khai hiệu quả các dự án điện. Rồi yêu cầu hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh, tạo cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, ngăn chặn cơ chế xin cho, lợi ích nhóm...

Chỉ khi có cơ chế chính sách đồng bộ, gắn với tính minh bạch, thì câu chuyện "độc quyền" ngành điện hay những bài học đau xót vừa qua, mới không lặp lại và nhắc đến như một nốt trầm không đáng có trong lịch sử 70 năm ngành điện.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn: Nếu không tăng giá điện sẽ không giải quyết được lỗ của EVNChủ tịch Ủy ban Quản lý vốn: Nếu không tăng giá điện sẽ không giải quyết được lỗ của EVN

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước Nguyễn Hoàng Anh cho rằng nếu không tăng giá điện thì không thể giải quyết được lỗ lũy kế của EVN.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên