18/06/2013 09:01 GMT+7

Đề nghị trưng mua quyền sử dụng đất của dân

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng)
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng)

TT - Ngày 17-6, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

L4RtHZSp.jpgPhóng to
Đại biểu Trần Ngọc Vinh - Ảnh: V.Dũng
LgdnW0pR.jpgPhóng to
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền - Ảnh: V.Dũng

Xem toàn bộ nội dung Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII

Mặc dù dự thảo đã tiếp thu khá đầy đủ ý kiến góp ý của nhân dân và khắc phục cơ bản những bất cập của Luật đất đai 2003, nhưng đại biểu Quốc hội vẫn tiếp tục góp ý nhiều vấn đề liên quan tới chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... để dự thảo hoàn thiện hơn.

Thu hồi đất: không phải... thu hồi tất!

Với ý kiến đề nghị áp dụng cơ chế Nhà nước trưng mua quyền sử dụng đất thay cho cơ chế thu hồi đất để thực hiện các dự án, cơ quan soạn thảo luật không đồng ý với lý do: thu hồi đất là một trong những nội dung đã được quy định ổn định trong Luật đất đai qua các thời kỳ, đồng thời quy định này cũng phù hợp với chế định sở hữu đất đai ở nước ta đã được quy định trong Hiến pháp. Thực hiện cơ chế này sẽ bảo đảm chủ động tạo quỹ đất để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, điều tiết địa tô, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Về vấn đề này, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) bày tỏ: “Nói như vậy là chưa hợp lý và thiếu tính thuyết phục. Tôi cho rằng chúng ta đang có sự nhầm lẫn trong các lý giải việc trưng mua đất và trưng mua quyền sử dụng đất. Tôi hoàn toàn đồng ý với ban soạn thảo là đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, do đó không thể dùng cơ chế trưng mua đất được, nhưng quyền sử dụng đất lại khác. Khi Nhà nước đã giao quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân thì quyền sử dụng đất cần được bảo hộ và trường hợp cần thiết vì lý do phát triển kinh tế Nhà nước sẽ trưng mua lại quyền sử dụng đất đã giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng trước đó. Điều tôi muốn nhấn mạnh là trưng mua quyền sử dụng đất chứ không phải trưng mua đất”.

Ông Vinh lập luận: “Tài sản gắn liền với đất như nhà ở, các công trình kiến trúc là tài sản thuộc sở hữu của người dân. Họ phải đổ mồ hôi, công sức và cả tính mạng để xây dựng lên, không phải sở hữu của Nhà nước như lâu nay chúng ta đã đánh đồng hai làm một là “thu hồi tất”. Vậy đề nghị ban soạn thảo làm rõ cơ sở pháp lý nào để chúng ta thu hồi cả tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của người dân? Tại sao chúng ta không dùng cơ chế trưng mua hay cơ chế thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân về giá bồi thường đối với loại tài sản này? Nếu tiếp tục quy định thu hồi đất đối với loại tài sản này có vi hiến hay không? Nếu chúng ta chỉ quy định thu hồi đất thì rõ ràng chúng ta đang đối xử không công bằng với người dân, lợi ích chính đáng của họ trước pháp luật chưa được tôn trọng và bảo vệ. Người dân vẫn sống trong cảnh thụ động với tâm lý có thể bị tước đoạt tài sản bất cứ lúc nào”.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Đinh Xuân Thảo (TP Hà Nội) nói: “Rõ ràng đất là sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý, còn tài sản trên đất là của người dân. Nên nghiên cứu quy định tài sản gắn liền trên đất hợp pháp bị thu hồi thì được bồi thường thiệt hại theo pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản. Hiện Luật trưng mua, trưng dụng tài sản chỉ áp dụng với bốn trường hợp, không có trường hợp thu hồi đất. Tôi đề nghị phải bổ sung trường hợp trưng mua, trưng dụng tài sản gắn liền trên đất vào Luật trưng mua, trưng dụng”.

Làm rõ những dự án phải thu hồi đất

Đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) nhận xét: “Dự thảo chưa có các quy định mang tính khái quát để xác định rõ như thế nào là thu hồi đất vì mục đích, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, chưa có các tiêu chí tổng thể để phân biệt giữa các dự án phát triển kinh tế - xã hội thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất với các dự án đầu tư kinh doanh khác”.

"Phải xây dựng một cơ quan có thẩm quyền quyết định về giá đất độc lập với cơ quan có thẩm quyền quản lý đất đai, nhằm tách bạch cho được thẩm quyền quyết định về đất đai và thẩm quyền quyết định về giá đất, tránh tình trạng một cơ quan vừa đá bóng vừa thổi còi"

Đại biểu Hương dẫn chứng: “Ví dụ tại khoản 4, điều 61 ngoài việc liệt kê một số công trình thuộc diện thu hồi đất là các dự án giao thông, điện, thủy lợi, cấp thoát nước, thu gom, xử lý chất thải... thì còn thêm trường hợp để mở là các “công trình khác theo quy định pháp luật về đầu tư xây dựng”. Điểm c, khoản 1, điều 62 liệt kê các dự án thu hồi đất xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới, chỉnh trang đô thị khu dân cư nông thôn, cụm công nghiệp, đồng thời mở thêm “trường hợp các dự án khác đã được hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua”. Những cái “trường hợp khác” này chính là mảnh đất màu mỡ dễ dẫn tới sự không thống nhất trong áp dụng pháp luật, thậm chí bị lợi dụng, nhất là với trường hợp thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội, từ đó rất khó khắc phục được tình trạng thu hồi đất tràn lan”.

“Đề nghị cần liệt kê rõ ràng, đầy đủ hơn các trường hợp cụ thể thu hồi đất để sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội một cách chặt chẽ hơn để tránh tình trạng áp dụng tùy tiện” - đại biểu Hương góp ý.

Đại biểu Nguyễn Công Bình (Yên Bái) nhận xét: “Luật ghi chung chung “các công trình khác” thì phải hiểu như thế nào? Công trình khác là công trình gì, phải làm rõ ra. Tôi đề nghị loại bỏ những quy định kiểu như thế này. Còn nếu đưa vào điều luật thì phải ghi rõ các công trình khác là những công trình nào và theo văn bản cụ thể nào, đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu xử lý”.

Bồi thường theo cơ chế ngang giá

Theo đại biểu La Ngọc Thoáng (Cao Bằng), cần phân biệt khái niệm “bồi thường” - là trách nhiệm bắt buộc và khái niệm “hỗ trợ”- thể hiện thiện chí của Nhà nước và có thể linh hoạt. “Phải phân biệt rõ trong luật: Bồi thường khi thu hồi đất phải gồm những nội dung gì? Không phải cứ bồi thường cho người dân miếng đất, cái nhà là xong, mà còn cả cuộc sống của người dân sau khi thu hồi đất nữa. Khái niệm “nơi tái định cư tốt hơn nơi ở cũ” là sao, phải cụ thể ra. Phải quy định mức tối thiểu về hạ tầng cơ sở cũng như diện tích tối thiểu của một căn tái định cư” - đại biểu Ngọc Thoáng nhấn mạnh.

“Dự thảo luật quy định khu tái định cư đảm bảo bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ là khó khả thi trong thực tế. Chẳng hạn như ở Hà Nội, vì có nhiều dự án nên nhu cầu tái định cư rất lớn. Thường khi xây dựng khu tái định cư sẽ phục vụ nhiều dự án, vì thế khu tái định cư có thể tốt hơn đối với nơi ở cũ này nhưng lại kém hơn nơi ở cũ kia. Theo tôi, để khắc phục tình trạng trên cần thực hiện nguyên tắc ngang giá. Giá tính bồi thường phải đủ mua được mảnh đất tương đương và giá khu tái định cư cũng phải được quy định theo nguyên tắc này”- đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (TP Hà Nội) gợi mở.

Cùng suy nghĩ trên, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng cần nghiên cứu áp dụng cơ chế giá công bằng, đất đổi đất, nhà đổi nhà, người dân không phải bỏ thêm tiền, đồng thời Nhà nước phải hỗ trợ thêm kinh phí để người dân bị thu hồi đất sớm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.

Ông NGUYỄN BÁ THUYỀN(phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng):

Mục đích khác nhau, cơ chế cũng phải khác

Chúng ta đều thấy rằng thực tế thời gian qua có không ít dự án mà sau khi thu hồi đất thì phần thiệt thòi thuộc về người dân, câu cửa miệng của nhiều người là người dân “mất đất”. Tại sao lại có tình trạng như vậy? Đó là do chúng ta chưa quy định rõ ràng về từng loại dự án gắn với mục đích thu hồi đất cụ thể. Có những dự án doanh nghiệp chỉ đóng tiền sử dụng đất bằng 40-50% giá trị lô đất, sau đó bán chính lô đất ấy với giá trị gấp đôi, gấp ba số tiền mà họ bỏ ra. Trong những trường hợp như vậy thì Nhà nước không được gì, người dân có đất bị thu hồi thì thiệt thòi, nhưng đã tạo điều kiện cho tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Tôi đồng tình với ý kiến cho rằng cần phải quy định rõ từng trường hợp thu hồi đất gắn với mục đích sử dụng và cơ chế thu hồi phải phù hợp với từng mục đích sử dụng, từng dự án. Đối với các dự án phát triển kinh tế đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, cá nhân thì cơ chế thu hồi phải là thỏa thuận giữa hai bên. Không thể đánh đồng giữa đất thu hồi cho mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng với đất thu hồi cho dự án kinh tế làm giàu cho tổ chức, cá nhân nào đó.

_____________________

Thực tế việc thu hồi đất còn nhiều bất cập nên cả người dân bị thu hồi lẫn doanh nghiệp làm dự án đều đang gặp khó khăn.

* Ông Nguyễn Văn Đực(phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành):

Dự án nào cũng bị dân “treo”

Dự án nào cũng bị vướng một số hộ dân đòi giá bồi thường quá cao khiến toàn bộ dự án bị đình trệ, ảnh hưởng đến tiến độ dự án và giá thành đầu ra của nền đất, căn hộ. Dự án Thái An của Công ty Đất Lành tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM ban đầu được UBND TP chấp thuận cho triển khai trên 4ha đất. Giá đất nông nghiệp của khu vực trên là 190.000 đồng/m2, công ty đã thương lượng, bồi thường cho dân với giá 2-4 triệu đồng/m2 (tùy thời điểm). Tuy nhiên, công ty chỉ bồi thường được khoảng 2ha, phần còn lại người dân yêu cầu phải bồi thường với giá 14 triệu đồng/m2. Vì không đáp ứng được giá bồi thường của dân nên công ty đành điều chỉnh dự án, giai đoạn 1 xây dựng trên 2ha đã bồi thường, phần giai đoạn 2 không biết đến khi nào mới thực hiện được. Việc không bồi thường được như trên buộc các doanh nghiệp phải cắt nhỏ dự án, làm dự án manh mún, không thể kết nối hạ tầng đồng bộ với bên ngoài. Chưa kể nhiều trường hợp 1-2 hộ dân có diện tích đất ngay giữa dự án yêu cầu giá bồi thường quá cao sẽ làm kéo dài, gây dở dang toàn bộ dự án khiến chi phí tăng lên nhiều lần.

* Bà Cao Thị Thu (một hộ dân ở phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM):

Giá bồi thường không đủ mua đất ở chỗ khác

Nhà tôi sống ở đây 30 năm rồi, nhưng chủ đầu tư đưa ra giá bồi thường chỉ hơn 19 triệu đồng/m2 đất ở. Quanh đây, dự án nào cũng bán giá đất từ 30 triệu đồng/m2 trở lên, nếu tôi giao nhà thì tiền bồi thường không đủ mua nền đất mới, nói gì đến tiền xây nhà. Hiện tôi đang ở đây, rất gần trung tâm TP, tiện đường cho các con đi học, đi làm mà cũng gần nơi tôi buôn bán, kiếm sống.

Với mức giá bồi thường như trên, tôi chỉ có thể ra ngoại thành như Thủ Đức, Hóc Môn mới mua được đất xây nhà. Ở ngoại thành, việc học, việc làm của cả gia đình sẽ khó khăn hơn, chi phí đi lại nhiều hơn và chắc chắn cuộc sống không bằng bây giờ.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên