Để trở thành điểm đến nghệ thuật...

PHAN BẢO 07/12/2023 04:00 GMT+7

TTCT - Bên cạnh phong cảnh thiên nhiên, kiến trúc, lịch sử, ẩm thực… nghệ thuật cũng có thể trở thành "món ngon" để các điểm đến du lịch có thể đãi khách, nếu biết cách.

Trong bài viết đăng trên LinkedIn hồi tháng 4, Äsif Akbar - nhà sáng lập Hội đồng Nghệ thuật châu Á, cho rằng Thượng Hải, Tokyo, Singapore, Đài Bắc và Jakarta có thể trở thành "trung tâm nghệ thuật mới nổi" của châu Á, nhờ các động lực như tăng trưởng kinh tế, sự hỗ trợ của chính phủ và sự quan tâm ngày càng tăng đối với nghệ thuật đương đại châu Á.

Điểm đến sôi động về nghệ thuật

Thử xét riêng trường hợp thủ đô Indonesia, nơi vừa tổ chức hội chợ nghệ thuật trứ danh Art Jakarta cách đây hai tuần (17 và 19-11) và được Akbar miêu tả là "nơi có nền nghệ thuật đương đại sôi động".

Jakarta không thiếu các không gian nghệ thuật, bảo tàng và phòng trưng bày. "Trái tim" của thủ đô sôi động nghệ thuật này là phòng trưng bày quốc gia Galeri Nasional Indonesia, nơi lưu giữ một bộ sưu tập nghệ thuật phong phú từ thời thuộc địa cho đến ngày nay. 

Ngoài ra còn có Dia.lo.gue - một không gian nghệ thuật đa ngành nằm ở quận Kemang sầm uất. Khai trương vào năm 2009, đây là địa điểm quen thuộc của các cuộc triển lãm, hội thảo và sự kiện cũng như thường xuyên được nhiều nghệ sĩ từ Indonesia và trên toàn thế giới lựa chọn làm nơi quảng bá.

Một tác phẩm nghệ thuật đánh lừa thị giác của nghệ sĩ minh họa Irawan được các họa sĩ vẽ lại trên lối vào Galeri Nasional Indonesia. Ảnh: Ilham Fauzan

Một tác phẩm nghệ thuật đánh lừa thị giác của nghệ sĩ minh họa Irawan được các họa sĩ vẽ lại trên lối vào Galeri Nasional Indonesia. Ảnh: Ilham Fauzan

Trong một bài viết năm 2018, Wulan Dirgantoro, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trường Văn hóa và truyền thông Đại học Melbourne (Úc), nhận định hạ tầng văn hóa nghệ thuật Indonesia đã có cuộc cải cách và phát triển mạnh mẽ tính từ khi chính quyền Trật tự mới của Suharto sụp đổ năm 1998. 

Quá trình này được "tiếp sức" từ cả lĩnh vực công - như việc thành lập cơ quan chuyên trách hỗ trợ kinh tế sáng tạo Bekraf năm 2015, lẫn tư - như việc mở MACAN, được xem là bảo tàng nghệ thuật hiện đại quốc tế đầu tiên của Indonesia.

Triển lãm Life is the Heart of a Rainbow tại Bảo tàng MACAN.  Ảnh: The Jakarta Post/Gisela Swaragita

Triển lãm Life is the Heart of a Rainbow tại Bảo tàng MACAN. Ảnh: The Jakarta Post/Gisela Swaragita

MACAN, tên đầy đủ là Bảo tàng nghệ thuật hiện đại & đương đại ở Nusantara, mở cửa từ tháng 11-2017 và được tạp chí Time đưa vào danh sách "100 địa điểm tuyệt vời nhất thế giới". 

Với diện tích sàn 7.107m2 với gần một nửa dành cho khu vực trưng bày, đây là điểm đến khó bỏ qua đối với những ai muốn đắm chìm trong không gian ảo diệu, cũng như có những bức ảnh nghệ thuật cho chuyến du lịch của mình.

Dirgantoro nhận xét thêm rằng sự phát triển cơ sở hạ tầng nghệ thuật của Indonesia diễn ra cùng với sự phát triển của ba sự kiện nghệ thuật lớn: Jakarta Biennale, Yogya Biennale và Art Jog. 

"Những người tổ chức các sự kiện này đã thể hiện sự sẵn sàng tham gia các ý tưởng và thực hành nghệ thuật, vừa thúc đẩy sáng tạo vừa kết nối với bối cảnh lịch sử và địa phương" - cô viết.

Không gian nghệ thuật bình dân

Ngoài bảo tàng và phòng trưng bày, nghệ thuật còn hiện diện ở nhiều nơi khắp thành phố Jakarta và cũng rất phổ biến trong cuộc sống hằng ngày của người dân.

Nằm ở phía Đông thủ đô, công viên Taman Mini Indonesia rộng 100ha, hội tụ 27 bản sao của những ngôi nhà truyền thống đại diện cho kiến trúc đặc trưng của 27 tỉnh thành trên toàn quốc; bên trong trưng bày lịch sử, nghệ thuật, nghề thủ công và truyền thống của mỗi tỉnh. Taman Mini còn có các khu vực rộng lớn dành cho giải trí gia đình, công viên động thực vật, hàng chục bảo tàng, nhà hát biểu diễn, nhà hát Imax và các cơ sở lưu trú.

Quảng trường Fatahillah được khôi phục từ một thị trấn của người Hà Lan cũ cũng là một điểm tham quan lý tưởng, đặc biệt nhộn nhịp vào cuối tuần với những màn trình diễn nghệ thuật đường phố cùng nhiều hàng quán tấp nập.

‘Welcome to Indonesia’ - một trong những bức tranh của họa sĩ Erica Hestu Wahyuni tô điểm cho các bức tường ở Nhà ga số 3, sân bay Soekarno-Hatta, Jakarta - Ảnh: The Jakarta Post/Angkasa Pura

‘Welcome to Indonesia’ - một trong những bức tranh của họa sĩ Erica Hestu Wahyuni tô điểm cho các bức tường ở Nhà ga số 3, sân bay Soekarno-Hatta, Jakarta - Ảnh: The Jakarta Post/Angkasa Pura

Pasar Seni (chợ nghệ thuật) là một điểm đến quen thuộc khác, mang đúng tinh thần của như tên gọi của nó. Khu chợ có nhiều gian hàng nghệ thuật bày bán tranh vẽ, tượng, tác phẩm điêu khắc và cũng là địa điểm tổ chức nhiều sự kiện nghệ thuật, âm nhạc, chiếu phim, lễ hội ẩm thực…, theo báo The Jakarta Post.

Là một thành phố chú trọng nghệ thuật, không khó để Jakarta chào đón các nhà tổ chức nước ngoài. Cuối tháng 7 vừa qua, những ai đến Gandaria City Mall, một trong những trung tâm thương mại lớn nhất Jakarta, đã có dịp đắm mình trong triển lãm nghệ thuật trình chiếu ánh sáng "Immersive Hong Kong". 

Với sự kết hợp của công nghệ, triển lãm mang đến nhiều tác phẩm nghệ thuật tương tác và trình chiếu 3D có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Đúng như mong đợi, dù chỉ kéo dài một tuần, triển lãm đã thu hút rất đông người tham gia; mọi người háo hức tạo dáng chụp hình giữa không gian trình diễn nghệ thuật đầy mê hoặc.■

Không gian bên trong Hin Bus Depot. Ảnh: TimeOut

Không gian bên trong Hin Bus Depot. Ảnh: TimeOut

Những con người đằng sau "không gian nghệ thuật"

Tại mọi điểm đến, không gian nghệ thuật độc lập có vai trò rất quan trọng, nhưng thường đứng trước nguy cơ đổ vỡ vì thiếu nguồn lực. Tháng 12-2022, tác giả Deborah Augustin của trang phê bình nghệ thuật Arts Equator (Singapore) tìm gặp những người đứng sau một số không gian nghệ thuật ở Malaysia, để hiểu thêm về công việc của họ và cách họ vượt qua thách thức để tồn tại.

Mohd Jayzuan - nhà sáng lập tổ hợp nghệ thuật đa ngành Projek Rabak ở thành phố Ipoh, phía bắc Malaysia - đã chứng minh rằng bất kỳ ai có đam mê đều có thể làm nghệ thuật hay bất cứ điều gì họ muốn. Projek Rabak được thành lập vào năm 2011, lấy cảm hứng từ bầu không khí nghệ thuật ở Jakarta mà Jayzuan có dịp trải nghiệm khi cùng ban nhạc của anh đến đó lưu diễn những năm 2004-2005.

Các thành viên của tổ hợp đều là nhạc sĩ, nhà thơ, nghệ sĩ tạo hình và nghệ sĩ đa ngành tư nhân như Jayzuan. Kể từ khi thành lập, Projek Rabak đã giám tuyển và tổ chức các triển lãm, lễ hội cũng như nhiều sự kiện và chương trình khác nhau, bao gồm cả việc tham gia triển lãm Venice Biennal 2022 của Malaysia.

Ở ngay trung tâm thủ đô Kuala Lumpur, Five Arts Center là một điển hình khác về sự bền bỉ của một không gian nghệ thuật. Thành lập năm 1984 với mục đích kể những câu chuyện của Malaysia vào thời điểm mà rất ít vở kịch địa phương được dàn dựng, gần bốn thập niên qua, trung tâm đã tổ chức các buổi biểu diễn sân khấu, khiêu vũ và âm nhạc...

Đây cũng là "cái nôi" cho các tác phẩm mang tính thử nghiệm. "Việc có mục tiêu chung [tạo không gian cho sự khác biệt] chính là thứ giúp chúng tôi làm việc cùng nhau và biến các dự án thành hiện thực" - June Tan, một nhà sản xuất tại Five Arts Center, nói.

Cách Kuala Lumpur khoảng 350km về phía tây bắc, Hin Bus Depot không xa lạ gì với du khách khi tới Penang. Trước kia nơi này từng là bến xe tư nhân cũ, sau đó được chuyển thành một tổ hợp cộng đồng kết hợp trưng bày triển lãm trong nhà và ngoài trời cho các nghệ sĩ trẻ từ khắp nơi trên thế giới.

Wanida Razali, quản lý Hin Bus Depot, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có một không gian hữu hình cho nghệ thuật, bởi từ đó mới có thể tổ chức các hoạt động thể chất, đem lại sự gắn kết sâu sắc hơn và nhiều ý nghĩa hơn. "Chúng tôi tin rằng nghệ thuật phải bao gồm sự tương tác và đó cũng là cách chúng tôi phát triển cộng đồng" - cô nói.

Bangkok vốn là địa chỉ du lịch hàng đầu của Thái Lan nhưng chính phủ đang tích cực quảng bá hình ảnh thành phố thủ đô như một trung tâm nghệ thuật. Người Thái muốn du khách thấy rằng mọi thứ, kể cả một ga tàu điện, đều có thể kết hợp với nghệ thuật. Ngay giữa lòng Bangkok, tại ga tàu MRT Phahon Yothin, Metro Art - một không gian nghệ thuật rộng 1.000m2 - vừa được khai trương hồi giữa tháng 3.

Đây là dự án kết hợp giữa ngành đường sắt, các công ty quảng cáo và giới nghệ thuật. "Ngoài vai trò là điểm du lịch và là một phần của cộng đồng nghệ thuật…, Metro Art muốn trở thành một điểm đến mới cho những người yêu thích nghệ thuật cả trong và ngoài nước" - trang thông tin chính phủ thailand.go.th viết.

Nhà ga MRT Phahon Yothin giờ là trung tâm nghệ thuật.  Ảnh: TATNews

Nhà ga MRT Phahon Yothin giờ là trung tâm nghệ thuật. Ảnh: TATNews

Trong tương lai, Tổng cục Du lịch Thái lan và Cơ quan quản lý MRT sẽ tiếp tục kết hợp với các nghệ sĩ có tiếng để biến ga Phahol Yothin thành sân chơi cho các tài năng nghệ thuật cũng như nơi tổ chức các sự kiện, workshop để công chúng gặp gỡ các chuyên gia nghệ thuật. Đây là cách làm sáng tạo, vừa để nghệ sĩ có mặt ngay trung tâm thành phố vừa để hành khách đi tàu có thể thưởng lãm nghệ thuật.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận