05/06/2014 06:12 GMT+7

Đề xuất cấp giấy chủ quyền cho người mua suất tái định cư

D.N.HÀ
D.N.HÀ

TT - Ngày 4-6, ông Nguyễn Hữu Tín - phó chủ tịch UBND TP.HCM - đã họp với các sở, ngành để bàn phương án tháo gỡ những vướng mắc về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất (giấy chủ quyền nhà, đất), giấy phép xây dựng, quản lý theo quy hoạch, tách thửa đất...

Mua đất hơn 10 năm chưa có giấy chủ quyền

Phóng to
Mặc dù đã được cấp giấy chủ quyền nhà, đất nhưng nhiều hộ dân ở Ấp Doi, P.15, Q.Gò Vấp (TP.HCM) không thể thế chấp cho ngân hàng để vay tiền vì trên giấy chủ quyền có ghi chú “khu đất hỗn hợp” - Ảnh: Hữu Khoa

Theo Sở Tài nguyên - môi trường TP, hiện còn nhiều trường hợp mua bán suất tái định cư trước ngày 1-7-2004 (ngày Luật đất đai 2003 có hiệu lực) chưa được các quận, huyện cấp giấy chủ quyền nhà, đất.

Sở này lập luận: theo quy định hiện hành, trường hợp chuyển nhượng nhà, đất bằng giấy tay trước thời điểm trên nay đang sử dụng ổn định, không có tranh chấp, phù hợp quy hoạch thì được cấp giấy chủ quyền nhà, đất cho người đang sử dụng.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp mua suất tái định cư của những người bị di dời trong dự án kênh Nhiêu Lộc hoặc dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm đến nay vẫn chưa được cấp giấy chủ quyền nhà, đất. UBND các quận, huyện dựa vào quy định người tái định cư không được bán nhà tái định cư của TP để không giải quyết cấp giấy chủ quyền nhà cho người mua suất tái định cư.

Sở Tài nguyên - môi trường TP đề xuất UBND TP chỉ đạo UBND các quận, huyện cấp giấy chủ quyền cho các trường hợp này.

Trong khoảng 130.000 trường hợp nhà, đất chưa đủ điều kiện cấp giấy chủ quyền nhà, đất theo quy định hiện hành có đến 27% rơi vào trường hợp sang nhượng đất bằng giấy tay sau ngày 1-7-2004.

Ông Nguyễn Hoài Nam, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP, cho biết người dân mua nhà, sử dụng ổn định gần mười năm nay, không tranh chấp, phù hợp quy hoạch nhưng vẫn chưa được cấp giấy chủ quyền nhà, đất.

Theo ông Nam, quan điểm của Sở Tài nguyên - môi trường TP và UBND nhiều quận, huyện cũng đồng tình việc Nhà nước nên cấp giấy chủ quyền cho những trường hợp trên.

Tuy nhiên, chỉ hợp thức hóa nhà, đất chuyển nhượng bằng giấy tay đến một thời điểm nhất định nào đó, trường hợp mua bán giấy tay những năm gần đây không nên công nhận để buộc dân phải thực hiện thủ tục chuyển nhượng hợp pháp.

Ông Nam cũng đề xuất với lãnh đạo UBND TP về việc bỏ ghi chú về quy hoạch trên giấy chủ quyền nhà, đất của người dân.

Đề xuất này xuất phát từ thực tế nhiều giấy chủ quyền nhà, đất của dân bị ghi chú: nhà, đất thuộc quy hoạch công viên cây xanh, công trình công cộng, thuộc quy hoạch đất hỗn hợp, thuộc đường dự phóng... khiến người dân rất khó khăn khi thực hiện các giao dịch. Một số ngân hàng từ chối nhận thế chấp những giấy chủ quyền nhà, đất có các ghi chú như trên.

Theo quy định của nghị định 88 về cấp giấy chủ quyền nhà, đất và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài nguyên - môi trường, trên giấy chủ quyền nhà, đất chỉ ghi chú những hạn chế về quyền sử dụng đất, không có ghi chú về quy hoạch. Việc ghi chú về quy hoạch do các quận, huyện muốn an toàn nhưng gây khó xử cho người dân.

Ông Nguyễn Hữu Tín yêu cầu Sở Tài nguyên - môi trường TP nghiên cứu, lấy ý kiến của các quận, huyện theo hướng bỏ ghi chú về quy hoạch trên giấy chủ quyền nhà, đất.

Ngoài ra, phải tăng cường công khai quy hoạch bằng nhiều hình thức để cá nhân, đơn vị muốn giao dịch dễ dàng có thông tin quy hoạch về nhà, đất.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Tín cũng chỉ đạo các sở soạn thảo và trình sửa đổi các quyết định của UBND TP về cấp phép xây dựng và quy định về diện tích tối thiểu sau khi tách thửa đất.

Đối với hai văn bản này, ông Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo phải tạo điều kiện thuận lợi để cấp phép xây dựng, tách thửa nhằm giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho người dân sống lâu năm tại địa phương.

Bên cạnh đó, quy định phải chặt chẽ để cấm tuyệt đối người từ nơi khác đến mua gom đất nông nghiệp để chuyển mục đích, tách thửa nhằm kinh doanh.

“Việc cấp giấy phép xây dựng trên đất không phù hợp quy hoạch cũng nhằm giải quyết bức xúc của người dân về chỗ ở trên đất mà họ đã sử dụng lâu năm, chứ không phải tạo điều kiện cho người từ nơi khác đến mua đất cất nhà, phá vỡ quy hoạch” - ông Tín nhấn mạnh.

D.N.HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên