12/12/2023 18:11 GMT+7

Đề xuất cung cấp gạo không chất bảo quản, rẻ hơn 10% cho TP.HCM

Tại diễn đàn tổ chức ở TP Cần Thơ, Phó chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Huỳnh Văn Thòn đã có những đề xuất về cung ứng gạo, đảm bảo người dân TP.HCM được ăn gạo ngon, gạo không chất bảo quản mà giá thấp hơn thị trường 10%.

Phó chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam Huỳnh Văn Thòn phát biểu tại hội nghị - Ảnh: CHÍ QUỐC

Phó chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam Huỳnh Văn Thòn phát biểu tại hội nghị - Ảnh: CHÍ QUỐC

Chiều 12-12, tại TP Cần Thơ, trong khuôn khổ chương trình công bố báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 đã diễn ra diễn đàn chính sách "Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long nhìn từ liên kết vùng và cơ chế hợp tác giữa các địa phương".

Hiệp hội vừa thành lập tung đề nghị 

Tại hội nghị, ông Huỳnh Văn Thòn - phó chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (vừa được thành lập ngày 11-12) - đã có chia sẻ về giải pháp để tăng thu nhập cho người nông dân.

Ông Thòn cho biết với thông điệp "Thịnh vượng khởi đầu từ người trồng lúa" của Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, ông đã bàn với chủ tịch hiệp hội là ông Bùi Bá Bổng: "Từ trước tới nay chúng ta nói về liên kết vùng, rồi liên kết TP.HCM với miền Tây hoài không xong. Thôi thì hãy bắt đầu bằng việc đăng ký với TP.HCM để cung cấp lúa gạo cho thành phố.

Tôi khẳng định là các thành viên hiệp hội sẽ hoàn toàn đủ lượng gạo đăng ký cung cấp cho 10 triệu dân TP.HCM để bà con ăn gạo mới, không chất bảo quản và giá thấp hơn thị trường 10%. Lo cho một thành phố 10 triệu dân, đóng góp 30% ngân sách cho cả nước là vinh dự lắm chứ".

"Làm được cho TP.HCM, sau đó sẽ mở rộng cho tất cả thành phố lớn khác. Không chỉ lo an ninh lương thực bình thường mà cần đảm bảo cho người dân chúng ta được ăn gạo ngon, gạo mới, không chất bảo quản. Nếu chúng ta không có giải pháp gì cụ thể, cứ hỡi hỡi lên rồi mọi việc cũng xong", ông Thòn nêu.

Lấy chế biến phụ phẩm bù đắp thu nhập cho nông dân

Ông Thòn cũng cho rằng với việc sản xuất 43 triệu tấn lúa mỗi năm như hiện nay, hoàn toàn có thể thu gom được khoảng 5 triệu tấn trấu và với số lượng trấu này có thể làm ra 25 triệu tấn polyme sinh học, đem lại lợi nhuận không nhỏ cho ngành lúa gạo.

"Phụ phẩm hoàn toàn có thể biến thành sản phẩm chính giá trị gia tăng cao, bù đắp một phần thu nhập cho nông dân, từ đó giải bài toán vai trò của nông dân thì quá nhiều mà thu nhập bà con thấp quá, để thu nhập tương đương với ngành kinh tế khác, trồng loại cây trồng khác", ông nói.

Ngoài ra ông Thòn cũng cho rằng với đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai từ hôm nay 12-12 sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, nâng cao thu nhập của người nông dân, bởi hai lý do.

Thứ nhất, đề án này hình thành trên cơ sở quy hoạch đồng bộ, cụ thể cho vùng trồng, hợp lý cho từng loại giống căn cứ vào thổ nhưỡng, khí hậu thời tiết và đặc biệt cho các thị trường dự định tiêu thụ.

Gắn với đó là đầu tư công trình kể cả phi công trình để đáp ứng yêu cầu đồng bộ, giải quyết khâu vướng mắc trong cơ sở hạ tầng, đảm bảo hiệu quả từ giao thông, thủy lợi, thủy nông tới đầu tư các nhà máy.

Thứ hai là cùng với đó tổ chức lại sản xuất trên quy mô lớn để cơ giới hóa, đưa cơ giới hóa vào để đồng bộ, tích hợp; đưa nông dân vào tổ chức sản xuất mà ở đó có thể liên kết chặt chẽ với các chủ thể khác, hay nói khác hơn ở đó là cả một hệ sinh thái.

Thủ tướng: Từ thành công của thương hiệu gạo, cần xây dựng các vùng nguyên liệuThủ tướng: Từ thành công của thương hiệu gạo, cần xây dựng các vùng nguyên liệu

Ngày 10-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ tiếp xúc với 200 cử tri tại huyện Vĩnh Thạnh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên