08/05/2014 04:17 GMT+7

Đề xuất mở cửa cho nhà đầu tư ngoại vào bất động sản

Q.KHẢI - Đ.DÂN - Q.THANH
Q.KHẢI - Đ.DÂN - Q.THANH

TT - Ngày 7-5, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức hội nghị nghe góp ý cho dự thảo dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Tại hội nghị, nhiều đại biểu tiếp tục có ý kiến góp ý liên quan đến việc cho người nước ngoài cũng như người VN ở nước ngoài được tham gia hoạt động kinh doanh bất động sản nhằm thu hút nguồn vốn, thúc đẩy thị trường phát triển.

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch cho rằng Quốc hội nên tạo ra một cơ chế riêng bằng việc ra một nghị quyết về vấn đề này, vì nếu chờ đến khi Luật kinh doanh bất động sản được thông qua thì còn rất lâu (dự kiến thông qua vào kỳ họp Quốc hội cuối năm 2014). Trong khi nhiều dự án bất động sản hiện đóng băng, nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia kinh doanh mà không được vì chưa có quy định.

Cũng liên quan đến việc tham gia thị trường bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài, ông Lịch đề xuất tháo gỡ thủ tục đối với trường hợp chuyển nhượng bất động sản dở dang giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. “Một doanh nghiệp trong nước đầu tư một công trình dở dang không còn khả năng thực hiện muốn chuyển nhượng trực tiếp lại cho nhà đầu tư nước ngoài thì không được. Bởi quy trình là Nhà nước phải thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của nhà đầu tư trong nước rồi mới cấp lại dự án mới cho nhà đầu tư nước ngoài, điều này rất mất thời gian, không cần thiết!”.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết từng góp ý vấn đề này, tuy nhiên cái vướng ở đây “dính” tới Luật đất đai - không cho phép nhà đầu tư nước ngoài được chuyển nhượng trực tiếp bất động sản với nhà đầu tư trong nước.

* Trước đó buổi sáng cùng ngày, tại phiên thảo luận của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về dự án Luật đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm cho rằng dự luật cần có điều khoản làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân khi có những quyết định đầu tư, chủ trương đầu tư sai làm mất mát tài sản lớn, thay vì chỉ có những “anh” điều hành trực tiếp phải gánh chịu như hiện nay. Tương tự, đại biểu Quốc hội Trần Văn nói do không có chế tài cụ thể nên khi xảy ra sự việc này, sự việc khác thì không quy được trách nhiệm cụ thể, chỉ dừng đến trách nhiệm của các doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh, còn “trên nữa thì không có (chịu trách nhiệm) gì cả”.

Q.KHẢI - Đ.DÂN - Q.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên