04/05/2012 12:16 GMT+7

Đề xuất tăng giá thuê nhà ở xã hội 3 năm/lần

TTXVN
TTXVN

Theo dự thảo nghị định về phát triển và quản lý nhà ở cho thuê tại khu vực đô thị do Bộ Xây dựng soạn thảo, giá nhà ở cho thuê sẽ phụ thuộc vào hình thức đầu tư.

RdVGQpSd.jpgPhóng to
Nhà ở thương mại cho thuê theo cơ chế thị trường thì chủ đầu tư quyết định ban hành giá thuê - Ảnh minh họa: T.L

Bộ Xây dựng cho biết nhà ở xã hội do ngân sách trung ương đầu tư thì Bộ Xây dựng ban hành và điều chỉnh giá thuê.

Trường hợp do ngân sách địa phương đầu tư, UBND cấp tỉnh, thành phố ban hành và điều chỉnh giá thuê.

Nếu các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư nhưng được Nhà nước hỗ trợ thì doanh nghiệp xây dựng giá thuê (kể cả điều chỉnh giá thuê) và trình UBND cấp tỉnh thẩm định trước khi ban hành, điều chỉnh giá thuê.

Trường hợp khác, nếu là nhà ở thương mại cho thuê theo cơ chế thị trường thì chủ đầu tư quyết định ban hành giá thuê.

Như vậy, Bộ Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn phương pháp xác định giá thuê nhà ở để các địa phương và doanh nghiệp làm cơ sở xây dựng giá thuê nhà ở cho phù hợp.

Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của người thuê, dự thảo quy định người thuê nhà ở được nộp tiền thuê nhà theo định kỳ hằ̀ng tháng hoặc theo thỏa thuận, nhưng tối đa không quá 1 năm/lần; chủ sở hữu nhà ở xã hội chỉ được tăng giá thuê nhà ở tối thiểu 3 năm/lần và mỗi lần tăng không vượt quá 15% giá thuê nhà ở ghi trong hợp đồng.

Ngoài tiền thuê nhà ở, người thuê còn phải đóng các khoản tiền dịch vụ theo quy định trong quá trình sử dụng nhà ở như tiền vệ sinh, tiền điện, nước… và phải nộp trước cho bên cho thuê một khoản tiền đặt cọc tối đa bằng sáu tháng tiền thuê nhà để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người thuê.

Nhà nước cũng khuyến khích các bên thỏa thuận nộp khoản tiền đặt cọc cao hơn mức sáu tháng tiền thuê nhà, để bên thuê được giảm hoặc không phải đóng tiền thuê nhà ở trong một thời hạn nhất định và cũng nhằm giúp chủ đầu tư có nguồn tiền để đầu tư nhà ở khác.

Khi khách hàng không có nhu cầu thuê và trả lại nhà ở thì chủ đầu tư sẽ hoàn lại khoản tiền đặt cọc này cho bên thuê (không tính lãi suất). Nếu phải thực hiện cưỡng chế di chuyển thì bên cho thuê được trích từ khoản tiền này để chi trả cho việc cưỡng chế di chuyển đòi lại nhà cho thuê.

Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, cần phải tăng mức đặt cọc thì mới giải quyết được khó khăn về vốn cho chủ đầu tư và khuyến khích được việc phát triển nhà ở cho thuê.

Hiện nhu cầu về nhà ở tại đô thị là rất lớn, trong khi giá bán nhà ở thương mại hiện nay lại quá cao so với thu nhập của người dân. Bởi vậy, nghị định này được kỳ vọng sẽ thu hút thêm nhiều nguồn lực để tạo ra quỹ nhà ở cho thuê, giúp người dân đô thị cải thiện chỗ ở.

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên