20/09/2023 09:24 GMT+7

Đến năm 2030 TP.HCM vẫn khan hiếm nghiêm trọng nhà ở xã hội

Giai đoạn 2021-2030 nguồn cung nhà ở xã hội tại TP.HCM chỉ đáp ứng 17,8% nhu cầu, nhà ở công nhân chỉ đáp ứng gần 6% nhu cầu.

Tình trạng khan hiếm nhà ở xã hội tại TP.HCM sẽ kéo dài từ nay tới năm 2030 - Ảnh: L.Q.

Tình trạng khan hiếm nhà ở xã hội tại TP.HCM sẽ kéo dài từ nay tới năm 2030 - Ảnh: L.Q.

Nhận định trên được UBND TP.HCM đưa ra trong báo cáo thực hiện nghị quyết 33 năm 2023 của Chính phủ vừa gửi tới Bộ Xây dựng về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Xây dựng thêm 93.000 căn nhà ở xã hội

Theo UBND TP.HCM, tổng nhu cầu nhà ở của thành phố trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 37 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó chủ yếu là nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp ở đô thị khoảng 15 triệu m2 sàn nhà ở, công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn khoảng 12 triệu m2 sàn nhà ở.

Nhu cầu nhà ở này theo đánh giá của thành phố tương đương với nhu cầu quỹ đất xây dựng nhà ở khoảng 451ha, nhu cầu vốn đầu tư xây dựng khoảng 86.400 tỉ đồng.

Tuy nhiên trong giai đoạn 2021-2030 TP.HCM dự báo sẽ phát triển được khoảng 6,58 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương ứng khoảng 93.000 căn hộ. Trong đó nhà ở cho thuê đạt khoảng 1,3 triệu m2 sàn nhà ở (18.600 căn hộ), nhà lưu trú công nhân đạt khoảng 700.000 m2 sàn nhà ở (12.500 căn hộ).

Vì vậy TP.HCM cho rằng khả năng phát triển tối đa nguồn cung nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 chỉ đáp ứng được 17,8% nhu cầu của người dân, trong đó riêng loại hình nhà lưu trú công nhân chỉ đáp ứng được gần 6% nhu cầu nhà ở của công nhân.

UBND TP.HCM cũng cho biết việc thành phố hoàn thành xây dựng 93.000 căn hộ trong giai đoạn 2021-2030 là vượt mục tiêu xây dựng 69.700 căn hộ nhà ở xã hội mà đề án 1 triệu căn hộ của Chính phủ đề ra trên địa bàn.

Mới có một dự án vay được vốn từ gói ưu đãi 120.000 tỉ đồng

Đối với việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng cho vay để đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn, TP.HCM cho hay đến nay thành phố đã rà soát 6 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đủ điều kiện vay vốn, hưởng lãi suất ưu đãi theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Có 3 chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội của Công ty CP bất động sản Nguyên Sơn, Công ty TNHH xây dựng và kinh doanh nhà Điền Phúc Thành, Công ty CP Đức Mạnh; 1 chủ đầu tư dự án nhà ở cho công nhân thuê - Công ty CP ThuThiemGroup; 2 chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là Công ty CP Đức Khải Tân Bình, Công ty CP địa ốc Downtown.

Tổng nhu cầu vay vốn ưu đãi từ gói 120.000 tỉ đồng của 6 dự án khoảng 2.776 tỉ đồng, trong đó nhu cầu vay vốn của các dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp khoảng 910 tỉ đồng, nhà ở xã hội dành cho công nhân thuê 700 tỉ đồng, dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ khoảng 1.166 tỉ đồng.

Nhưng đến nay mới chỉ có 1 dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê của Công ty CP ThuThiemGroup được Ngân hàng BIDV chi nhánh quận 7 chấp thuận cho vay 585 tỉ đồng, 5 dự án còn lại vẫn đang làm hồ sơ, hoàn tất thủ tục với ngân hàng để thẩm định và cấp hạn mức cho vay.

Him Lam đề xuất chuyển hơn 3.200 căn hộ thành nhà ở xã hộiHim Lam đề xuất chuyển hơn 3.200 căn hộ thành nhà ở xã hội

TP Hà Nội vừa đề nghị Bộ Xây dựng cho ý kiến về việc chuyển toàn bộ dự án khu nhà ở xã hội, tái định cư và nhà ở thương mại Him Lam Phúc Lợi thành dự án nhà ở xã hội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên