10/11/2023 14:25 GMT+7

Đến trường trên lưng mẹ, lưng dì và ước mơ trở thành nhà tâm lý

Sinh ra đã bị bại liệt nửa người, cơ thể teo tóp, sinh hoạt rất khó khăn nhưng Lê Thị Thảo Nguyên vẫn kiên cường đến trường trên lưng mẹ, lưng dì. Thảo Nguyên vừa đỗ vào Trường đại học Quy Nhơn.

Bà Hoa tươi cười bảo nhờ đứa con gái mà mình mới biết trường đại học là như thế nào. Đấy là ước mơ của cả đời bà - Ảnh: LÂM THIÊN

Bà Hoa tươi cười bảo nhờ đứa con gái mà mình mới biết trường đại học là như thế nào. Đấy là ước mơ của cả đời bà - Ảnh: LÂM THIÊN

Từ nhỏ tới lớn, mọi sinh hoạt của Lê Thảo Nguyên (ở xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) đều phải nhờ vào người khác. Và cô gái khuyết tật đầy nghị lực ấy đã vượt qua số phận để tạo nên kỳ tích: trở thành tân sinh viên K46, ngành tâm lý học giáo dục của Trường đại học Quy Nhơn.

"Nếu không có tri thức, mình tồn tại trên đời này có ý nghĩa gì"

Cha bỏ đi khi cả hai anh em Thảo Nguyên còn nhỏ khiến gia đình vốn nghèo khó càng thêm khốn đốn. Một mình bà Lương Thị Hoa (năm nay 48 tuổi) gánh gồng nuôi hai con.

Nếu nuôi con bình thường đã vất vả đối với một người mẹ đơn thân, đằng này Thảo Nguyên lại bị bại liệt bẩm sinh, nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều nhờ vào mẹ, bà Hoa vất vả gấp đôi, ba lần.

Tôi gặp hai mẹ con Thảo Nguyên tại ký túc xá Trường đại học Quy Nhơn. Bà Hoa trông già hơn nhiều so với cái tuổi 48. 

Từ lúc mới chào đời, cơ thể Thảo Nguyên đã rất yếu ớt và phát triển không bình thường. Khi sức khỏe còn tốt, bà Hoa đi làm công nhân. Nhưng nay lớn tuổi, sức khỏe có phần giảm sút, bà chỉ nhận thêu, may một số đồ thủ công để kiếm sống qua ngày. 

"Trước đây, gia đình có ba mẹ con thuộc diện cận nghèo, nhưng giờ không còn thuộc diện này nữa dù tôi lớn tuổi và khó khăn còn hơn trước. Anh trai Thảo Nguyên đi bộ đội rồi, không đỡ đần giúp mẹ và em như trước nữa nên càng thêm vất vả" - bà Hoa bùi ngùi.

Thấy con gái bại liệt nhưng có ý chí, ham học, bà và người chị ruột thay phiên nhau cõng Thảo Nguyên đến trường. "Thấy bạn đi học mà mình ở nhà, Nguyên buồn rười rượi. Con gái buồn mình cũng buồn theo, buồn còn nhiều hơn con nữa. Vậy là, tui với bà chị thay nhau cõng Nguyên đến trường cho con được thỏa đam mê học tập", bà Hoa kể lại.

Từ lúc Thảo Nguyên còn nhỏ, người chị gái của bà là bà Lương Thị Hương (50 tuổi, ở xã Nhơn Phong) thường xuyên cõng đứa cháu gái đi học. "Tui phải đi làm kiếm tiền lo cho các con. Chị Hương thay tui cõng bé Nguyên tới lớp. Chị Hương như người mẹ ruột của Nguyên vậy", bà Hoa nói.

"Cõng Nguyên đến trường, tui cũng ở trong lớp học theo luôn. Nhờ vậy, tui biết nhiều kiến thức chứ hồi nhỏ học ít lắm" - bà Hương chân thành.

Trước chuyện kể của mẹ, Thảo Nguyên tiếp lời: "Giấc mơ của em là được đi học, được đến trường. Mình đã bị thiệt thòi về thể xác, nếu nằm một chỗ trong nhà, không có tri thức, không hiểu biết gì về thế giới bên ngoài, thì mình tồn tại trên đời này có ý nghĩa gì nữa đâu".

Em muốn trở thành một nhà tâm lý để biết được vì sao con người lại có những suy nghĩ, hành động tích cực hoặc tiêu cực. Vì sao trong khó khăn, họ lại dễ dàng buông bỏ mọi thứ mà không nỗ lực vượt qua.

Tân sinh viên Lê Thảo Nguyên

Mẹ sẽ làm tất cả vì con

Mọi sinh hoạt của Lê Thảo Nguyên đều dựa vào mẹ 

Mọi sinh hoạt của Lê Thảo Nguyên đều dựa vào mẹ

Tin Thảo Nguyên đỗ đại học làm bà Hoa, bà Hương ôm nhau khóc trong bất ngờ và hạnh phúc. Nhưng sau phút giây dâng trào đó, cả hai người mẹ lại đầy lo toan nặng trĩu.

Bà Hoa cho biết, nhiều ngày trôi qua, bà và chị mình không thể nào chợp mắt vì phải lo nghĩ cho Thảo Nguyên. Tiền bạc khó khăn là một chuyện, chuyện khác là Hoa sẽ ở ký túc xá, sinh hoạt như thế nào, liệu có đủ sức để thực hiện ước mơ hay không…

"Khi đưa con đến Quy Nhơn nhập học, có lúc tôi muốn nói với Nguyên rằng thôi dừng lại, mẹ con quay về nhà rau cháo nuôi nhau. Nhưng nhìn đôi mắt con đầy niềm vui và ước vọng, tôi không dám nói nữa. Từ đó, tôi nguyện với mình, là sẽ hy sinh hết sức vì con"- bà Hoa tâm sự. Người mẹ này nói rằng bà chỉ ước đừng đau ốm, luôn khỏe để lo cho con. 

PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ - hiệu trưởng Trường đại học Quy Nhơn - cho hay khi biết được hoàn cảnh của em Lê Thảo Nguyên, nhà trường đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để Nguyên cùng mẹ được ở và sinh hoạt tại ký túc xá thuận lợi.

"Đây là trường hợp rất đặc biệt. Trường đã miễn phí chỗ ở cho hai mẹ con em ấy. Bên cạnh đó, trường cũng sắp xếp cho mẹ Thảo Nguyên vào làm trong khu bếp của ký túc xá để có thêm thu nhập", ông Mỹ cho hay.

Thầy giáo Lê Hoàng Quang (giáo viên chủ nhiệm cấp 3 của Lê Thảo Nguyên) tấm tắc khen: "Thảo Nguyên luôn có một khát khao mãnh liệt được đến trường. Tuy nhiên hoàn cảnh gia đình em lại rất khó khăn. Hàng ngày mẹ em phải ở trường chăm sóc em nên không thể nào có tiền trang trải cuộc sống. Tôi rất mong các nhà hảo tâm giúp đỡ em ấy để con đường học tập và tương lai tươi sáng hơn".

Trao học bổng Tiếp sức đến trường cho 50 tân sinh viên Khánh Hòa, Bình Định và Ninh Thuận

Sáng 11-11, tại TP Nha Trang, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng các Tỉnh đoàn Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Định tổ chức lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường cho 50 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của 3 tỉnh.

Tổng kinh phí chương trình hơn 750 triệu đồng do Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Khánh Hòa, Công ty CP Chế biến Lâm thủy sản Khánh Hòa, Tổng công ty Khánh Việt, Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Life Việt Nam (Quỹ Vì cuộc sống tươi đẹp) và bạn đọc báo Tuổi Trẻ tài trợ.

Trong 50 suất học bổng được trao đợt này có 2 suất đặc biệt, mỗi suất 50 triệu đồng/4 năm học dành cho 2 tân sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 48 suất còn lại mỗi suất 15 triệu đồng.

Bên cạnh đó chương trình còn tặng 3 laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn thiếu thiết bị học tập do Quỹ Khuyến học Vinacam - Công ty CP Tập đoàn Vinacam tài trợ. Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ hỗ trợ 8 suất học bổng tiếng Anh khóa luyện thi IELTS cho tân sinh viên tỉnh Khánh Hòa, và Công ty Yến sào Vietwings tài trợ 50 set yến chưng cao cấp cho các tân sinh viên.

Đây là điểm trao thứ 11 trong chương trình học bổng Tiếp sức đến trường năm 2023 dành cho tân sinh viên thuộc chương trình "Vì ngày mai phát triển" lần thứ 577 của báo Tuổi Trẻ.

Đến trường trên lưng mẹ, lưng dì và ước mơ trở thành nhà tâm lý  - Ảnh 5.

Cha chờ tin con gái vào đại học mới yên lòng nhắm mắtCha chờ tin con gái vào đại học mới yên lòng nhắm mắt

Người cha qua đời khi Lê Thị Kim Ngọc (ngụ thị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) vừa nhận được tin đỗ đại học. Ngọc bước vào giảng đường, mang trong tim ước mơ còn dang dở của cha.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên