27/12/2023 17:21 GMT+7

Đi chợ truyền thống như dự chương trình 'Hãy chọn giá đúng'

"Có những ý kiến than phiền vì đi chợ truyền thống như đi dự chương trình Hãy chọn giá đúng, bởi tình trạng nói thách và mặc cả gần như xuất hiện trên cả nước".

Tình trạng ế ẩm tại các chợ sỉ, chợ truyền thống khiến nhiều tiểu thương gặp khó khăn - Ảnh: N.TRÍ

Tình trạng ế ẩm tại các chợ sỉ, chợ truyền thống khiến nhiều tiểu thương gặp khó khăn - Ảnh: N.TRÍ

Nhận định trên được TS Nguyễn Thanh Hòa, trưởng phòng thông tin điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, đưa ra tại hội thảo "Tổ chức hoạt động chợ đầu mối trong ngắn hạn nhằm thích ứng với yêu cầu kiểm soát dịch bệnh và khởi đầu cho việc hướng đến mô hình hiện đại", do Sở Công Thương TP.HCM tổ chức ngày 27-12.

Chợ chưa theo kịp yêu cầu phát triển

Theo TS Hòa, số lượng người dân Việt Nam mua hàng trực tuyến tăng mạnh, trong đó năm 2022 là 51 triệu lượt (tăng 13,5% so với 2021), tổng chi tiêu 12,4 tỉ USD. Ngược lại, hoạt động kinh doanh ở các chợ có xu hướng sụt giảm.

"Có những ý kiến than phiền như đi chợ truyền thống là đi dự chương trình Hãy chọn giá đúng vì nói thách và mặc cả. Trong khi đó, theo khảo sát, lý do mua hàng trực tuyến là tiện lợi, nhanh gọn", ông Hòa nói.

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng để chợ phát triển hiện đại cần 4 yếu tố: nhân lực, nền tảng, công nghệ, và dữ liệu. Trong đó, phải xây dựng chợ đầu mối như một trung tâm logistics, một hệ sinh thái với đa dạng mô hình kinh doanh, phân khúc sản phẩm.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Nguyên Phương, phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, thừa nhận dù cung ứng đến gần 70% nguồn cung thực phẩm, nông sản cho TP nhưng mô hình hoạt động của 3 chợ đầu mối tại TP còn lạc hậu, chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội.

"TP đang nghiên cứu mô hình mới của hệ thống chợ đầu mối đáp ứng 5 yêu cầu như giải quyết vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm, nguồn cung; hình thành các hệ thống kiểm soát từ đầu vào và đầu ra; xây dựng thương hiệu và hướng đến xuất khẩu; quản lý, vận hành chợ đầu mối trong bối cảnh chuyển đổi số", ông Phương nói.

Cần có giải pháp phát triển, không nên bỏ chợ

Với địa bàn có đến 35 chợ truyền thống, ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng, phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết góc độ địa phương, chợ truyền thống không mất đi, mà sẽ phát triển, tồn tại ở mô hình khác.

"Quan trọng định hướng quản lý, quy hoạch, chuyển đổi công năng ra sao cho hợp lý. Cần có cơ chế, bộ tiêu chuẩn riêng về an toàn, vệ sinh, chất lượng hàng hóa... để áp dụng cho chợ.

Với hình thức đấu thầu, TP sẽ chuyển dần từ mô hình phường quản lý chợ qua doanh nghiệp quản lý, hiện đã có 10 chợ do doanh nghiệp quản lý. Theo đó, đơn vị trúng thầu phải có trách nhiệm xây dựng, phát triển chợ", ông Phụng nói.

TS Lê Thị Hải Yến, giảng viên Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM, cho rằng việc mặc cả, thương lượng giá cả tại chợ truyền thống là nét văn hóa, nét riêng.

"Chúng ta phải thay đổi công năng hoạt động tại chợ bởi mô hình hiện hành không thỏa mãn được yêu cầu người tiêu dùng, đặc biệt là phương thức thanh toán, vấn đề môi trường... Nếu phát triển phù hợp, chợ truyền thống vẫn sống tốt nhờ tệp khách hàng riêng", TS Yến đánh giá.

Trong khi đó, là đơn vị quản lý chợ đầu mối Bình Điền - chợ có quy mô lớn nhất cả nước, ông Hà Ngọc Sơn, phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), cho rằng không nên chuyển hẳn qua online mà bỏ kênh offline (truyền thống), bởi chợ có những giá trị riêng, không thể thay thế.

"Thương mại điện tử là phương thức, dòng tiền chuyển lên số hóa, nhưng nguồn hàng không thể số hóa. Trước hết cần nhìn vào hành vi của tiểu thương để điều chỉnh, nghĩa là nên tập trung thay đổi phương thức giao dịch tại chợ", ông Sơn nói.

Cần giải pháp về pháp lý

Cũng tại hội nghị, nhiều chuyên gia cho rằng để chợ đầu mối và chợ truyền thống tồn tại và phát triển, cần các giải pháp hỗ trợ liên quan pháp lý như vấn đề thuê đất, rà soát quy hoạch, chuyển đổi công năng, nghiên cứu chính sách thu thuế, phí để hỗ trợ thương nhân.

Tăng kiểm soát chất lượng từ gốc

Đại diện Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết hiện đơn vị đã ký kết với 15 địa phương về việc phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn để tăng kiểm soát từ gốc. Trong đó, là địa phương đưa rau củ về TP với lượng lớn, tỉnh Lâm Đồng có 29 cơ sở tham gia đề án xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo "Chuỗi thực phẩm an toàn", thực hiện thí điểm trên địa bàn TP với tổng sản lượng 178.500 tấn/năm.

Chợ truyền thống ế ẩm, TP.HCM tính phương án chuyển đổi công năngChợ truyền thống ế ẩm, TP.HCM tính phương án chuyển đổi công năng

Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết các quận huyện đang đánh giá lại hiệu quả kinh doanh các chợ truyền thống. Sở cũng tính đến phương án chuyển đổi công năng đối với các chợ hoạt động không hiệu quả.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên