15/07/2013 12:16 GMT+7

Đi làm địa ốc ở Melbourne

LƯU VĨ LÂN
LƯU VĨ LÂN

TTCT - Sáng thứ bảy hằng tuần là ngày nhộn nhịp của dân địa ốc Melbourne, Úc. Đó là ngày diễn ra các cuộc đấu giá nhà nếu như người mua và bán không giao dịch trao tay trực tiếp mà thích thông qua các công ty môi giới.

Từ vài tuần trước, các số báo cuối tuần đã đăng nhan nhản quảng cáo mời xem nhà.

7H2O16Ri.jpgPhóng to
Người đến tham dự chuẩn bị cho buổi đấu giá nhà - Ảnh: L.V.L.

Mười lăm phút trước 11g trưa thứ bảy 29-6-2013, trời lạnh 70C nhưng khô ráo. Tôi đóng vai một trợ lý giám đốc cho ông Hùng Trần, chủ Công ty địa ốc Kimico tại Melbourne. Chúng tôi lái xe đến khu YarraVille, một khu phố toàn người Úc nhưng nằm gần khu buôn bán Footscray của người Việt, với địa thế mà người Úc rất ưa chuộng: gần ga xe lửa và gần một thị trấn nhỏ theo phong cách Úc (nhiều quán cà phê để tụ tập, các quán ăn nhỏ, các tiệm tạp hóa, bưu điện, ngân hàng...).

Ấn tượng đầu tiên

Ngay giữa khu phố vắng vẻ điển hình của các khu dân cư Melbourne bỗng xuất hiện nhiều xe hơi đậu xếp lớp bên vệ đường. Cứ theo dấu chỉ đó quẹo phải là đến ngôi nhà đang chuẩn bị đấu giá, phía trước treo cờ xí xanh đỏ với các thông tin về ngôi nhà và tên công ty tổ chức đấu giá, ở giữa nổi rõ chữ “Auction Today” (đấu giá hôm nay) và hình cái búa điển hình cho cú “final call” (sẽ được gõ lên xác nhận cuộc gọi giá thắng cuộc sau cùng).

Người tham dự đấu giá tụ tập bên vệ đường đối diện với ngôi nhà, ăn mặc giản dị, phong thái tự nhiên và thân tình như một buổi tiệc thịt nướng ngoài trời kiểu Úc. Đúng 11g xuất hiện các nhân vật tổ chức đấu giá trong trang phục vest đen nghiêm trang, hai người đứng phía sau làm thư ký, còn người điều hành là một người Úc trung niên rất chuyên nghiệp khi “rao”: nhanh, nhấn nhá, uốn éo từng chữ, nhịp điệu đẩy lên cao dần rồi bỗng nhiên ngắt lời đột ngột, dừng lại và rơi xuống...

Tất cả hòa trộn trong ngữ điệu tiếng Úc làm cho “trợ lý giám đốc” không hiểu được từ nào nếu không có giám đốc... dịch lại cho!

Đại khái ngôi nhà kiểu Edwardian (thời kỳ vua Edward ở Vương quốc Anh, từ 1901-1910, với những ảnh hưởng về phong cách nghệ thuật và thời trang) trên đất rộng 300m², có hai phòng ngủ, một phòng tắm, một garage, cách khu buôn bán vài phút đi xe, gần ga và các quán cà phê... có giá gợi ý từ 540.000-590.000 đôla Úc.

Bắt đầu đấu giá, ba người Úc dáng dấp gốc người vùng Vịnh trả 480.000, một người Úc trung niên trả thêm một ngàn, một cặp vợ chồng Úc đứng tuổi “tố” lên hai ngàn nữa. Cứ thế cuộc đấu diễn ra giữa họ cho đến cú “final call” là 580.000, còn cách giá yêu cầu mười ngàn thì dừng lại. Người điều hành tuyên bố người thắng cuộc và mời vào nhà để thương lượng với chủ nhà về khoảng cách còn lại này.

Tất cả diễn ra trong 10 phút, một ngôi nhà trị giá gần 12 tỉ đồng Việt Nam nữa đã được bán. Đó là ấn tượng đầu tiên của ngày làm địa ốc đầu tiên của tôi ở Melbourne.

BLTwAbEo.jpgPhóng to
Người rao đấu giá bắt đầu làm việc - Ảnh: L.V.L.

Ở kiểu Úc

Đô thị Melbourne có một cách sống khá lạ, từ khu trung tâm (CBD - Central Business Center) huyên náo với nhà cao tầng bước ra một bước là gặp ngay các “làng mạc” êm đềm. Các khu phố nội ô kế cận, tựa như quận 3, quận 4, quận Phú Nhuận... nằm cạnh quận 1 ở TP.HCM, đều là những khu nhà biệt thự yên ả, một tầng, nhà gỗ nằm trong khuôn viên đất rộng từ 300-500m², cá biệt có thể lên đến 1.000m², đầy cây xanh.

Tất cả tọa lạc trong những khu phố yên bình, đường rộng 8m, quy hoạch ô bàn cờ vuông vức, giống hệt nhau.

Tại một trong những con phố yên bình đó, tôi tham gia “dọn dẹp” cho một dự án bất động sản nhỏ sắp hoàn tất. Nguyên thủy đó là một căn nhà gỗ diện tích xây dựng 100m², trên một khuôn viên đất rộng 780m² (ngang 15m, sâu 52m). Cái hay là căn nhà cũ nằm ở đầu miếng đất nên phía sau là cả một khoảng vườn trống, nhờ vậy hai căn nhà hai tầng được xây trong phần đất này (nhà nằm giữa miếng đất thì khó chia đất ra để tối ưu hóa việc xây dựng nếu không đập bỏ căn nhà), 4m bên hông được xẻ làm đường chung.

Như vậy, từ một ngôi nhà nằm ở vị trí đắc địa, nhà đầu tư đã có ba nhà khang trang để bán (hai căn mới xây có diện tích 170m² trong khuôn viên đất gần 200m²), mỗi căn trị giá tương đương hoặc cao hơn căn nhà vừa được đấu giá. Nếu dựa theo tốc độ của cuộc đấu giá vừa xem, nhà đầu tư nói đùa sẽ mất đúng 30 phút để hoàn thành thương vụ.

So với tiêu chuẩn ở của Việt Nam, căn nhà như vậy là “quá được”, nhưng thật ra như thế là quá “ép” so với tiêu chuẩn ở của người Úc. Theo nghiên cứu riêng của ông Hùng Trần - một nhà đầu tư có học vị tiến sĩ và sống hơn 30 năm tại Melbourne từ khi thành phố này chưa phát triển như hiện nay, từ sau Thế chiến thứ hai, một căn nhà điển hình Úc thường có diện tích 200m² nằm trong một khu đất 1.000m².

Mỗi năm, diện tích căn nhà tiếp tục phình ra, tính đến năm 2010 là 248m2, trong khi nhà ở Mỹ trung bình thu lại chỉ còn 212m², Đan Mạch 137m2 và ở Anh chỉ còn 72m² (gần giống với các căn hộ chuẩn trung bình của Việt Nam).

Cứ thế mà thành phố Melbourne lớn (Great Melbourne) tràn ra khắp bốn hướng, rộng đến 7.694km², gấp bốn lần TP.HCM (diện tích 2.098km²), trong khi dân số chưa tới 4 triệu người. Cũng vì vậy, để có một bữa tối ngon chúng tôi đến quán Mã Lai tên Strait of Malacca tại khu Springvale phía đông Melbourne.

Khi lên xe ra về, toàn bộ niềm hưng phấn của cà ri Mã Lai vụt biến mất khi biết rằng đường về nhà ở phía tây Melbourne còn gần 80km nữa!

MeSEyLGQ.jpgPhóng to
Quầy bán khoai tây “tự phục vụ” bên vệ đường - Ảnh: L.V.L.

Mua bán kiểu Úc

Thế giới gọi Úc là một “lucky country” (quốc gia may mắn) vì dân số ít mà đất đai rộng lớn và giàu tài nguyên (diện tích 7,6 triệu km², rộng gấp 22 lần Việt Nam và dân số chỉ khoảng 22 triệu người, bằng một phần tư dân số Việt Nam). Cách đây ba năm, chỉ riêng việc Úc xuất khẩu năng lượng, quặng mỏ, nông sản và giáo dục chủ yếu cho bốn nước khổng lồ ở châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ đã đạt con số 110 tỉ đôla!

Tiền nhiều quá nên chính phủ tìm cách “trả lại” cho dân chúng nhằm kích thích tiêu dùng.

Cô em dâu tôi vào bệnh viện sinh con được chăm sóc đầy đủ miễn phí, khi xuất viện được tặng 5.000 đôla để nuôi con. Một người quen có bà mẹ qua đời, chôn cất xong mới biết chính phủ trợ cấp 5.000 đôla để lo hậu sự. Ông Hùng Trần cho biết Giáng sinh năm 2008 thấy kinh tế hơi yếu, chính phủ tặng hàng triệu người dân mỗi người 1.000 đôla để mừng lễ.

Để giảm tiêu thụ điện vào mùa nóng, chính phủ cho mỗi căn nhà 1.600 đôla để làm tấm cách nhiệt trên trần. Ai mua căn nhà đầu tiên được tặng từ 14.000-32.000 đôla. Rồi các chính sách ưu đãi thuế như: người kinh doanh địa ốc lỗ sẽ được ghi khoản lỗ đó lại, sang năm có lãi được đưa khoản lỗ đó vào trừ thuế; nếu họ có nhà ở nhiều nơi thì chi phí đi lại, ăn ở để chăm sóc nhà được trừ thuế...

Bạn sẽ nghe thấy nhiều chính sách xã hội kinh tế rất “lạ tai” ấy ở khắp nước Úc. Có lẽ được chăm sóc đầy đủ thế nên người Úc có một nếp sống thành thật và không phô trương. Tôi nhận ra điều này khi đi chăm sóc các căn nhà cho thuê.

Buổi sáng chúng tôi đến một ngôi nhà của công ty trên đường Gannon để giám định tình trạng nhà vừa được người thuê trả lại để cho thuê tiếp ngày hôm sau. Chủ nhân cũ, một cô nhân viên hàng không người Úc gốc Ấn, đã dọn dẹp cẩn thận, sạch sẽ, trên cửa nhà còn kẹp lại một hóa đơn chi phí hấp tẩy thảm mà cô đã làm. Đúng lúc đó, cặp khách hàng là sinh viên Pakistan đến Úc học nghề y tá đã đến chuẩn bị dọn vào. Chủ khách hòa nhã trao đổi bàn giao nhà.

Vừa rời khỏi ngôi nhà trống sạch sẽ vương vấn hương vị cà ri của cô chủ nhân cũ, chúng tôi phải chạy đến một ngôi nhà được thuê bởi một cặp vợ chồng người Úc vì họ than phiền trời lạnh quá (70C lúc trưa, giảm còn 00C lúc nửa đêm) nên lò sưởi không đủ ấm. May thay, trên thị trường Úc đang tràn ngập một đợt hạ giá máy sưởi điện nhập từ Trung Quốc, từ 400 đôla một chiếc nay chỉ còn 75 đôla! Thế là khệ nệ mang máy về giao cho khách. Chủ khách vui vẻ tay bắt mặt mừng, lúc nào trên môi cũng kèm sẵn chữ “thank you”.

Buổi tối, chúng tôi lại đến thăm hỏi một ngôi nhà khác có bốn sinh viên từ khắp miền Việt Nam đến thuê. Các em đang chuẩn bị cơm tối ríu rít vì có một bà mẹ vừa từ Hải Phòng qua thăm con. Ông Hùng Trần mỉm cười nói: “Bốn người thuê nhưng có đến 6, 7 người đang ở trong nhà, theo luật thì không được. Nhưng kệ, sinh viên nghèo như mình ngày xưa thôi”.

Mua bán kiểu Úc thật lành và lành nhất là trải nghiệm khi đi trên con đường thuộc vùng núi Macedon nằm ở phía tây bắc Melbourne, nơi có nhiều trang trại trồng khoai tây. Một cảnh tượng vừa quen vừa lạ được bắt gặp: những quầy khoai tây nông dân bán dọc đường lộ y như các quầy chôm chôm, sầu riêng dọc đường Long Thành, chỉ có điều lạ là... không hề có người đứng bán!

Các túi khoai tây đóng thành 10kg ghi giá 5 đôla, ai mua thì dừng xe tự lấy rồi bỏ tiền vào chiếc thùng đặt bên cạnh. Khi tôi dừng xe để chụp ảnh, hai ông bà cụ đang mua khoai thắc mắc tôi chụp cái gì vậy. Tôi chỉ trả lời qua loa, nhưng trong bụng thầm nghĩ: buôn bán kiểu này, có nơi cả khoai lẫn cái thùng tiền khó mà còn!

LƯU VĨ LÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên