13/07/2021 08:03 GMT+7

Dịch COVID-19 ngày 13-7: Bình Phước giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 thêm huyện Đồng Phú

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Thông tin từ UBND tỉnh Bình Phước cho hay ngày 13-7, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền đã ký công văn khẩn áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ với địa bàn huyện Đồng Phú. Thời gian trong vòng 15 ngày.

Dịch COVID-19 ngày 13-7:  Bình Phước giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 thêm huyện Đồng Phú - Ảnh 1.

Nhân viên y tế tỉnh Bình Phước khám sàng lọc test nhanh CVID-19 cho người dânnhằm ứng phó dịch bệnh - Ảnh: BÙI LIÊM

Theo ghi nhận, tính đến trưa ngày 13-7, huyện Đồng Phú đã ghi nhận 4 ca dương tính COVID-19.

Liên quan đến các ca dương tính với SARS-CoV-2 xảy ra trên địa bàn, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 huyện Đồng Phú đã chỉ đạo các lực lượng chức năng truy vết những người liên quan, phong tỏa khu vực sinh sống của các bệnh nhân và phun xịt khử khuẩn địa bàn dân cư những nơi này.

Huyện Đồng Phú hiện có trên 17.000 công nhân đang làm việc trong các khu, cụm công nghiệp. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nếu không có các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, hiệu quả thì nguy cơ lây nhiễm là rất cao.

Trước đó, Bình Phước thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 toàn huyện Chơn Thành; giãn cách theo Chỉ thị 15 các huyện, thị xã, TP gồm: Đồng Xoài, Phước Long, Bình Long, Lộc Ninh, Bù Gia Mập, Hớn Quản, Đồng Phú. Đồng thời, dừng toàn bộ các chợ tự phát trong toàn tỉnh.

Thời gian thực hiện trong vòng 15 ngày, bắt đầu từ 12h ngày 11-7.

Bà Trần Tuệ Hiền - chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - cho biết, tính đến trưa ngày 13-7, tỉnh đã có 46 ca dương tính COVID-19 thuộc 8 huyện, thị xã, TP gồm Đồng Xoài, Bình Long, Phước Long, Chơn Thành, Lộc Ninh, Hớn Quản, Bù Gia Mập và Đồng Phú.

"Hiện các địa phương này đang tập trung tối đa lực lượng phối hợp truy vết, lấy mẫu xét nghiệm với các trường hợp và phong tỏa các khu vực liên quan, tăng cường công tác kiểm soát xe chở hàng hóa đến các huyện, thị xã và kiểm tra chặt chẽ phiếu xét nghiệm đối với tài xế, phụ xe vào địa bàn. UBND tỉnh đề nghị người dân hãy chấp hành tốt biện pháp 5K và hạn chế ra khỏi nhà trong vòng 15 ngày tới để tránh dịch bùng phát", bà Tuệ Hiền cho biết.

Bình Phước ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 30-6, là người đàn ông 40 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu, tạm trú ở TP Dĩ An, Bình Dương. Người đàn ông này đến huyện Chơn Thành làm thầu xây dựng. Khi có biểu hiện sốt, đau họng, ông đã đến Trung tâm Y tế huyện Chơn Thành xét nghiệm, kết quả dương tính.

BÙI LIÊM

Dịch COVID-19 ngày 13-7:  Bình Phước giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 thêm huyện Đồng Phú - Ảnh 2.

Tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 đối với xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) - Ảnh: NHẬT LINH

Thừa Thiên Huế giãn cách 1 xã, phong tỏa 4 thôn vì phát hiện ca COVID-19 trong cộng đồng

Tỉnh Thừa Thiên Huế vừa quyết định giãn cách xã hội xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc) sau khi nơi này xuất hiện 2 ca nhiễm và 1 ca nghi nhiễm COIVD-19 ngoài cộng đồng.

Chiều 13-7, tin từ Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết UBND tỉnh vừa có quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ với toàn xã Lộc Thủy từ 12h trưa 13-7.

Ngoài ra tỉnh này cũng phong tỏa 4 thôn ở xã Lộc Thủy hủy Yên Hạ, Thủy Yên Thượng, Thủy Yên Thôn, An Bàng và Thủy Cam.

Trước đó, tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện hai ca COVID-19 ngoài cộng đồng liên quan đến ca bệnh 19601 là tài xế lái xe từ Quảng Ngãi ra Thừa Thiên Huế. Hai bệnh nhân trên được Bộ Y tế đánh số là 19572 và 29834.

Cũng vào trưa 13-7, tỉnh Thừa Thiên Huế xác định thêm một trường hợp nghi nhiễm COVID-19 là một người buôn bán ở chợ Lộc Thủy (xã Lộc Thủy) - nơi hai bệnh nhân 19572 và 29834 từng đến mua hàng.

Trước tình hình cấp bách, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phong tỏa các thôn ở xã Lộc Thủy. Đồng thời lấy mẫu xét nghiệm diện rộng cho những người ở 4 thôn trên.

NHẬT LINH

Thiếu trách nhiệm chống dịch, phó giám đốc trung tâm y tế bị đình chỉ

Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Cầu Kè - Trà Vinh bị đình chỉ công tác do thiếu tinh thần trách nhiệm, không chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Chiều 13-7, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Trà Vinh cho biết vừa ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Thạch Ân - phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Cầu Kè - vì thiếu tinh thần trách nhiệm, không chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch COVID-19. 

Sau khi đình chỉ công tác, Sở Y tế tỉnh Trà Vinh sẽ xem xét và có hình thức xử lý phù hợp với mức độ vi phạm của ông Ân.

Dịch COVID-19 ngày 13-7:  Bình Phước giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 thêm huyện Đồng Phú - Ảnh 3.

Lực lượng kiểm soát tại chốt cầu Cổ Chiên - Ảnh: HỒ GIANG

Trước đó, Sở Y tế tỉnh Trà Vinh cũng đã tạm đình chỉ công tác giám đốc Trung tâm y tế huyện Cầu Ngang, trưởng Trạm y tế xã Mỹ Hòa và nhân viên y tế của trạm này.

Những người nêu trên đã chủ quan, lơ là thiếu trách nhiệm trong phòng dịch. Khi có nhiều trường hợp từ TP.HCM, Bình Dương di chuyển về Trà Vinh, nhưng nhân viên y tế lại không xử lý test nhanh; có trường hợp người dân xin test nhanh, nhưng cán bộ y tế không thực hiện hoặc không hướng dẫn cụ thể. Đến khi phát hiện ca nghi nhiễm hoặc nhiễm đã để lại hậu quả nặng nề.

Hiện, tình hình dịch bệnh ở Trà Vinh đang diễn biến rất phức tạp, tỉnh này đã ghi nhận ít nhất 21 ca nhiễm COVID-19 với nguồn lây nhiễm chủ yếu từ những người về từ TP.HCM, Bình Dương... Đến nay, Trà Vinh đã thiết lập tổng cộng 7 khu vực cách ly y tế tại TP Trà Vinh và các huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Tiểu Cần…

HOÀI THƯƠNG

Cách ly tạm thời toàn bộ nhân viên Bệnh viện đa khoa Kiên Giang

Ngày 13-7, bác sĩ Lưu Ngọc Dung, phó giám đốc BVĐK tỉnh Kiên Giang ký thông báo cách ly đối với toàn bộ y, bác sĩ, nhân viên đang làm việc tại đây.

Theo đó, toàn bộ nhân viên BVĐK Kiên Giang phải cách ly tại chỗ từ 3 đến 7 ngày, không được về nhà chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR, sau đó sẽ có hướng xử trí tiếp theo.

Cán bộ, nhân viên của bệnh viện được tiếp nhận đồ ăn tiếp tế do người nhà mang tới cổng, nhưng phải đảm bảo quy tắc 5K. Các khoa, phòng phải thực hiện giãn cách nhân viên, không đi lại giao tiếp để tránh lây lan, trừ trường hợp thật sự cần thiết.

Dịch COVID-19 ngày 13-7:  Bình Phước giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 thêm huyện Đồng Phú - Ảnh 4.

Toàn bộ bệnh viện đa khoa Kiên Giang đã bị cách ly tạm thời do có 8 ca mắc COVID-19 - Ảnh: K.NAM

Mỗi nhân viên phải thông báo cho gia đình có tiếp xúc với mình để thực hiện cách ly tại nhà. Các phòng khám tư nhân của bác sĩ bệnh viện cũng phải tạm ngưng hoạt động, chờ hướng dẫn mới.

Sở Y tế Kiên Giang cũng đã thông báo tạm thời chuyển địa điểm tiếp nhận khám bệnh ngoại trú từ BVĐK Kiên Giang về bệnh viện ung bướu tỉnh (BVĐK cũ).

Như vậy, đến nay Kiên Giang có 14 ca mắc COVID-19, trong đó có 6 ca mắc trước gồm: 2 ca về từ Malaysia lây cho 2 người nhà và tài xế xe tải lây bệnh từ TP Hồ Chí Minh. Các ca dương tính COVID-19 tại BVĐK được nghi ngờ cũng liên quan tới TP Hồ Chí Minh, tuy nhiên việc xác định nguồn lây và việc truy vết các trường hợp F1, F2, F3 đang được khẩn trương thực hiện.

TP Rạch Giá, trung tâm của tỉnh Kiên Giang đã tạm dừng nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ có tụ tập đông người từ gần 1 tháng nay. Nhiều khả năng, ngay trong ngày hôm nay UBND tỉnh Kiên Giang sẽ có quyết định quan trọng liên quan tới việc giãn cách xã hội diện rộng để phòng COVID-19 lây lan.

Tới nay, tỉnh Kiên Giang mới tiêm ngừa cho khoảng 2% dân số toàn tỉnh, chủ yếu ưu tiên cho đội ngũ chống dịch và cán bộ, công chức nhà nước làm việc trong các lĩnh vực có tiếp xúc nhiều với bên ngoài.

K.NAM

59 cán bộ y tế Thanh Hóa lên đường hỗ trợ TP.HCM phòng chống dịch COVID-19

Đợt này, Sở Y tế Thanh Hóa đã điều động 59 cán bộ y tế, trong đó có 9 bác sĩ, 50 điều dưỡng viên ở các đơn vị gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghi Sơn, Bệnh viện Nội tiết lên đường hỗ trợ TP.HCM. Đoàn công tác này do bác sĩ Nguyễn Viết Hải - phó giám đốc Bệnh viện Nhi Thanh Hóa - làm trưởng đoàn.

Dịch COVID-19 ngày 13-7:  Bình Phước giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 thêm huyện Đồng Phú - Ảnh 5.

Đoàn cán bộ y tế trẻ của tỉnh Thanh Hóa lên đường hỗ trợ TP.HCM phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh do Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa cung cấp

Nhận nhiệm vụ trước khi lên đường đến TP.HCM hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19, các cán bộ y tế Thanh Hóa xác định luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tuyệt đối tuân thủ các quy định, quy trình về công tác phòng chống dịch của Bộ Y tế; dành mọi thời gian có thể trong đợt công tác này để cống hiến hết mình, góp phần cùng TP.HCM và các tỉnh phía Nam đầy lùi, khống chế, từng bước dập tắt dịch bệnh.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Nguyễn Văn Sơn - phó trưởng Khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa - một trong số cán bộ y tế trẻ đi hỗ trợ TP.HCM đợt này cho biết: 

"Các em mong được đem sức trẻ, bầu nhiệt huyết, năng lực của mình, sẵn sàng chia sẻ vì cộng đồng, góp phần phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, với tinh thần tất cả cho TP.HCM trở lại "bình thường mới", để thành phố năng động nhất cả nước vươn mình, phát triển".

HÀ ĐỒNG

Trà Vinh hỗ trợ 60.000 đồng/ngày cho người bán lẻ vé số

Dịch COVID-19 ngày 13-7:  Bình Phước giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 thêm huyện Đồng Phú - Ảnh 6.

Nhiều người bán vé số lẻ vui mừng vì sẽ được hỗ trợ 60.000 đồng/ngày - Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Ngày 13-7, ông Lê Văn Hẳn - chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh - đã đồng ý với tờ trình của Giám đốc Sở tài chính tỉnh về việc hỗ trợ cho người bán lẻ vé xổ số bị ảnh hưởng do tạm ngừng hoạt động kinh doanh.

Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Trà Vinh sẽ trích từ nguồn chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh hỗ trợ 60.000 đồng/ngày/người bán vé số lẻ trên địa bàn tỉnh. Việc hỗ trợ được thực hiện trong thời gian 15 ngày kể từ ngày 9-7. 

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn yêu cầu Sở Lao động - thương binh và xã hội chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Trà Vinh khẩn trương rà soát, lập danh sách người bán lẻ vé số. Việc thực hiện hỗ trợ, đảm bảo chặt, công khai, minh bạch và đúng đối tượng.

HOÀI THƯƠNG

TP.HCM đã có hơn 15.000 người mắc COVID-19 trong đợt dịch thứ 4

Với sự xuất hiện của biến thể Delta, có tốc độ lây nhanh và lan ra diện rộng trong thời gian ngắn, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và cuộc sống mưu sinh của người dân.

Dịch COVID-19 ngày 13-7:  Bình Phước giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 thêm huyện Đồng Phú - Ảnh 7.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tính từ 18h ngày 12-7 đến 6h ngày 13-7, TP đã ghi nhận thêm 365 trường hợp nhiễm COVID-19 mới. Những trường hợp này đều đã được Bộ Y tế công bố vào sáng 13-7. Như vậy, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27-4 đến nay, TP đã có hơn 15.000 trường hợp mắc COVID-19.

Với hơn 1,1 triệu liều vắc xin, TP sẽ triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đợt 5 cho 4 nhóm đối tượng ưu tiên gồm người mắc bệnh mãn tính, người có bệnh lý nền, người già trên 65 tuổi, người nghèo, người hưởng chính sách xã hội, đối tượng người lao động làm việc trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tiện ích, công nhân người nước ngoài đang làm việc trên địa bàn TP. 

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), đợt dịch thứ 4 xảy ra với sự xuất hiện của biến thể Delta, có tốc độ lây nhanh và lan ra diện rộng trong thời gian ngắn đã ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và cuộc sống mưu sinh của người dân. 

TP kêu gọi tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của người dân, kết hợp thực hiện nghiêm chiến lược 5K + vắc xin để nhanh chóng kiểm soát dịch, đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe, tính mạng và hạnh phúc, ấm no của người dân.

THÙY DƯƠNG

Chi viện 6.860 cán bộ y tế, sinh viên hỗ trợ TP.HCM tuần này

6.860 cán bộ y tế, sinh viên đến từ các trường y tế trên cả nước sẽ có mặt tại TP.HCM trong tuần này theo từng đợt khác nhau và phối hợp với chính quyền, y tế sở tại thực hiện nhiệm vụ ngay khi đến TP.

Ngày 12-7, bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM về công tác điều phối giữa nhân lực hỗ trợ từ phía Bộ Y tế và lực lượng tại chỗ của TP trong việc phòng, chống dịch COVID-19.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ Y tế đã có kế hoạch hỗ trợ nhân lực cho TP.HCM trong công tác phòng, chống dịch với sự tham gia của 4 nguồn lực.

Dịch COVID-19 ngày 13-7:  Bình Phước giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 thêm huyện Đồng Phú - Ảnh 8.

Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương là 1 trong 4 cơ sở y tế tại TP.HCM tiếp nhận điều trị ca mắc COVID-19 có bệnh lý nền đi kèm, cần được can thiệp các kỹ thuật điều trị chuyên khoa sâu - Ảnh: XUÂN MAI

Theo đó, 26 lãnh đạo các vụ, cục của Bộ Y tế tham gia trực tiếp công tác điều phối nhân sự nội bộ và phối hợp cùng các quận, huyện trong công tác điều phối, triển khai các công tác phòng, chống dịch. Hiện đã có 17 thành viên trực tiếp có mặt tại TP.HCM để thực hiện nhiệm vụ.

Đối với yêu cầu nhân lực y tế hỗ trợ cho các bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19, Bộ Y tế sẽ huy động tổng lực đáp ứng nhu cầu của thành phố và chậm nhất đến ngày 16-7 sẽ đảm bảo quân số. Trong đó bao gồm 400 bác sĩ và 600 điều dưỡng vừa có thể viện trợ thêm khi có yêu cầu.

Riêng yêu cầu hỗ trợ 200 bác sĩ cùng 800 - 1.000 điều dưỡng hồi sức chuyên sâu để đáp ứng công tác điều trị cho các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch, Bộ Y tế đã làm việc với các bệnh viện trung ương trên cả nước để nhanh chóng hỗ trợ TP.HCM.

Về 500 nhân sự phục vụ công tác điều tra truy vết hiện đã điều động 350 giảng viên và sinh viên Trường đại học Y Thái Bình cùng 120 nhân sự từ Trường đại học Y tế công cộng đến TP.HCM để bổ sung lực lượng cho các quận huyện.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay, Bộ Y tế đã huy động 3.360 cán bộ y tế của các bệnh viện trung ương trên địa bàn và 3.500 cán bộ y tế, sinh viên các trường y tế trên cả nước trong tuần này sẽ có mặt tại TP.HCM chi viện, phối hợp với chính quyền và y tế sở tại để thực hiện nhiệm vụ.

Về tiến độ, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết lực lượng tăng cường từ các đơn vị sẽ đến hỗ trợ TP.HCM theo nhiều đợt khác nhau, khi đến TP.HCM sẽ xuống ngay địa bàn để thực hiện nhiệm vụ, v ì thế cần kết nối giữa địa phương và đoàn một cách kỹ lưỡng.

Cụ thể, ngay từ bây giờ tránh lộn xộn, đồng thời đảm bảo tất cả việc điều phối nhân lực hỗ trợ TP.HCM trong đợt này hoàn tất trước ngày 16-7.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết ngay từ bây giờ các đơn vị cần có kế hoạch tổ chức phối hợp toàn diện để các lực lượng hỗ trợ thuận lợi trong quá trình công tác . Sở Y tế TP.HCM tiếp tục phối hợp các bệnh viện lập danh sách cụ thể liên quan các nhân sự được tăng cường bao gồm các thông tin về nhân sự, đơn vị hỗ trợ, nội dung công việc hỗ trợ.

Với mỗi nhóm hỗ trợ, tiến hành cử ra một trưởng nhóm để làm đầu mối liên hệ, trao đổi để sẵn sàng tiếp nhận công tác. Với số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 mới mỗi ngày liên tục trên 1.000 ca, TP.HCM đã chủ động xây dựng và triển khai hệ thống điều trị 4 tầng với hơn 35.000 giường thu dung, điều trị.

Điều này đặt ra yêu cầu rất lớn cho vấn đề nhân lực cho khối điều trị tại thành phố.

XUÂN MAI

Dịch COVID-19 ngày 13-7:  Bình Phước giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 thêm huyện Đồng Phú - Ảnh 9.

Chốt kiểm soát dịch vẫn được duy trì tại huyện Yên Dũng, huyện Việt Yên - Ảnh: XUÂN HÀ

'Lõi dịch’ COVID-19 của cả nước chuyển sang chỉ thị 19

Tối 12-7, UBND tỉnh Bắc Giang có quyết định điều chỉnh áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 sang thực hiện tinh thần chỉ thị 19 để phòng, chống dịch COVID-19 với 6 thị trấn, xã của hai huyện Yên Dũng và huyện Việt Yên từ ngày 13-7.

Cụ thể, các địa phương sẽ thực hiện chỉ thị 19 gồm 3 xã Nội Hoàng, Tiền Phong, Yên Lư của huyện Yên Dũng và 2 xã Quang Châu, Vân Trung cùng thị trấn Nếnh thuộc huyện Việt Yên.

Có thời điểm, các khu vực này tập trung hàng chục nghìn công nhân lao động và số ca mắc COVID-19 có thời điểm tăng 3 con số khiến tỉnh Bắc Giang phải triển khai nhiều biện pháp để hạn chế lây nhiễm chéo.

Thời gian thực hiện từ 6h ngày 13-7 cho đến khi có thông báo mới. Theo tỉnh Bắc Giang, tổng số ca mắc COVID-19 trên địa bàn đến nay là gần 5.800 trường hợp với xấp xỉ 31.000 trường hợp F1 và hơn 113.000 F2.

Tính riêng ngày 12-7, toàn tỉnh ghi nhận thêm 7 ca F0 mới trong khu cách ly, vùng phong tỏa. Trong đó, có 6 ca bệnh liên quan tới ổ dịch tại Công ty May Baian Vina và 1 trường hợp liên quan tới ổ dịch tại Công ty may GWT (TP Bắc Giang).

Dự báo, số F0 tiếp tục phát sinh chủ yếu liên quan đến "ổ dịch mới" tại TP Bắc Giang. Để khoanh vùng F0, tỉnh Bắc Giang đã rà soát gần 700 người từ tỉnh ngoài về. Lực lượng y tế đã cho 18 người đi cách ly tập trung, còn lại cách ly và tự theo dõi sức khỏe tại nhà. Đặc biệt, có 60/267 người từ TP.HCM về được đi cách ly tập trung.

Tin tích cực là đến nay đã có hơn 5.100 bệnh nhân ra viện chiếm 88,8% tổng số bệnh nhân toàn tỉnh. Để hướng tới mục tiêu bình thường mới, tỉnh Bắc Giang đã tiêm gần 270.000 liều vắc xin (qua 4 đợt) cho lực lượng tuyến đầu, công nhân khu công nghiệp và cán bộ, giáo viên tham gia các kỳ thi.

HÀ QUÂN

39 y bác sĩ ở Quảng Nam tăng cường hỗ trợ TP.HCM chống dịch 39 y bác sĩ ở Quảng Nam tăng cường hỗ trợ TP.HCM chống dịch

TTO - 11 bác sĩ và 28 điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam đã lên đường hỗ trợ TP.HCM chống dịch COVID-19.

TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên