25/10/2017 19:26 GMT+7

Điểm mặt những ông lớn sẽ bán mình trong hai năm tới

A.HỒNG
A.HỒNG

TTO - Sabeco và Vinamilk sẽ bán một phần vốn trong năm nay, còn 2018 sẽ có đến 64 doanh nghiệp ồ ạt "bán mình" trong khi danh sách 2019 là những tập đoàn lớn.

Điểm mặt những ông lớn sẽ bán mình trong hai năm tới - Ảnh 1.

Hội nghị Gateway to VietNam thu hút được 25 doanh nghiệp đầu ngành tại VN và 200 quỹ đầu tư trong và ngoài nước.

Những tập đoàn có thể kể tên như Tổng công ty cà phê Việt Nam, Tổng công ty Bưu chính viễn thông (VNPT), Tập đoàn hóa chất (Vinachem), Tập đoàn than và khoáng sản (TKV)…

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước, đã cho biết như vậy tại phiên thảo luận của Hội Nghị Gateway to Vietnam 2017 được tổ chức ngày hôm nay, 25-10 tại TP.HCM.

Theo ông Dũng, tính đến hết tháng 9-2017 đã có 34 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa trong năm nay, đạt 77% so với kế hoạch cả năm.

Từ nay đến cuối năm một số doanh nghiệp sẽ được đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa như PVOil, PV Power, Tổng công ty thuốc lá Việt Nam và thực hiện đẩy mạnh bán cổ phần tại Sabeco và Vinamilk.

Còn trong danh sách cổ phần hóa năm 2018 có nhiều doanh nghiệp lớn như Tổng công ty giấy Việt Nam, Mobifone, và nhiều doanh nghiệp lớn khác trong ngành vàng bạc đá quý, bất động sản, phát điện,…

"Như vậy, trong thời gian 1-2 năm tới, hàng trăm doanh nghiệp nhà nước sẽ được thực hiện cổ phần hóa và tham gia niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ tăng trưởng về quy mô và tạo ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước", ông Dũng nói.

Vậy phải làm gì để thu hút được vốn của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài qua các đợt bán vốn?

Trả lời câu hỏi này, ông Dũng cho rằng để giải quyết câu chuyện này cần có sự tham gia của nhiều phía. 

Riêng về chính sách phải thay đổi hướng đến một số mục tiêu chính, sao cho các đợt phát hành phải công khai, minh bạch hơn. 

Bên cạnh đó cần tạo điều kiện rõ ràng hơn cho thị trường tài chính phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh phát triển. 

Ông Marco Breu, Tổng giám đốc McKinsey & Company Việt Nam, nhấn mạnh sự minh bạch của một doanh nghiệp là rất quan trọng và là thước đo giá trị của công ty. 

"Chúng ta đang sống trong thị trường đầy biến động, do vậy các nhà đầu tư rất cần có minh bạch thông tin trước khi quyết định đầu tư", ông Marco Breu nói.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), nói thêm trước đây có nhiều trường hợp cổ phần hóa chỉ là hình thức vì sau cổ phần hóa nhà nước vẫn nắm 95% đến 98% vốn. 

Như vậy không đạt được mục tiêu đa sở hữu nhưng hiện nay quyết tâm cổ phần hóa rất mạnh mẽ do vậy thị trường vốn và thị trường chứng khoán sẽ có rất nhiều cơ hội và sẽ rất sôi động trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), cho rằng nếu trước đây giới đầu tư đặt câu hỏi vì sao Nhà nước chỉ bán vốn nhỏ giọt mà không phải 49% vốn, rồi nhắc đến thực tế hiện nay đã có doanh nghiệp nhà nước bán đến 51% vốn.

Điều đó, theo ông Hưng, là một minh chứng Chính phủ đã lắng nghe và đáp ứng nguyện vọng của nhà đầu tư. 

"Tất nhiên khi đứng ở vị trí cơ quan quản lý thì không thể nay thế này mai thế khác nhưng từ những gì diễn ra trong thời gian qua nhà đầu tư có quyền hy vọng những mong mỏi hôm nay của mình sẽ được đáp ứng trong tương lai", ông Hưng nói.

A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên