17/10/2023 07:10 GMT+7

Đổ trộm phế thải xây dựng rồi san lấp luôn mặt bằng cho thuê, đành chịu thua?

Những chiếc ô tô hằng đêm vẫn chở phế thải xây dựng đến đổ xuống ao hồ, ruộng, đất dự án, bờ sông, đoạn đường vắng người... ở ngoại thành Hà Nội. Thậm chí, đổ tới đâu san lấp tới đó để rồi nhà xưởng mọc lên để cho thuê.

Phế thải xây dựng đổ vào khu ruộng ở xã Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) - Ảnh: Q.THẾ

Phế thải xây dựng đổ vào khu ruộng ở xã Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) - Ảnh: Q.THẾ

Vấn nạn này đang là "bài toán nan giải" với địa phương, khi ngăn chặn không xuể và việc xử lý về sau sẽ rất khó khăn. Đáng nói, chuyện này không chỉ xảy ra ở Hà Nội.

Tự san lấp đất dự án, ruộng vườn

Hàng nghìn mét vuông ruộng ngập nước đã được thu hồi để xây dựng làm tổ hợp ga Ngọc Hồi, lâu nay đã thành nơi đổ trộm phế thải xây dựng dù UBND xã Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã dựng cả chốt trực và dán thông báo "nghiêm cấm đổ phế thải xây dựng".

Sau khi phế thải xây dựng được đổ trộm thì nhà xưởng lại nhanh chóng "mọc" lên để cho thuê. Cạnh những nhà xưởng có khu vực phế thải xây dựng đang còn ngổn ngang bên dòng nước đen kịt, nhìn từ trên cao không khác gì một công trường đang san lấp lấy mặt bằng.

Tương tự, cả nghìn mét vuông ruộng ngập nước trên địa bàn xã Vân Canh (huyện Hoài Đức) cũng bị san lấp trong thời gian qua. Phế thải san lấp đến đâu nhanh chóng được san gạt trở thành điểm tập kết máy móc công trình, nơi để thùng container.

"Họ san lấp nhanh lắm, làm cả ngày cả đêm, trạc thải đổ đến đâu mặt bằng được tạo ra đến đó. Cứ vài ngày trôi qua tôi lại thấy phế thải xây dựng lấn thêm được một ít diện tích", ông Chiến (làm nghề chạy xe ôm) cho biết.

Nạn đổ trộm phế thải xây dựng gia tăng?

Ông Nguyễn Thế Minh - chủ tịch UBND xã Vân Canh - cho biết khu vực bị đổ trộm phế thải xây dựng là một phần đất ruộng của 94 hộ dân, có tổng diện tích 2,5ha.

"Từ khoảng năm 2007 đất này đã không còn cày cấy do các dự án bên cạnh mọc lên khiến khu ruộng này bị ngập nước. Khu ruộng này trước đây đã được UBND tỉnh Hà Tây cũ quy hoạch dự án phát triển bệnh viện, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có quyết định thu hồi đất".

Ông Minh cho hay việc đổ trạc thải xây dựng là sai, tuy nhiên diện tích đất ruộng trên địa bàn đã bị san lấp khoảng bao nhiêu mét vuông thì ông không nắm được.

"Diện tích bị san lấp tôi không nắm được, chưa đo bao giờ. Có hơn chục con xe, 5-7 container ở khu vực mới san lấp. Chúng tôi đã cho dán thông báo không được đổ phế thải xây dựng ra khu vực này", ông Minh nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Hưng - phó chủ tịch UBND xã Ngọc Hồi - cho hay vị trí đổ trộm trạc thải xây dựng nằm trong diện tích đã thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để xây dựng tổ hợp ga Ngọc Hồi đang được Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Trì quản lý.

"Có hiện tượng ô tô không biết từ đâu đến đổ trộm trạc thải vào ban đêm, xã cũng đã tăng cường kiểm tra, xử lý và báo cáo UBND huyện Thanh Trì. Trạc thải đổ trộm kiểu này khắc phục rất khó, chúng tôi sẽ kiến nghị các cấp có thẩm quyền đưa ra giải pháp cụ thể", ông Hưng nói.

Ngoài ra, ông Hưng cho hay hiện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Trì đang cho một số đơn vị thuê làm bãi gửi xe, tập kết vật liệu xây dựng, còn có cá nhân đứng ra san gạt mặt bằng ở khu vực đất dự án để cho thuê hay không thì ông không nắm được.

Ông Hưng cho biết thêm, theo đề án của UBND huyện Thanh Trì, từ năm 2020 trên địa bàn xã Ngọc Hồi đã có nơi tập kết tạm thời phế thải xây dựng nhưng diện tích rất nhỏ, khoảng 300m2. Người dân không đưa phế thải xây dựng ra đây vì phải ký hợp đồng, mất chi phí vận chuyển và xử lý theo quy định.

Theo vị lãnh đạo UBND xã Vân Canh, đến nay trên địa bàn cũng chưa có bãi tập kết tạm thời phế thải xây dựng do không có quỹ đất.

Biến rác xây dựng thành vật liệu san lấp, gạch không nung

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Văn Toan - giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ sản xuất Toàn Cầu - cho biết trước thực trạng đổ trộm, chôn lấp rác thải xây dựng, TP Hà Nội đã kêu gọi xã hội hóa để tìm công nghệ tái chế phế thải xây dựng.

Theo ông Toan, căn cứ vào nghị định 38 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải, phế liệu và thông tư số 08 năm 2017 về quản lý chất thải của Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội ra chỉ thị 07 kêu gọi xã hội hóa, doanh nghiệp đi tìm kiếm công nghệ tiên tiến để xử lý phế thải xây dựng. Đến nay có hai công ty được TP Hà Nội giao thí điểm tái chế phế thải xây dựng.

Theo ông Toan, mỗi ngày Hà Nội có khoảng 4.000 tấn phế thải được đổ ra môi trường, tuy nhiên đơn vị này cũng chỉ thu được khoảng 500 tấn. Trong khi bãi chôn lấp phế thải xây dựng ở huyện Đông Anh cũng chỉ rộng khoảng 4ha.

"Sau khi báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường, nếu được đồng ý tiếp tục triển khai chúng tôi sẽ mở thêm các điểm tập kết khác. Dự kiến ít nhất mỗi quận, huyện một điểm xử lý phế thải xây dựng làm cát san lấp mặt bằng, gạch không nung, đá lót nền đường...", ông Toan nói.

Đổ phế thải xây dựng bừa bãiĐổ phế thải xây dựng bừa bãi

TTO - Do địa bàn xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội chưa có nơi xử lý rác, phế thải nên các bãi phế thải xây dựng tự phát "mọc" lên cạnh những khu đất trống.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên