28/10/2019 06:20 GMT+7

Đổ xô lắp camera, coi chừng tốn tiền cho... 'phong trào'

SƠN LÂM - CHÍ HẠNH - TÂM DŨNG - VIỆT HÙNG
SƠN LÂM - CHÍ HẠNH - TÂM DŨNG - VIỆT HÙNG

TTO - "Sẽ là lạm dụng nếu các địa phương tranh thủ lắp đặt camera khắp nơi bằng ngân sách nhà nước nhưng không hiệu quả, không cần thiết. Đó là chưa kể đến việc xâm phạm đời tư của người dân...".


Nhiều địa phương trên cả nước đang lắp camera bằng ngân sách nhà nước và xã hội hóa. Nhiều ý kiến ủng hộ để đảm bảo tình hình an ninh, song cũng có không ít ý kiến đặt vấn đề về hiệu quả cũng như cảnh báo coi chừng việc lắp camera trở thành "phong trào", gây lãng phí ngân sách nhà nước.

Đối với hơn 6.000 camera đã xã hội hóa thì chỉ giám sát được những chuyện bình thường của xã hội. Nguồn vốn phải xây dựng bằng ngân sách, chứ xã hội hóa thì làm sao quản lý được an ninh.

Ông Lữ Quang Ngời (phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long)

Một số tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung triển khai mô hình "camera an ninh" bằng nguồn kinh phí xã hội hóa đã nhận được sự ủng hộ của người dân, đồng thời rất hiệu quả.


Đổ xô lắp camera, coi chừng tốn tiền cho... phong trào - Ảnh 2.

2 camera lắp trên tuyến quốc Lộ 1A đoạn qua xã Thuận An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long - Ảnh: CHÍ HẠNH

Xã hội hóa "mắt thần" từ tỉnh lộ đến xóm nhỏ

Từ cuối năm 2015, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, Long An thử lắp camera an ninh "phủ sóng" để theo dõi tình hình trật tự tại địa phương. Những con đường quê từ tỉnh lộ đến các con hẻm đất đi vào xóm nhỏ tại địa phương này là nơi đầu tiên của miền Tây Nam Bộ được các cán bộ công an theo dõi tình hình trực tiếp qua hệ thống "mắt thần". 

Các tuyến đường lắp camera còn được dựng các biển báo "Tuyến đường có camera an ninh" gây e ngại cho những đối tượng nảy sinh ý nghĩ hành động phi pháp.

Một năm sau, mô hình camera an ninh tại xã Mỹ Lộc đã chứng minh được hiệu quả thiết thực khi hàng loạt vụ trộm cắp, án mạng, tai nạn trong đêm được ngành công an phá án thành công nhờ vào các hình ảnh thu thập được từ dữ liệu camera. "Ban đầu chỉ thực hiện khoảng 80 camera lắp tại các vị trí trọng yếu. Mô hình vừa được phát động, người dân đã móc tiền túi hưởng ứng nhanh chóng" - thượng tá Phạm Thanh Tâm, trưởng Công an huyện Cần Giuộc, cho biết.

Từ huyện Cần Giuộc, các địa phương khác ở Long An cũng triển khai xã hội hóa, vận động người dân thực hiện mô hình camera an ninh. 

Thượng tá Nguyễn Minh Sáng - trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Long An - cho biết đến nay tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều đã triển khai mô hình "camera an ninh", với hơn 46.000 camera được lắp đặt. Tất cả đều từ chi phí xã hội hóa.

Tại TP Mỹ Tho (Tiền Giang) đến nay đã có 17/17 phường, xã lắp đặt camera an ninh với hơn 2.000 camera và hoạt động rất hiệu quả. Vụ tai nạn ôtô lao xuống kênh Bà Ngọt, xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho khiến 3 người tử vong vào đầu tháng 10 vừa qua, khi chiếc xe mất tích và người nhà trình báo, các chiến sĩ trinh sát cũng nhờ theo dõi lại các camera đặt ở hai đầu khu vực này. Thấy chiếc xe chạy vào mà không chạy ra, các trinh sát đã lần tìm lại khu vực kênh Bà Ngọt và phát hiện được vụ việc.

Ngân sách và xã hội hóa đều hiệu quả

Trong khi đó, theo số liệu của UBND TP Đà Nẵng, hiện trên địa bàn có 2 hệ thống camera giám sát gồm: hệ thống camera giám sát an ninh, giao thông, trật tự được TP đầu tư và giao cho các đơn vị công an, giao thông... quản lý, điều hành, khai thác, sử dụng với số lượng hơn 1.840 camera, tổng kinh phí từ ngân sách hơn 100 tỉ đồng. 

Ngoài ra có hệ thống camera do các tổ chức, doanh nghiệp, người dân... tự lắp đặt để giám sát an ninh trật tự tại các tổ dân phố, kiệt, hẻm, nhà riêng, cửa hàng... với khoảng 25.000 camera, kinh phí trên 15 tỉ đồng.

Hiệu quả rõ rệt nhất là hệ thống camera giám sát trật tự an toàn giao thông ở 47 điểm trên các đường phố với 143 camera nhằm chủ động phát hiện, ghi nhận, xử lý các hành vi vi phạm giao thông đường bộ. 

Ngoài ra, theo báo cáo của Công an TP, từ khi đưa hệ thống camera vào vận hành, khai thác đã phát hiện, điều tra, truy xét, xử lý 1.582 vụ phạm pháp hình sự, vi phạm pháp luật, trong đó cướp tài sản 11 vụ, cướp giật tài sản 28 vụ, trộm cắp tài sản 546 vụ, cố ý gây thương tích 144 vụ...

Đổ xô lắp camera, coi chừng tốn tiền cho... phong trào - Ảnh 3.

Đồ họa: TUẤN ANH

ĐBSCL: nhiều tỉnh chi đến hàng trăm tỉ

Trong khi đó, nhiều tỉnh tại ĐBSCL thực hiện dự án bằng cách chi tiền từ ngân sách. Như tại phiên họp bất thường lần thứ 13 khóa IX HĐND tỉnh Vĩnh Long vào ngày 17-10 vừa qua, đề án lắp camera được thông qua, chấp thuận chủ trương trích ngân sách và nguồn vốn hợp pháp khác với tổng số tiền 199,1 tỉ đồng.

Trên toàn tỉnh Vĩnh Long hiện đã có 6.186 camera an ninh được lắp đặt. Trong số này, ngân sách nhà nước chi 2,8 tỉ đồng, còn lại xã hội hóa trên 6,2 tỉ đồng.

Tương tự, dự án "camera ngân sách" đã được UBND tỉnh Sóc Trăng phê duyệt vào ngày 17-5. Tổng kinh phí là hơn 164 tỉ đồng, nhằm lắp đặt camera tại 53 địa điểm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cùng hệ thống trung tâm chỉ huy, giám sát, xử lý tương ứng. 

Thời gian thực hiện dự án được triển khai khá gấp rút trong năm 2019-2020. Đặc biệt, nguồn vốn được UBND tỉnh Sóc Trăng ghi rõ là lấy từ nguồn thu xổ số kiến thiết vượt dự toán hằng năm của ngân sách tỉnh.

Ngày 26-9, UBND tỉnh Sóc Trăng tiếp tục ra quyết định phê duyệt dự toán mua sắm hệ thống camera quan sát thí điểm cho các trường học trên địa bàn TP Sóc Trăng. Theo đó, 15 trường học tại TP Sóc Trăng sẽ được trang bị hệ thống camera, đầu ghi, màn hình, ổ cứng, bộ máy tính xử lý, hệ thống âm thanh... 

Phòng GD-ĐT TP Sóc Trăng cũng được lắp đặt bộ máy tính màn hình 19 inch và tivi 65 inch. Tổng giá trị dự toán hơn 9,3 tỉ đồng. Nguồn vốn: kinh phí sự nghiệp GD-ĐT trong dự toán chi ngân sách năm 2019 và được bổ sung có mục tiêu về ngân sách TP Sóc Trăng. Thời gian thực hiện ngay trong năm 2019.

Coi chừng "tranh thủ"

Trao đổi với Tuổi Trẻ, hầu hết các địa phương đều cho rằng việc lắp camera là cần thiết trong nỗ lực đảm bảo an ninh trật tự. Ví dụ dự án lắp camera hơn 199,1 tỉ đồng tại Vĩnh Long, đa số các lãnh đạo cơ quan ban ngành tỉnh này khi được hỏi đều cho là "rất cần thiết". 

Ông Trương Đặng Vĩnh Phúc, giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Vĩnh Long, nói: "Các hệ thống camera hiện có trên địa bàn tỉnh được đầu tư, lắp đặt không bài bản nên không thể tận dụng kết nối vào hệ thống mới. Hiện chỉ mới ở giai đoạn chấp thuận chủ trương, còn phải lập dự án đầu tư, lập hội đồng thẩm định giá, công nghệ, thiết bị rồi mới tổ chức đấu thầu. Giai đoạn này mất cũng cả năm nữa. Hiện chưa thể nói là dự án này sẽ làm thành phố thông minh lên nhưng cũng rất cần thiết cho địa phương".

Thượng tá Lê Văn Lực, phó Phòng CSGT Công an Đà Nẵng, cũng cho rằng kết quả từ hệ thống camera mang lại dễ thấy nhất là tình hình an toàn giao thông đã cải thiện tốt hơn và ý thức của người tham gia giao thông được nâng cao. Đồng thời hệ thống camera cũng giúp ích cho việc phát hiện việc gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy, an ninh trật tự, trộm cướp.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng các địa phương khi lắp đặt camera cần thận trọng đánh giá lại từng bước của dự án, tận dụng những cái đang có cho phù hợp chi phí, hiệu quả, tránh lãng phí.

Ông Nguyễn Văn Thành (Q.Ninh Kiều, Cần Thơ) nêu ý kiến: "Lắp đặt camera là cần thiết để đảm bảo an ninh trật tự. Nhưng sẽ là lạm dụng nếu các địa phương "tranh thủ" lắp đặt khắp nơi bằng ngân sách nhà nước nhưng không hiệu quả và không cần thiết. Đó là chưa kể đến việc xâm phạm đời tư của người dân...".

Đổ xô lắp camera, coi chừng tốn tiền cho... phong trào - Ảnh 4.

Hệ thống camera giám sát giao thông đường CMT8 (Đà Nẵng) khiến người lái xe ý thức tuân thủ pháp luật hơn - Ảnh: V.HÙNG

Hà Nội sẽ lắp camera ở tất cả các quận, huyện

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Hà Nội đang tập trung triển khai một số thành phần cơ bản của thành phố thông minh. Theo đó, trong kế hoạch công nghệ thông tin Hà Nội năm 2019, Hà Nội xác định sẽ hình thành 8 trung tâm trong giai đoạn đến 2020, trong đó có Trung tâm giám sát, điều hành giao thông và phòng chống tội phạm nơi công cộng.

Ông Nguyễn Đức Chung cho biết Hà Nội sẽ triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, bước đầu thí điểm tại quận Long Biên.

Ông Nguyễn Văn Thắng, bí thư Quận ủy Tây Hồ, cho biết trong khi chờ thực hiện việc lắp camera theo chủ trương chung của thành phố, quận Tây Hồ đã chủ động vận động các hộ gia đình, doanh nghiệp trên địa bàn lắp camera ở những khu vực trọng điểm.

Còn tại quận Hoàn Kiếm, việc lắp camera đảm bảo an ninh được triển khai sớm hơn các quận khác. Ông Phạm Tuấn Long, phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết đến tháng 10-2019, quận Hoàn Kiếm đã triển khai lắp camera an ninh trật tự ở 64 điểm. "Toàn bộ các tuyến phố đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã có camera hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự"- ông Long nói.

XUÂN LONG

TP.HCM: triển khai phần mềm phân tích hình ảnh nâng cao

Camera trên địa bàn TP.HCM gồm 3 hệ thống chính. Trong đó có hệ thống camera giám sát an ninh trật tự của Công an TP - sử dụng hạ tầng mạng cáp quang riêng, được đặt chủ yếu ở nội thành và các vị trí trọng điểm, hoạt động theo cơ chế bảo mật của ngành công an để phục vụ công tác giám sát an ninh trật tự, chính trị. Thứ hai là hệ thống camera phục vụ giám sát, quản lý giao thông do nhiều đơn vị, tổ chức đầu tư. Thứ ba là hệ thống camera tại các quận, huyện.

qd_camera_duonglaclongquan_10 2(read-only)

Camera an ninh trong hẻm 958 đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

Hệ thống này gồm 2 loại: camera được đầu tư bằng ngân sách hoặc thuê dịch vụ của các doanh nghiệp viễn thông; camera được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Theo Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM, việc vận hành, khai thác, sử dụng vẫn còn nhiều hạn chế do chủng loại, thiết bị, thông số, tính năng của các camera được trang bị thiếu đồng bộ gây khó khăn cho việc tích hợp thông tin và quản lý tập trung. Do vậy mới đây, Sở Thông tin và truyền thông đã trình UBND TP đề án "Xây dựng hệ thống giám sát hình ảnh camera tập trung TP.HCM giai đoạn 2019-2015". Mục tiêu của đề án là tích hợp hệ thống camera hiện hữu, mở rộng số lượng camera tại các khu vực trọng điểm, nâng cấp, đầu tư xây dựng hạ tầng, đường truyền cáp quang, triển khai thêm các phần mềm ứng dụng phân tích hình ảnh nâng cao, đào tạo đội ngũ quản lý vận hành hệ thống... Tổng kinh phí thực hiện đề án từ nay đến năm 2025 dự kiến khoảng 1.600 tỉ đồng.

MAI LÂM

SƠN LÂM - CHÍ HẠNH - TÂM DŨNG - VIỆT HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên