22/04/2021 22:12 GMT+7

Doanh nghiệp trực thuộc TP.HCM: Ngăn sai phạm bằng cách nào?

ÁI NHÂN - THẢO LÊ
ÁI NHÂN - THẢO LÊ

TTO - Nhằm ngăn ngừa vi phạm của tổng công ty, công ty trực thuộc, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã yêu cầu phải quán triệt, triển khai chỉ thị 28-CT/TU và Quy định số 3746-QĐ/TU của Ban thường vụ Thành ủy.

Doanh nghiệp trực thuộc TP.HCM: Ngăn sai phạm bằng cách nào? - Ảnh 1.

Hội nghị triển khai, quán triệt chỉ thị 28-CT/TU và Quy định 3746-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy - Ảnh: THẢO LÊ

Chiều 22-4, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt chỉ thị 28-CT/TU của Ban thường vụ Thành ủy về chấn chỉnh, ngăn ngừa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, vi phạm của các tổng công ty, công ty và định hướng xây dựng quy chế làm việc của đảng ủy các tổng công ty, công ty trực thuộc TP và Quy định số 3746-QĐ/TU của Ban thường vụ Thành ủy về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ và chế độ làm việc của đảng ủy cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối.

Theo phó trưởng Ban tổ chức Thành ủy TP.HCM Ma Xuân Việt, có tình trạng buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát; thực hiện không đúng điều lệ, quy chế làm việc của doanh nghiệp, của cấp ủy; để xảy ra khuyết điểm, hạn chế, vi phạm về công tác cán bộ, quản lý sử dụng mặt bằng nhà, đất và chuyển nhượng dự án; thực hiện quy trình cổ phần hóa nhà nước... tại doanh nghiệp trực thuộc TP.

Nguyên nhân, do cấp ủy các doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ làm việc giữa đảng ủy, ban thường vụ đảng ủy với hội đồng thành viên, tổng giám đốc. Thiếu kiểm tra, giám sát và chỉ đạo xử lý, chấn chỉnh kịp thời khuyết điểm. Đồng thời mô hình tổ chức bộ máy và tổ chức đảng trong doanh nghiệp chưa phù hợp với quy mô, tính chất, tình hình hoạt động của từng đơn vị…

Triển khai chỉ thị 28-CT/TU, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM yêu cầu đảng ủy cấp trên cơ sở các doanh nghiệp tiếp tục triển khai và lãnh đạo thực hiện nghiêm túc các văn bản, quy định của Đảng và pháp luật có liên quan. Chỉ đạo rà soát, sửa đổi, ban hành các quy chế, quy định nội bộ theo đúng định hướng, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Ban Thường vụ Thành ủy cũng yêu cầu phân tích, đánh giá những sai sót, vi phạm, khuyết điểm của các doanh nghiệp trong thời gian qua để chấn chỉnh, khắc phục và ngăn ngừa. Đồng thời xử lý nghiêm đối với các trường hợp sai phạm, vi phạm.

Doanh nghiệp trực thuộc TP.HCM: Ngăn sai phạm bằng cách nào? - Ảnh 2.

Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu kết luận hội nghị - Ảnh: THẢO LÊ

Phát biểu kết luận tại hội nghị, phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp khi chuyển sang cổ phần hóa bên cạnh quy định pháp luật hiện còn nhiều bất cập. Đồng thời công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm cũng phần nào tác động đến người đứng đầu doanh nghiệp trong việc đưa ra các định hướng mang tính đột phá. 

Ông Hải cũng cho rằng một số doanh nghiệp chỉ chú trọng đến lợi nhuận nên chưa thực sự làm đúng quy định, quy chế.

Trước thực trạng trên, chỉ thị 28-CT/TU và quy định 3746-QĐ/TU triển khai sẽ giúp phân tích các điểm sai của các doanh nghiệp trong thời gian qua để các đơn vị rút kinh nghiệm, tránh những sai sót lặp lại. 

Mục tiêu cuối cùng là làm sao để tất cả các doanh nghiệp nhà nước của TP.HCM giữ vững ổn định và tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Chuyển cơ quan điều tra 23 vụ việc vi phạm

Theo Thanh tra TP.HCM, từ 2016 -2020, Thanh tra TP đã thực hiện 37 đoàn thanh tra tại các tổng công ty, công ty có vốn nhà nước trực thuộc TP. Kiến nghị xử lý, thu hồi hơn 3.460 tỉ đồng, chuyển cơ quan điều tra 23 vụ việc.

Từ năm 2018 đến nay, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM cũng kiểm tra, giám sát 22 lượt tổ chức đảng, 25 đảng viên tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước trực thuộc TP. Qua đó xem xét, kỷ luật 6 tổ chức đảng, 60 đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.

Nhiều doanh nghiệp muốn trực thuộc bộ để "xin cơ chế" Nhiều doanh nghiệp muốn trực thuộc bộ để 'xin cơ chế'

TTO - Chỉ khoảng 1% vốn nhà nước được chuyển giao về SCIC. Còn khoảng 234 doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao nhưng vẫn bị trì hoãn, chưa chuyển giao từ các bộ, ngành, địa phương về Tổng công ty đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

ÁI NHÂN - THẢO LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên