19/12/2023 09:03 GMT+7

Đối ngoại địa phương - một 'binh chủng' của ngoại giao Việt

DUY LINH
và 1 tác giả khác

Tại Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21 ngày 18-12 ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định đối ngoại địa phương "là một trong những binh chủng hợp thành quan trọng của đối ngoại".

Nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang và cựu tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak tại sự kiện ở Thái Bình vào ngày 1-12-2023 - Ảnh: T.KIÊN

Nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang và cựu tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak tại sự kiện ở Thái Bình vào ngày 1-12-2023 - Ảnh: T.KIÊN

Trong ba năm kể từ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần 20, các địa phương của Việt Nam đã ký 422 thỏa thuận hợp tác với các đối tác quốc tế.

Số đoàn lãnh đạo tỉnh thành đi nước ngoài tăng 60% so với trước dù trải qua giai đoạn dịch COVID-19 phản ánh sự chủ động của các địa phương trong việc khơi dậy sự quan tâm, thu hút nước ngoài.

Hậu trường mời ông Lee Myung Bak

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Như Hiếu - cục trưởng Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao) - cho biết trong năm qua Cục Ngoại vụ đã chủ trì và phối hợp với các địa phương tổ chức 45 sự kiện kết nối các địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài nước như Meet Japan, Meet Korea...

Những sự kiện này không chỉ với mong muốn giúp địa phương tổ chức phát triển mà còn là bài học kinh nghiệm cho các địa phương khác trong kết nối quốc tế.

Dẫn ra sự kiện gần đây ở tỉnh Thái Bình có sự tham gia của cựu tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak đầu tháng 12, ông Hiếu cho biết sự kiện này bắt đầu từ chính sự chủ động của địa phương. Lãnh đạo tỉnh này, trong một chuyến công tác Hàn Quốc đầu năm 2023, đã ngỏ lời mời ông Lee Myung Bak sang Thái Bình.

"Sau đó chúng tôi tiến hành qua con đường ngoại giao, phối hợp xây dựng chương trình. Sự kiện ở Thái Bình vừa qua có thể nói là thành công hơn mong đợi, quảng bá toàn diện địa phương. Không chỉ có một cựu nguyên thủ mà theo sau ông, các doanh nghiệp lớn Hàn Quốc cũng về thăm Thái Bình.

Tỉnh cũng tranh thủ tổ chức các lễ hội văn hóa, triển lãm, gian hàng. Ông Lee Myung Bak cũng đi thăm, nói chuyện tại Trường đại học Y Thái Bình, thăm Bệnh viện Nhi Thái Bình, các cơ sở y tế, khu công nghiệp...", ông Hiếu dẫn ví dụ.

Theo ông, sự tham mưu, sau đó là kết nối của Bộ Ngoại giao mà quan trọng nhất là kết nối doanh nghiệp, sẽ là những giá trị gia tăng cho sự chủ động của địa phương.

Dùng danh hiệu UNESCO làm thương hiệu

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội nghị ngoại vụ, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân - trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO - cho biết Việt Nam đến nay có 65 danh hiệu UNESCO, từ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa phi vật thể, công viên địa chất toàn cầu, khu dự trữ sinh quyển, thành phố sáng tạo, thành phố học tập...

Hiện nay, ngay cả trong một địa phương có thể có rất nhiều di sản.

Theo bà Vân, việc gắn kết các danh hiệu UNESCO chính là điểm thu hút đầu tư, làm nên thương hiệu địa phương.

Bà Vân đề cập một số địa phương đang thực hiện tốt, đó là Huế - thành phố một điểm đến, bảy di sản và Hà Nội - vừa là thành phố vì hòa bình vừa là thành phố sáng tạo, vừa có di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.

Bên cạnh đó, một trong những xu hướng hiện nay là tận dụng những lợi thế của công nghệ số trong việc quảng bá, phát huy những giá trị danh hiệu. Bà Vân đề cập việc sử dụng các mạng xã hội như Instagram, Twitter, Facbebook và cả các KOL.

"Khi tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay sang thăm Việt Nam, bà đã đăng bảy tweet về Việt Nam và nhận được hàng trăm, hàng nghìn lượt like, retweet. Tôi nghĩ rằng đấy là một cách có thể truyền tải, giới thiệu nhanh nhất về Việt Nam", bà Vân phân tích.

Trao đổi với báo chí, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng mong muốn các địa phương coi trọng công tác kiều bào nhiều hơn bởi đây là một nguồn lực rất lớn, phong phú. "Tôi đề nghị trong những chuyến đi công tác nước ngoài, lãnh đạo các địa phương nên quan tâm đến kiều bào, đến gặp gỡ và kết nối với họ.

Các địa phương nào cũng có kiều bào ra đi từ địa phương của mình. Và những người đấy việc đầu tiên khi nghĩ đến Việt Nam chính là nghĩ đến nơi chôn nhau cắt rốn của họ", ông Dũng chia sẻ.

Cũng theo ông Dũng, nếu địa phương kết hợp được những người con của quê hương đang ở nước ngoài và trọng dụng họ thì sẽ rất có hiệu quả. "Có thể địa phương cử đại diện của mình ở nước ngoài, nếu kiều bào nào đó phù hợp thì đề xuất họ làm đại diện cho vùng, địa phương mình", ông Dũng nêu đề xuất.

Còn theo ông Nguyễn Như Hiếu, hiện nay trăn trở lớn nhất của ngành ngoại giao nói chung và của Bộ Ngoại giao nói riêng là làm sao tăng cường hiệu quả kết nối của địa phương với quốc tế, tăng cường quảng bá sản phẩm của địa phương.

Ông Hiếu nhấn mạnh nếu các địa phương xác định rõ ràng các đối tác quốc tế trọng tâm trọng điểm, việc kết nối sẽ thuận lợi hơn.

Các đối tác quốc tế ở đây không chỉ là các hợp tác cấp độ địa phương giữa Việt Nam với các quốc gia mà còn là các đối tác hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức, tập đoàn lớn của nước ngoài, đặc biệt là tập đoàn đa quốc gia.

700 tỉ USD

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, ngoại giao kinh tế đã huy động nhiều nguồn lực bên ngoài, đóng góp quan trọng vào kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỉ USD, trên 30 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, thu hút FDI tăng 14,8% trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn.

Ngoại giao kinh tế giúp thu hút FDI tăng 14,8%Ngoại giao kinh tế giúp thu hút FDI tăng 14,8%

Phát biểu tại Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã điểm lại những thành tựu nổi bật của công tác đối ngoại Việt Nam với bản sắc "ngoại giao cây tre".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên