12/08/2019 09:42 GMT+7

Đóng cửa trường đại học yếu kém, được không?

VĨNH HÀ  thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TTO - Chỉ đạo tại hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học mới vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ quan điểm cần kiên quyết đóng cửa các trường đại học yếu kém kéo dài.

Đóng cửa trường đại học yếu kém, được không? - Ảnh 1.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn - hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cấp quốc gia đang ở giai đoạn hoàn tất "Cơ sở khoa học của quy hoạch mạng lưới các trường đại học (ĐH) Việt Nam" - cho rằng cần có những chỉ số mang tính định lượng và một lộ trình để các trường thay đổi.

Sáp nhập hoặc giải thể nếu khó khắc phục

* Xây dựng các "thang đo" cho các trường ĐH trong bối cảnh hiện nay có phải là nội dung quan trọng trong đề tài nghiên cứu mà ông chủ trì không?

- Nhóm nghiên cứu đã xây dựng một bộ chỉ số có tính định lượng. "Thang đo" này không phải để cơ quan quản lý áp vào phân loại hay quyết định đóng cửa các trường ĐH.

Khi bộ chỉ số được "nghiệm thu" và sử dụng, các trường chủ động công bố công khai năng lực của trường mình căn cứ vào bộ chỉ số đó. Với việc công khai, minh bạch, xã hội và người học sẽ giám sát. Các chỉ số là một công cụ sắp xếp hệ thống cơ sở đào tạo ĐH.

* Những đề xuất tiếp theo việc xây dựng bộ chỉ số của nhóm nghiên cứu là gì?

- Chúng tôi đưa ra một lộ trình từ 3-5 năm để các trường thực hiện chiến lược phát triển theo đề án họ xây dựng và cam kết thực hiện. Trên lộ trình đó, những trường đào tạo có uy tín có thể tiếp tục phát triển, những trường còn bất cập thì khắc phục, có giải pháp để nâng cao năng lực.

Nhưng cũng có những cơ sở không đủ năng lực đáp ứng yêu cầu về chất lượng thì lựa chọn hướng sáp nhập với trường lớn hơn, hoặc sáp nhập nhiều trường nhỏ vào một. Thậm chí, không khắc phục được yếu kém thì giải thể.

Nhưng cả khi chọn giải thể cũng phải lập đề án giải thể. Vì một trường ĐH liên quan tới hàng ngàn sinh viên, cán bộ giảng viên, khối tài sản lớn cần phải có quy trình để xử lý hậu quả.

Tăng sự tin cậy và tính cạnh tranh

* Từ thực tiễn nghiên cứu, ông thấy đặc điểm khác biệt của hệ thống cơ sở đào tạo ĐH Việt Nam so với các nước thế nào?

- Chúng tôi nhận ra ngay cả hệ thống trường ĐH của các nước cũng rất khác nhau, nên nếu nói về điểm khác biệt của hệ thống cơ sở đào tạo ĐH Việt Nam thì cần phải so sánh với từng nước.

Có thể nói, phần lớn các trường ĐH Việt Nam được thành lập trong thời gian qua là các trường trực thuộc địa phương được nâng cấp từ các trường CĐ. Nhiều trường có quy mô nhỏ, đào tạo đơn lĩnh vực, đơn ngành, hiệu quả hoạt động và chất lượng đào tạo thấp, khó cạnh tranh trong nước, chưa nói là với các trường trong khu vực.

* Bộ GD-ĐT từng đưa ra yêu cầu "ba công khai" với các trường ĐH, đặc biệt là công khai điều kiện đảm bảo chất lượng, công bố chuẩn đầu ra, công bố kết quả kiểm định chất lượng nhưng thực tế vẫn mù mờ, thiếu sự kiểm soát. Liệu rằng "bộ chỉ số" của nhóm nghiên cứu khi áp dụng có rơi vào tình cảnh "công bố mù mờ, không trung thực"?

- Trước đây, việc công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng có đưa ra các chỉ số nhưng chưa có phân loại, còn thông tin về chuẩn đầu ra và sự cam kết chất lượng thực tế thiếu các chỉ số định lượng liên quan tới chất lượng và hiệu quả đạt được.

Kết quả kiểm định chất lượng cơ sở đào tạo cũng chỉ dừng ở mức độ đạt và không đạt, nhưng cũng thiếu các chỉ số định lượng và phân mức. Chu kỳ kiểm định trường thường là 5 năm và không dễ gì tất cả các trường cùng hoàn thành kiểm định trong chu kỳ này. Vì thế kết quả kiểm định khó phản ánh kịp thời thực trạng về chất lượng và hiệu quả hoạt động của mỗi trường.

Yêu cầu của nhóm nghiên cứu khi xây dựng bộ chỉ số là phải đưa ra được các chỉ số đơn giản có tính định lượng và có thể phân mức rõ ràng để xã hội cùng giám sát được. Khi toàn bộ thông tin này được công khai, các trường phải chịu trách nhiệm với công bố của mình.

Dĩ nhiên, cơ quan quản lý nhà nước vẫn thực hiện vai trò giám sát, thanh tra - kiểm tra và có cơ chế thẩm định để đảm bảo thông tin các trường cung cấp là chính xác và khách quan. Nhưng giám sát xã hội, giám sát của người học rất quan trọng trong việc tạo nên uy tín, sự tồn tại của trường. Tính cạnh tranh giữa các trường cũng vì thế sẽ tăng hơn.

Đóng cửa trường đại học yếu kém, được không? - Ảnh 2.

Tháng 12-2016, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương chuyển Trường ĐH An Giang là trường ĐH thành viên của ĐHQG TP.HCM - Ảnh: BỬU ĐẤU

Tự chủ ĐH chưa phải "chìa khóa" chất lượng

* Theo ông, việc sắp xếp quy hoạch mạng lưới trường ĐH có tác động thế nào đến tiến trình thực hiện tự chủ ĐH - yếu tố đang được xem như "chìa khóa" thúc đẩy chất lượng?

- Phải nói rằng việc sắp xếp quy hoạch mạng lưới trường ĐH và tiến trình thực hiện tự chủ ĐH có tác động qua lại lẫn nhau. Quy hoạch, sắp xếp để hệ thống minh bạch, phân tầng và phân loại rõ nét, Nhà nước và xã hội có định hướng đầu tư tốt hơn, nâng cao hiệu quả hoạt động và thực hiện tốt hơn tự chủ ĐH.

Ngược lại, thực hiện tự chủ ĐH cũng tạo ra sự phân cực mạnh mẽ hơn trong hệ thống, thúc đẩy quá trình sắp xếp, sáp nhập và hợp nhất để hình thành các ĐH giúp các trường có quy mô lớn hơn, tiềm lực mạnh hơn. Đồng thời các trường yếu kém sẽ khó có khả năng cạnh tranh để tồn tại và phát triển.

* Khi quy hoạch mạng lưới trường ĐH còn đang là vấn đề phải bàn thì tự chủ ĐH cũng khó có thể trở thành "chìa khóa" thúc đẩy chất lượng?

- Chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng tự chủ ĐH tự nó chưa phải là chìa khóa để thúc đẩy chất lượng, bởi bên cạnh hành lang pháp lý về tự chủ thì nguồn lực đầu tư và năng lực quản trị ĐH là những yếu tố quyết định nâng cao chất lượng.

Nhưng ngay cả hành lang pháp lý và cơ chế hỗ trợ tài chính của Nhà nước cho tự chủ ĐH hiện nay cũng còn chưa đầy đủ để hỗ trợ các trường ĐH thực hiện thuận lợi. Việc này đang được cải thiện nhưng không nhanh được mà cần thời gian. Cũng vì thế nên có những vướng mắc khiến nhiều cơ sở e dè trong việc thực hiện tự chủ.

Đóng cửa trường đại học yếu kém, được không? - Ảnh 3.

Trường ĐH Hùng Vương, cơ sở ở quận 5, TP.HCM - Ảnh: THANH YẾN

PGS.TS HOÀNG MINH SƠN:

Sáp nhập để mạnh hơn

Sáp nhập, hợp nhất, liên minh, liên kết các trường ĐH thành các ĐH quy mô lớn, đa lĩnh vực đang là xu hướng của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt trong thời đại cạnh tranh toàn cầu rất khốc liệt như hiện nay. Khi đó, các ĐH lớn sẽ có khả năng tập trung thu hút được nguồn lực đầu tư từ Nhà nước và doanh nghiệp vào nghiên cứu và đào tạo sau ĐH, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

* PGS.TS NGUYỄN KIM HỒNG (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):

Đóng cửa trường khó hơn mò kim đáy bể

Tôi hoan nghênh nếu Nhà nước đóng cửa được các cơ sở đào tạo yếu kém. Nhưng xem ra việc này chắc còn khó hơn mò kim đáy bể bởi việc thực thi quyền sáp nhập hay đóng cửa một trường không dễ, nhất là khi chúng ta không đưa ra được một định nghĩa thế nào là yếu kém.

Vậy nên xem xét các ĐH như thế nào khi áp dụng cái quyền đóng cửa, sáp nhập của Nhà nước? Theo tôi đó là đội ngũ giảng viên, thư viện, phòng thí nghiệm, phòng học và các trang thiết bị dạy học. Tất cả những thứ đó đều ghi rõ trong các quy định để các trường được tuyển sinh. Chỉ cần có tiêu chí và thực thi nghiêm là đủ.

* TS LÊ HỮU PHƯỚC (phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM):

Hoàn toàn có thể làm được

Tôi cho rằng "đóng cửa" là việc rất nên làm để thiết lập lại chất lượng trong đào tạo ĐH. Có lẽ nhiều người đã nhận ra được thực trạng này nhiều năm gần đây rồi chứ không phải chuyện mới và nay đã là lúc chín muồi để thực hiện.

Nhưng để làm việc này, điều quan trọng nhất là cần quan tâm tới quyền lợi của người học trước tiên. Cần có lộ trình thích hợp để đưa sinh viên các trường kém chất lượng sang trường khác tiếp tục việc học.

Hiện nay chưa có chuẩn đánh giá chính thức thế nào là trường đào tạo kém chất lượng nhưng vẫn có thể lượng giá được, ví dụ điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào (có thể lấy số liệu 5 năm gần đây), đội ngũ giảng viên, thông tin đánh giá từ nhà tuyển dụng (kênh này cần có đơn vị khảo sát độc lập chứ không thể dựa vào thông tin khảo sát từ chính nhà trường). (TR.HUỲNH ghi)

Thêm trường ĐH nâng điểm chuẩn để không thí sinh nào trúng tuyển Thêm trường ĐH nâng điểm chuẩn để không thí sinh nào trúng tuyển

TTO - Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM quyết định nâng điểm chuẩn hai ngành "vượt trần" điểm thi của thí sinh để không thí sinh nào trúng tuyển.

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên