30/09/2020 13:19 GMT+7

Đồng loạt khởi công 3 dự án đầu tư công cao tốc Bắc - Nam

TUẤN PHÙNG - ĐỨC TRONG
TUẤN PHÙNG - ĐỨC TRONG

TTO - Sáng 30-9, tại xã Hà Long, huyện Hà Trung, Thanh Hóa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát lệnh khởi công đồng loạt 3 dự án thành phần của đường cao tốc Bắc - Nam gồm đoạn: Mai Sơn - quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.

Đồng loạt khởi công 3 dự án đầu tư công cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 1.

Thủ tướng phát lệnh khởi công 3 dự án đường cao tốc Bắc - Nam thực hiện bằng 100% vốn đầu tư công vào sáng 30-9 - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Cùng với dự án thành phần Mai Sơn - quốc lộ 45 được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh khởi công tại xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, Bộ Giao thông vận tải cũng tổ chức khởi công dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết; tổ chức khởi công dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây tại xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Đây là 3 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã được Quốc hội chuyển đổi từ hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công sử dụng 100% vốn nhà nước.

Trong ngày 30-9, mỗi dự án được khởi công 1 gói thầu xây lắp để triển khai thi công trước và sẽ thi công đồng loạt từ cuối tháng 10-2020 khi chọn xong nhà thầu của 10 gói thầu còn lại nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành vào cuối năm 2022.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng đánh giá việc khởi công 3 dự án trên là sự kiện quan trọng, thiết thực chào mừng đại hội Đảng các cấp, đồng thời biểu dương lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, các địa phương, các cơ quan liên quan đã có nhiều cố gắng trong quá trình thực hiện các quy trình thực hiện dự án được Quốc hội chuyển sang đầu tư công, kịp thời khởi công để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm.

"Để có được 93% mặt bằng sạch cho toàn bộ dự án đường cao tốc Bắc-Nam, là sự lao tâm, khổ tứ vận động nhân dân bàn giao mặt bằng. Thay mặt Chính phủ, tôi biểu dương và đánh giá cao, biết ơn nhân dân đã bàn giao mặt bằng cho công trình trọng điểm quốc gia." - Thủ tướng bày tỏ.

Thủ tướng yêu cầu các chủ thể thực hiện dự án phải làm đúng trách nhiệm để đảm bảo chất lượng, công trình tiến độ dự án, không được làm ẩu, làm dối để công trình tai tiếng sau khi khánh thành.

"Vì vậy không được bán thầu, không chia hạng mục cho nhiều thầu phụ để ăn chênh lệch, đảm bảo chất lượng vật liệu, không làm sai tiêu chuẩn thiết kế để các đường cao tốc là công trình kiểu mẫu.

Như vậy, danh tiếng, uy tín của nhà thầu thi công được khẳng định trên thương trường. Nếu làm sai thì bị xử lý nghiêm" - Thủ tướng lưu ý phải rút kinh nghiệm về sai sót trong trong dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi để đảm bảo các dự án đường cao tốc có chất lượng và tiến độ tốt.

Tại buổi lễ, thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, thay mặt Bộ Giao thông vận tải hứa sẽ tập trung mọi nguồn lực trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành dự án, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương thực hiện các dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn và bảo vệ môi trường.

Quốc gia muốn phát triển phải có hệ thống cao tốc hiện đại

Sáng 30-9, Bộ GTVT phối hợp với UBND Bình Thuận tổ chức lễ khởi công dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong.

Phát biểu về tầm quan trọng của dự án cao tốc tại buổi lễ, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng bất kỳ một quốc gia nào muốn phát triển thì trước hết phải phát triển hệ thống đường bộ cao tốc. Vì đây là loại đường giao thông sử dụng hiệu quả, dễ làm, liên kết thuận lợi nhất...

"Chúng ta phải xây dựng để đất nước trở thành công nghiệp hóa hiện đại hóa, tạo hạ tầng đồng bộ, nâng cao năng lực cạnh tranh" - ông Dũng phát biểu.

photo-1

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi lễ khởi công dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG

Cũng theo ông Dũng, hiện nay việc xây dựng và phát triển hệ thống đường cao tốc trong cả nước còn chậm so với tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ông Dũng nói thêm: "Một đất nước đã thống nhất như vậy không thể không có một tuyến đường hành lang hiện đại đi dọc đất nước. Đó là niềm mong ước, khát vọng của người dân".

Với vai trò như vậy, Chính phủ luôn đặc biệt quan tâm đến hệ thống đường bộ cao tốc. Chính phủ tìm cách tháo gỡ các khó khăn, huy động nguồn lực, tìm cách đẩy nhanh tiến động nhưng phải đúng pháp luật.

Ông Nguyễn Ngọc Hai - chủ tịch UBND Bình Thuận - cho biết địa phương đang tái cơ cấu nền kinh tế, liên kết các vùng kinh tế trọng điểm với trọng tâm phát triển 3 lĩnh vực là du lịch, năng lượng sạch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn kết với phát triển kinh tế biển.

Bình Thuận cũng đang phấn đấu đưa Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực Đông Nam Á. Để đạt được những mục tiêu đó, việc đầu tư, phát triển, kết nối hạ tầng giao thông trên địa bàn là vô cùng quan trọng và cấp thiết.

Sau khi được Chính phủ đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác một số tuyến cao tốc, tại Bình Thuận sẽ hình thành một trục giao thông đối ngoại hiện đại, quan trọng bậc nhất theo chiều dọc.

Các dự án cao tốc trên còn giúp địa phương tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông đối ngoại, tạo bước đột phá kết nối với các vùng miền trong cả nước, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông hiện đang có diễn biến phức tạp,...

Ba dự án được khởi công ngày 30-9:

Dự án thành phần đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 có chiều dài 63,37km đi qua địa Ninh Bình, Thanh Hóa. Điểm đầu tại vị trí giao với đường tỉnh 477 ( trùng với điểm cuối dự án thành phần đoạn Cao Bồ - Mai Sơn), thuộc địa phận huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình; điểm cuối tại vị trí giao với đường Nghi Sơn - Thọ Xuân (trùng với điểm đầu dự án thành phần đoạn quốc lộ 45 - Nghi Sơn), thuộc địa phận huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Trong giai đoạn 1, dự án xây dựng 4 làn xe hạn chế (nền đường rộng 17m), vận tốc thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư giai đoạn này là 12.111 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.684 tỉ đồng. Giai đoạn hoàn chỉnh được nâng lên 6 làn xe (nền đường rộng 32,25m), vận tốc thiết kế 120km/h.

Đơn vị tổ chức thực hiện và quản lý dự án là Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ Giao thông vận tải. Nhà thầu trúng gói thầu XL-11 với giá hơn 852 tỉ đồng được khởi công ngày 30-9 là liên danh nhà thầu Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi - Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng - Công ty TNHH Định An.

Dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi qua địa phận Bình Thuận dài 100,8km có điểm đầu tại phía trước nút giao Vĩnh Hảo, thuộc địa phận xã vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận (trùng với điểm cuối dự án đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo); điểm cuối giao với quốc lộ 1 đi Mỹ Thạnh thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận (trùng với điểm đầu dự án thành phần đoạn Phan Thiết - Dầu Giây).

Giai đoạn 1, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết xây dựng 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h, tổng mức đầu tư 10.853 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.210 tỉ đồng. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư thành 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m, vận tốc thiết kế 120km/h.

Đơn vị tổ chức thực hiện và quản lý dự án là Ban Quản lý dự án 7, Bộ Giao thông vận tải. Nhà thầu trúng gói thầu XL - 01 với giá trúng thầu 1.687 tỉ đồng được khởi công ngày 30-9 là liên danh Tổng công ty Thăng Long - Công ty cổ phần Đạt Phương - Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập.

Dự án thành phần đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đi qua Bình Thuận và Đồng Nai có chiều dài khoảng 99km có điểm đầu nằm trên đoạn tuyến nối từ quốc 1 đi Mỹ Thạnh, tỉnh Bình Thuận cách quốc lộ 1 khoảng 2,6km (trùng điểm cuối đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết); điểm cuối kết nối với đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây tại km 43+125.

Đoạn Phan Thiết - Dầu Giây được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đương 25m, vận tốc thiết kế 120km/h, tổng mức đầu tư 12.577 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 7.201 tỉ đồng. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư thành 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m.

Tổ chức thực hiện và quản lý dự án thành phần đoạn Phan Thiết - Dầu Giây là Ban Quản lý dự án Thăng Long. Nhà thầu trúng gói thầu XL-03 với giá trúng thầu hơn 2.299 tỉ đồng được khởi công ngày 30-9 là liên Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) - Công ty TNHH thương mại và xây dựng Trung Chính.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tạo Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tạo 'cú hích' thu hút đầu tư

TTO - Đó là khẳng định của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình tại lễ khởi công dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vào sáng 30-9.

TUẤN PHÙNG - ĐỨC TRONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên