07/05/2023 15:20 GMT+7

Dự báo một mùa hè thời tiết nắng nóng khốc liệt, diễn biến bất thường

Các chuyên gia đánh giá thời tiết năm nay diễn biến khó lường, có thời điểm nắng mưa, nóng lạnh chuyển biến bất thường. Các hình thái cực đoan, nguy hiểm xuất hiện khiến người dân không kịp trở tay.

Dự báo một mùa hè thời tiết nắng nóng khốc liệt, diễn biến bất thường - Ảnh 1.

Người dân tìm đủ cách tránh nóng khi đi đường - Ảnh: T.T.D.

Dự báo một mùa hè thời tiết khốc liệt

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 7-5, GS.TS Phan Văn Tân - nguyên chủ nhiệm bộ môn khí tượng, khoa khí tượng thủy văn và hải dương học, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) - cho biết qua theo dõi, thời tiết năm nay là El Nino.

"El Nino sẽ xuất hiện vào khoảng tháng 6-7, ít nhất kéo dài đến hết năm nay. Do đó, một số hiện tượng, hình thái thời tiết sẽ tác động tới Việt Nam. Đầu tiên là nền nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm. Thứ hai, mưa sẽ hụt so với trung bình nhiều năm.

Theo kết quả chúng tôi nghiên cứu, thông thường những năm El Nino, bão sẽ hoạt động dịch ra phía đông nhiều hơn nên lượng bão trên Biển Đông sẽ giảm đi. Do đó, bão ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam ít hơn nên mưa giảm, đặc biệt ở miền Trung", GS Tân chia sẻ.

Theo ông Tân, tháng 4 vừa có đợt nắng nóng hơi đột biến. Điển hình hôm qua (6-5) có đợt nắng nóng với nhiệt độ kỷ lục 44,1 độ C. Mức nhiệt này vượt ngưỡng lịch sử đo được năm 2019 là 43,4 độ C. 

Điều này không có nghĩa năm nay là năm thời tiết nóng nhất nhưng các hiện tượng cực đoan có thể tăng như các đợt nắng nóng gia tăng. Các đợt nắng nóng gay gắt nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Còn nền nhiệt có tăng hơn nữa thì chưa thể dự báo trước được.

"Kỷ lục nhiệt độ đo được không phải lúc nào cũng xảy ra trong thời kỳ El Nino hay La Nina mà có thể là hình thái thời tiết bất chợt. Hôm qua là ngày rất nóng nhưng đây chỉ là bất chợt. Giống như một cái xung nhảy vọt lên rồi tụt xuống. 

Còn trong mùa hè năm nay liệu có còn cái xung nào nữa không thì chưa thể nói trước được. Nhìn chung nền nhiệt trung bình sẽ cao hơn. Còn đạt đỉnh ở chỗ nào, đạt đỉnh bao nhiêu thì phụ thuộc nhiều yếu tố", ông Tân đánh giá.

Theo ông Tân, ngoài nguyên nhân do biến đổi khí hậu khiến nắng nóng gia tăng thì "chắc chắn có" tác động của con người. Bên cạnh đó là yếu tố phát triển kinh tế - xã hội.

Dẫn chứng ở Hà Nội, ông Tân cho biết hiện nay nhà cao tầng mọc lên nhiều hơn. Đồng thời, đô thị mở rộng ra nên khi có nắng nóng thì mặt đệm (bề mặt) thay vì cây xanh, hồ nước thì là bê tông hóa, nhà cao tầng. 

Điều này dẫn tới hiệu ứng đảo nhiệt thành phố gia tăng. Do đó nhiệt ở khu vực đô thị sẽ cao hơn nhiều so với khu vực nông thôn. 

Ông Tân cũng cho biết thêm, ông phát hiện nhiệt độ tháng 5 tăng ít nhất so với các tháng trong năm. Thậm chí phía Bắc thì thấy nhiệt độ tháng 5 có dấu hiệu hơi giảm. Ông đưa ra hai giả thuyết. Thứ nhất, liệu hệ thống gió mùa đông bắc bị trễ lại, kết thúc muộn hơn. Thứ hai là mưa mùa hè đến sớm hơn.

"Tuy nhiên, tôi thấy rằng giả thuyết thứ nhất có vẻ đúng hơn. Và rõ ràng trước đây tháng 4 là tháng chuyển mùa và thỉnh thoảng có rét Nàng Bân. Nhưng bây giờ rét Nàng Bân có thể xuất hiện trong tháng 5. Điều đó có nghĩa gió mùa đông bắc kết thúc trễ hơn", ông Tân nói.

Theo ông Tân, mùa hè gió mùa đông bắc vẫn xâm nhập xuống do gió mùa tây nam chưa lấn át hoàn toàn. Trong tháng 5 vẫn có hiện tượng nắng nóng xen lẫn những đợt mát mẻ. Kèm theo đó là hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, lốc, mưa lớn. Còn đến tháng 6-7 thì hầu như xác suất bằng không vì gió mùa đông bắc không có cơ hội tràn xuống nước ta.

Trước một mùa hè dự báo "khốc liệt", ông Tân lưu ý vùng đô thị sẽ chịu thêm tác động của hiện tượng đảo nhiệt. Do đó, người dân sống ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM trong giờ cao điểm buổi trưa nên hạn chế ra đường.

"Lưu ý, năm nay năm El Nino nhìn chung hụt mưa. Nhưng không loại trừ hiện tượng mưa lớn cực đoan. Tuy nhiên không nên nghĩ rằng El Nino ít mưa nên không có lũ lụt. Việc xảy ra mưa lớn cực đoan trong thời gian ngắn vẫn có thể xảy ra ngập lụt hay sạt lở đất ở vùng núi", ông Tân cảnh báo thêm.

Thời tiết năm nay rất bất thường

"Tôi làm khí tượng đã lâu năm, hầu như năm nào cũng có thời gian như thế này nhưng năm nay rất bất thường", bà Lê Thị Xuân Lan - nguyên phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - nói.

Bà Lan cho biết thêm giai đoạn này xảy ra sự giao tranh của các khối khí. Từ đó thời tiết có nhiều hình thái cực đoan, nguy hiểm.

Bà Lan ví dụ ở phía Bắc đã vào tháng 5 nhưng vẫn còn không khí lạnh. Tuy nhiên cường độ yếu không đủ gây rét, lạnh. Không khí lạnh này đẩy rãnh thấp gió mùa ở miền nam Trung Quốc xuống Bắc Bộ. Do đó vùng núi có các đợt mưa dông, thời tiết xấu.

Dự báo một mùa hè thời tiết nắng nóng khốc liệt, diễn biến bất thường - Ảnh 3.

Không chỉ mang theo nước giải nhiệt, nhiều khách nước ngoài còn dùng thêm cả quạt để giảm nóng - Ảnh: C.TUỆ

Trong thời gian tới nắng nóng giảm nhưng chỉ giảm tạm thời. Thời tiết có mưa giải nhiệt sau đó nắng nóng quay trở lại. Không khí lạnh và áp thấp phía Tây tranh chấp nhưng áp thấp nóng chiếm ưu thế hơn nên gây ra các đợt nắng nóng gay gắt.

Còn tại Nam Bộ, trên vịnh Bengal có một xoáy thấp nối với áp thấp trên Biển Đông hình thành dải hội tụ nhiệt đới. Yếu tố này tạo điều kiện cho gió mùa tây nam hoạt động. Khi gió tây nam ổn định thì mùa mưa đến, hiện tại thì gió vẫn còn đổi hướng liên tục. Chính sự thay đổi này dẫn đến nhiễu động trong không khí gây ra mưa dông bất chợt.

"Hai ngày cuối tuần này tại Bình Phước, Đồng Nai có thể đạt nhiệt độ 38-39 độ C, TP.HCM cũng 37 độ C. Miền Tây cũng 36 độ C hoặc hơn. Từ tuần sau gió tây nam sẽ mạnh hơn, mưa nhiều hơn. Giữa tuần tới sẽ có nơi mưa to. Mưa trong giai đoạn này là mưa đầu mùa. Do đó luôn kèm theo mưa đá, lốc sét, vòi rồng gây sập nhà, cây đổ, tốc mái", bà Lan cảnh báo.

Bà Lan nói thêm miền Trung mấy ngày tới có mưa do nhiễu động nhưng sau đó nắng trở lại.

Phân tích về tình trạng nắng nóng, nguyên phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ nhận định mức nhiệt 39,4 độ C tại Biên Hòa ngày 6-5 là cao nhưng không phải giá trị lịch sử. Trước đây đã có những đợt nóng hơn. Tại Nam Bộ thì TP.HCM không phải nóng nhất mà Xuân Lộc (Đồng Nai), Đồng Phú, Phước Long (Bình Phước) mới "đứng top".

Miền Trung năm nay nắng nóng sẽ phá vỡ kỷ lục. Nguyên nhân do biến đổi khí hậu cộng hưởng với áp thấp nóng hoạt động mạnh. Điều này dễ nhận thấy khi mới tháng 4, 5 nắng nóng đã mạnh và xảy ra diện rộng.

"Thời tiết nắng nóng oi bức do biến đổi khí hậu là một phần. Nhìn nhận lại thì con người cũng là yếu tố khiến thời tiết nóng hơn. Tôi ví dụ ở đô thị có hàng triệu máy lạnh. Thiết bị này giúp làm mát trong nhà nhưng hơi nóng tỏa ra bầu khí quyển khiến nhiệt độ tăng lên đáng kể. Đó là lý do tại sao ban đêm người dân vẫn thấy thời tiết nóng bức", bà Lan lý giải.

Dự báo thời tiết từ ngày 7 đến 13-5Dự báo thời tiết từ ngày 7 đến 13-5

Trong tuần này, nắng nóng tạm thời giảm nhiệt, mưa xuất hiện nhiều hơn tại các khu vực trên cả nước, thời tiết có phần bớt oi bức.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên