15/05/2024 09:51 GMT+7

Du học sinh Trung Quốc làm thêm kiệt sức vì gia đình thôi chu cấp

Kể từ năm ngoái, đã có hàng triệu bài đăng với hashtag “cắt nguồn tài trợ cho du học” trên nền tảng Xiaohongshu, được coi là Instagram của Trung Quốc.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều du học sinh Trung Quốc gặp khó khăn về tài chính, nhiều người đã lên mạng chia sẻ và tìm kiếm lời khuyên về cách vượt qua - Ảnh minh họa: REUTERS

Trong bối cảnh ngày càng nhiều du học sinh Trung Quốc gặp khó khăn về tài chính, nhiều người đã lên mạng chia sẻ và tìm kiếm lời khuyên về cách vượt qua - Ảnh minh họa: REUTERS

Ngày 14-5, kênh CNBC (Mỹ) chia sẻ câu chuyện ngày càng nhiều du học sinh Trung Quốc gặp khó khăn tài chính.

Sang Mỹ du học vào năm 2019, Xiao Zhang chưa bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó cô sẽ phải tìm những công việc lặt vặt để trang trải học phí đại học.

Cô sinh viên Trung Quốc 24 tuổi này đang theo học ngành thiết kế tại một trường đại học ở bang Alabama. Đến nay cha mẹ của Xiao Zhang đã chi 1,5 triệu nhân dân tệ Trung Quốc (khoảng 211.500 USD) để lo cho việc học và sinh hoạt của cô ở nước ngoài.

Nhưng tháng 10-2023, cha mẹ nói với Xiao Zhang rằng họ đang gặp vấn đề tài chính và không chu cấp cho cô nữa.

Vào thời điểm đó, Xiao Zhang chỉ có đủ tiền trả 3 tháng tiền thuê nhà. Nữ du học sinh Trung Quốc nói cô vẫn cần phải trả học phí cho một học kỳ nữa.

Xiao Zhang không phải là trường hợp duy nhất rơi vào hoàn cảnh như vậy. Nhiều trường hợp sinh viên và phụ huynh cho biết kế hoạch du học của họ và con cái họ đã bị ảnh hưởng sau đại dịch COVID-19.

Kể từ năm ngoái, có hơn 4,6 triệu lượt xem hashtag "cắt nguồn tài trợ cho du học" trên nền tảng mạng xã hội Xiaohongshu (Tiểu Hồng Thư, thường được coi như Instagram của Trung Quốc). Trong bối cảnh ngày càng nhiều du học sinh Trung Quốc gặp khó khăn do gia đình gặp vấn đề tài chính, nhiều người đã lên mạng để chia sẻ tình trạng của mình và tìm lời khuyên về cách vượt qua.

Xiao Zhang chia sẻ với kênh CNBC: "Tôi không có thời gian để buồn vì tôi cần kiếm tiền để trả học phí và tiền thuê nhà càng sớm càng tốt".

Cha của Xiao Zhang đã đầu tư vào ngành dược phẩm trong thời kỳ đại dịch COVID-19, nhưng sau đó gánh chịu khoản lỗ lớn. Ông nhận thấy tài sản và các khoản đầu tư của mình ngày càng suy giảm, cho nên cuối cùng nói với con gái rằng ông không thể hỗ trợ việc học của con ở Mỹ nữa, đồng thời đề nghị cô mua vé máy bay về nước.

Xiao Zhang bắt đầu tìm kiếm các công việc bán thời gian như trông trẻ hoặc làm việc trong khuôn viên trường, nhưng điều đó không hề dễ. Sau đó, cô tìm được một công việc tạm thời ở bang khác.

Nữ du học sinh chia sẻ: "Từ tháng 11 năm ngoái đến tháng 1 năm nay, tôi phải làm việc từ 7h sáng mỗi ngày. Tôi kiệt sức và không có thời gian để học trong giai đoạn đó. Nhưng ít nhất tôi cũng kiếm đủ tiền để trang trải học kỳ tiếp theo".

Theo dữ liệu mới nhất do Bộ Giáo dục Trung Quốc công bố, số lượng công dân Trung Quốc đi du học đạt 703.500 người vào năm 2019, tăng 6,25% so với cùng kỳ năm trước đó. Để so sánh, năm 2003 con số này chỉ là 117.300. Bộ này đã ngừng công bố dữ liệu sau năm 2019.

Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết vào năm 2018, khoảng 90% du học sinh Trung Quốc thuộc diện tự túc, chứ không phải bằng học bổng hay tài trợ của chính phủ.

Cựu sinh viên du học Trung Quốc bị kết tội làm gián điệp ở MỹCựu sinh viên du học Trung Quốc bị kết tội làm gián điệp ở Mỹ

TTO - Ngày 26-9, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết một cựu du học sinh Trung Quốc, học ngành kỹ thuật điện tử ở Mỹ bị kết tội làm gián điệp ở nước này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên