07/01/2018 13:47 GMT+7

Dư luận Mỹ vẫn nóng vụ cảnh sát bắn chết người vì tin giả

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Trong vòng vài ngày qua, dư luận nước Mỹ vẫn đang nóng về việc một cảnh sát bắn chết người chỉ vì nghe theo tin giả. Mới nhất gia đình nạn nhân đã nhờ luật sự chuẩn bị hồ sơ khởi kiện.

Dư luận Mỹ vẫn nóng vụ cảnh sát bắn chết người vì tin giả - Ảnh 1.

Tyler Barriss (trái) trong phiên tòa ngày 7-1 - Ảnh: AP

Ngày 28-12-2017, Andrew Finch - 28 tuổi - nghe thấy tiếng động và mở cửa. Trước mặt anh là một đội cảnh sát có vũ trang. Dù chưa hề phạm tội và lúc đó không có vũ trang trong tay nhưng Finch vẫn bị cảnh sát ở Wichita, bang Kansas bắn chết.

Gia đình của Finch đã kêu gọi buộc tội hình sự đối với viên cảnh sát đã bắn chết anh, luật sư của gia đình nói với tờ Huffington Post.

Theo lời bà Lisa Finch, mẹ của nạn nhân, cảnh sát không hề gõ cửa và khi đó nghĩ rằng Andrew Finch có trang bị vũ khí và đang khống chế cả ngôi nhà.

Luật sư nhân quyền tại Chicago, ông Andrew M. Stroth, người đang đại diện cho gia đình nạn nhân, khẳng định Sở cảnh sát Wichita và thành phố Wichita đã "dễ mắc lừa" dẫn tới cái chết thương tâm và… lãng xẹt này.

Trả lời tại cuộc họp báo, phó cảnh sát Wichita Troy Livingston nói rằng cảnh sát yêu cầu Andrew giơ tay lên cao nhưng nạn nhân lại giữ tay ở phần eo. Sau đó viên cảnh sát bắn Andrew vì "Andrew di chuyển tay lên trên theo yêu cầu nhưng làm nhanh hơn dự kiến".

Vụ việc đang gây phẫn nộ trong cộng đồng Mỹ, liên quan trực tiếp tới một trò đùa tai hại mang tên "SWATing" trên Twitter.

Thông tin giả mạo từ cuộc gọi ấy nói chi tiết rằng Andrew là kẻ đã cãi nhau với mẹ, giết cha bằng một phát súng vào đầu và hiện đang khống chế mẹ cùng hai người họ hàng khác. Như để tăng thêm tính cấp thiết, Andrew cũng bị nói là chuẩn bị phóng hỏa đốt nhà.

Nhưng thực tế Andrew hoàn toàn vô tội. Anh là nạn nhân của trò đùa "SWATing" đang nổi rần rần trên Twitter. SWATing là mô phỏng trò chơi bắn súng trực tuyến Call of Duty - tựa game cũng nổi tiếng ở Việt Nam. Mục tiêu của trò chơi là cố gắng gọi được một lượng cảnh sát lớn đến một địa chỉ, bằng cách liên lạc thông báo khẩn về một câu chuyện bịa đặt.

Trong trường hợp này, người gọi điện tới cảnh sát thành phố Wichita đã nói dối rằng Andrew là tội phạm và cần sự giúp đỡ, vô tình đem tới cái chết cho nạn nhân. Đáng nói hơn, Andrew thậm chí chưa hề chơi game Call of Duty ấy.

Một ngày sau cái chết của Andrew Finch, cảnh sát đã bắt người đàn ông 25 tuổi sống tại Los Angeles. Người này được xác định là Tyler Barriss, chủ nhân của cuộc điện thoại dựng chuyện chết người nêu trên. 

Thông tin từ luật sư đăng tải trên Guardian ngày 7-1 cho biết Barriss từng gọi tổng cộng 20 cú điện thoại "lừa đảo", trong đó có các cuộc gọi báo động có bom giả.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên