24/05/2014 10:11 GMT+7

Dư thừa nhà ở cao cấp, thiếu nhà ở cho người nghèo

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TTO - Đó là một trong những đánh giá tại tờ trình của Chính phủ về dự án Luật nhà ở (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trình bày trước phiên họp sáng 24-5 của Quốc hội.

Phóng to
Còn nhiều người nghèo vẫn không với tới nhà ở cho người có thu nhập thấp. Trong ảnh: ông Nguyễn Văn Thới, diện giải tỏa ở chung cư Nguyễn Kim (P.7, Q.10), được bố trí tái định cư tại chung cư Bàu Cát 2, P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: N.C.T.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết sau gần 8 năm thực hiện Luật nhà ở, bên cạnh những kết quả đạt được đã xuất hiện nhiều tồn tại, vướng mắc, nên “Chính phủ thấy cần thiết phải nghiên cứu để trình Quốc hội sửa đổi Luật nhà ở hiện hành”. Ông Dũng nêu cụ thể 10 nội dung tồn tại, bất cập, cũng là những lý do của việc sửa đổi luật này.

Ông Dũng cho biết Luật nhà ở hiện hành chưa quy định yêu cầu các địa phương phải lập chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là phải xác định rõ quỹ đất khi phê duyệt quy hoạch xây dựng và có kế hoạch huy động các nguồn lực cho phát triển đối với từng loại nhà ở.

Đây là lý do dẫn đến tình trạng phát triển nhà ở tràn lan, theo phong trào, không theo quy hoạch, không có kế hoạch, làm mất cân đối cung - cầu về nhà ở, thiếu nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp, hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở nhưng lại dư thừa nhà ở cao cấp.

Nhiều dự án nhà ở được thực hiện nhưng không thu hút được người mua do không có đủ nguồn vốn để hoàn thành việc xây dựng dự án, không có đủ hạ tầng thiết yếu để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và chưa đáp ứng được nhu cầu và khả năng thanh toán của người dân.

Luật nhà ở 2005 mới chủ yếu quy định về phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường mà chưa quy định rõ các cơ chế, chính sách, cũng như trách nhiệm của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc phát triển nhà ở xã hội. Thực tế này dẫn đến bất cập trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp chỉ chú trọng đến phát triển nhà ở thương mại, trong khi đó tại nhiều địa phương thì chính quyền lại chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển nhà ở xã hội, dẫn đến nhiều đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, người thu nhập thấp không tiếp cận được nhà ở theo cơ chế thị trường.

Trong khi đó, quy định về việc mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài vẫn còn nhiều hạn chế nên chưa khuyến khích được bà con kiều bào cũng như tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, làm hạn chế việc thu hút đầu tư nước ngoài và hội nhập kinh tế quốc tế…

Theo nội dung của dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) được Chính phủ đề xuất là bảo đảm phát triển nhà ở phải đúng quy hoạch và kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nhằm khắc phục tình trạng đầu tư phát triển nhà ở tự phát, phong trào, cơ cấu hàng hóa nhà ở mất cân đối, lệch pha cung - cầu như trong những năm vừa qua.

Đọc báo cáo thẩm tra dự án luật nói trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý nhấn mạnh về cơ bản, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết phải sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật nhà ở và các quan điểm xây dựng luật được nêu trong tờ trình của Chính phủ.

Theo đó, việc sửa luật nhằm khắc phục những tồn tại, vướng mắc, không phù hợp với thực tiễn của luật hiện hành; đồng thời để thể chế hóa các quan điểm của Đảng trong lĩnh vực nhà ở, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về quyền có nơi ở, quyền sở hữu nhà ở của công dân, nhằm tạo môi trường thuận lợi để người dân, doanh nghiệp và Nhà nước phát triển nhà ở theo hướng lành mạnh, bền vững.

Phải giảm bớt nội dung phải chờ quy định dưới luật

Cũng tại báo cáo thẩm tra dự án Luật nhà ở (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật Quốc hội ghi nhận tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật đã được rà soát giảm bớt một số nội dung giao quy định chi tiết thi hành. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều khoản giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết một số nội dung cụ thể của luật.

Ủy ban Pháp luật đề nghị cần tiếp tục rà soát các quy định trong các văn bản dưới luật về nhà ở đã được áp dụng ổn định và phù hợp với thực tiễn để bổ sung quy định ngay trong luật, chỉ những nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, những vấn đề thực sự chưa có tính ổn định cao thì mới để lại giao cơ quan hữu quan quy định chi tiết.

QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên