20/06/2019 12:06 GMT+7

Đức giữ giá thuê nhà để cứu dân nghèo

HỒNG PHAN (từ Đức)
HỒNG PHAN (từ Đức)

TTO - Sau những phản ảnh của người dân, chính quyền thủ đô Berlin (Đức) đã phải lắng nghe, ngăn nạn tăng giá thuê nhà vô tội vạ.

Đức giữ giá thuê nhà để cứu dân nghèo - Ảnh 1.

Xuống đường biểu tình tại các đô thị ở Đ ức để chống lại nạn tăng giá thuê nhà - Ảnh: AFP

Chính quyền thủ đô Berlin vừa thông qua luật có tên gọi "Mietendeckel" (Mức trần giá thuê nhà) để kiểm soát giá thuê nhà trong 5 năm.

Đây được xem là quyết định đầu tiên kiểu này tại Đức nhằm chặn đứng tình trạng giá thuê nhà cao gấp đôi trong vòng 10 năm qua, khiến chi phí sinh hoạt bị đẩy cao quá mức.

Đó là phong trào phản kháng xã hội chưa từng có ở Đức. Điều đó cho thấy người dân rất giận dữ.

Nhà kinh tế học NICOLAS TARNAUD nói về các cuộc biểu tình chống tình trạng giá thuê nhà quá cao

Dân đông thành đắt đỏ

Berlin - thành phố từng có nhiều chính sách thuê đất rẻ kéo doanh nghiệp và nhân công đổ về. Tính ra mỗi năm, Berlin đón nhận khoảng 50.000 cư dân mới. Giá nhà vì thế tăng mãi.

Dù hiện nay giá thuê nhà ở Berlin vẫn còn thấp hơn so với Paris hay London nhưng vẫn khiến người dân Đức nổi nóng: tăng gấp đôi trong vòng chỉ 10 năm, ở mức trung bình 10 euro/m2.

Đô thị với 4 triệu dân này dù đất đai khá rộng rãi nhưng bỗng chốc trở nên chật chội và đắt đỏ. Những người dân sinh sống lâu nay thậm chí buộc phải cuốn gói ra đi vì không trả nổi giá thuê nhà mới.

Hội đồng thành phố Berlin đã đồng ý phê chuẩn kế hoạch giữ mức giá thuê ổn định trong 5 năm, bắt đầu từ đầu năm 2020.

Dù chỉ mới là quyết định mang tính ý chí, đến khoảng tháng 10 mới có luật và đưa ra bỏ phiếu trễ nhất là đầu năm 2020 nhưng các chính trị gia cũng tính toán: luật sẽ mang tính hồi tố nhằm ngăn khả năng các chủ nhà tăng giá trong giai đoạn chờ ra luật.

Một khi được thông qua, luật về cố định giá thuê nhà sẽ có ảnh hưởng đến 1,6 triệu căn nhà, căn hộ cũ thuộc khối tư nhân. Luật cũng tính đến cả trường hợp chủ đầu tư phải sửa chữa, tân trang nhà cũng chỉ cho phép tăng mức tiền thuê thêm chút đỉnh, cỡ nửa euro mỗi mét vuông.

Những người đang thuê nhà nếu cảm thấy giá đang trả cao quá cũng có quyền đòi so sánh, đối chiếu và có quyền phản ảnh đến cơ quan chức năng. Như thế giá thuê của họ có thể được hạ xuống theo đúng mức quy định của chính quyền.

Phạt mà răn đe

Với những người lần đầu thuê nhà, luật sẽ bảo vệ họ theo quy định: chủ cho thuê phải lấy theo mức giá cho thuê gần nhất nếu căn hộ/căn nhà không được sửa chữa. Các chủ cho thuê nhà nếu bị phát hiện vi phạm luật, chèn ép người đi thuê nhà thì có thể bị phạt tiền đến 500.000 euro.

Thực sự là thời gian qua, người dân sống ở Berlin phải dùng đến cụm từ "giá thuê nhà điên loạn". Họ bị mất đến 1/4 thu nhập hằng tháng để trả tiền thuê nhà.

Khốn nỗi người Đức lại ít chịu sở hữu nhà. Chỉ 18,4% dân Đức sở hữu nhà riêng, một trong những tỉ lệ thấp nhất ở châu Âu. Chính vì thế người dân ngụ cư tại đây ngày càng thấy rằng họ đang bị các chủ nhà thuê bóc lột trắng trợn.

Hôm 14-6 họ đã gửi bản kiến nghị với 77.000 chữ ký lên tòa thị chính yêu cầu "quốc hữu hóa" (chính quyền bỏ tiền ra mua lại) những tập đoàn bất động sản đang sở hữu hơn 3.000 căn hộ/nhà cho thuê. Nếu họ đạt đến 180.000 chữ ký (tức 7% dân số đủ độ tuổi đi bầu ở Berlin), họ có quyền đòi tiến hành trưng cầu ý dân về chủ đề này.

Tất nhiên đây là một cuộc chiến không hề dễ dàng bởi các chủ sở hữu cho rằng nó giẫm chân lên quyền sở hữu bất động sản.

Thực sự các đô thị lớn khác của Đức như Munich, Hamburg hay Frankfurt cũng gặp tình trạng tương tự. Quyết định mới của chính quyền Berlin cũng là mang tính tiên phong để sau thử nghiệm sẽ áp dụng cho toàn quốc.

Ít nhất cũng có gì đó cụ thể được thực thi để bảo vệ quyền lợi của số đông dân chúng.

Tranh cãi về tour du lịch xem dân nghèo sống ra sao Tranh cãi về tour du lịch xem dân nghèo sống ra sao

TTO - Bất chấp quy định cấm chụp ảnh hay bày tỏ thái độ khen chê, ngày càng nhiều du khách đăng ký tour du lịch khu ổ chuột ở Philippines để có cái nhìn thực tế về bất công xã hội và hiểu thêm thế giới người nghèo.


HỒNG PHAN (từ Đức)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên