13/10/2023 11:12 GMT+7

Đức Long Gia Lai bị mở thủ tục phá sản, nhà đầu tư ồ ạt bán cổ phiếu

Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có quyết định mở thủ tục phá sản với Tập đoàn Đức Long Gia Lai. Dù kết quả kinh doanh hồi phục nhưng doanh nghiệp này cũng bị hãng kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.

Tập đoàn Đức Long Gia Lai là một trong "bộ ba" doanh nghiệp nổi bật tại phố núi, bên cạnh Quốc Cường Gia Lai và Hoàng Anh Gia Lai - Ảnh: BÔNG MAI

Tập đoàn Đức Long Gia Lai là một trong "bộ ba" doanh nghiệp nổi bật tại phố núi, bên cạnh Quốc Cường Gia Lai và Hoàng Anh Gia Lai - Ảnh: BÔNG MAI

Đức Long Gia Lai bị mở thủ tục phá sản

Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã chứng khoán DLG) vừa bị Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đưa quyết định mở thủ tục phá sản.

Theo đó, trong vòng 30 ngày, kể từ ngày 9-10-2023, chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho quản tài viên hoặc cho thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản. 

Hết thời gian trên, tòa căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ phá sản để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Trước đó, tòa đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Đức Long Gia Lai vào cuối tháng 7 vừa qua, theo đơn yêu cầu của Công ty cổ phần Lilama 45.3 (Quảng Ngãi).

Ông Nguyễn Tường Cọt - tổng giám đốc Đức Long Gia Lai - cho biết doanh nghiệp gặp phải khó khăn tài chính tạm thời do bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 từ năm 2020-2023, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng do xung đột Nga - Ukraine kéo dài.

Song song đó, ở thị trường trong nước, lãi suất cao nên việc tiếp cận vốn rất khó, khiến nhiều doanh nghiệp và cả Đức Long Gia Lai "phải đối mặt với muôn vàn khó khăn".

Dù vậy, doanh nghiệp vẫn đang khắc phục một cách hiệu quả, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, nộp ngân sách đầy đủ và có trách nhiệm với cổ đông, nhà đầu tư, khách hàng.

"Công ty không bị mất khả năng thanh toán và có tổng tài sản gần 6.000 tỉ đồng, nguồn tài chính đủ khả năng trả nợ cho các đối tác, khách hàng, ngân hàng từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như công nợ phải thu từ các đối tác.

Trong khi đó, khoản nợ của Công ty cổ phần Lilama 45.3 là rất nhỏ, chỉ chiếm chưa đến 0,3% tổng tài sản của công ty. 

Khoản nợ này hoàn toàn nằm trong khả năng thanh toán của công ty, do đó công ty không thuộc đối tượng phải áp dụng Luật Phá sản", lãnh đạo Đức Long Gia Lai giải thích với Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM vào hơn một tháng trước.

Đồng thời, phía Đức Long cũng cho biết đã thiện chí làm việc với Lilama 45.3, đề ra lộ trình trả nợ và sẵn sàng trả sau khi hai bên thống nhất lộ trình thanh toán, nhưng phía công ty đối tác chưa đồng ý.

Trên thị trường chứng khoán, ngay khi mở phiên giao dịch hôm nay 13-10, mã DLG bị nhà đầu tư ồ ạt bán tháo, lập tức bị rớt xuống giá sàn 2.420 đồng/cổ phiếu, biến động giảm hơn 11% trong một tháng nay.

Bị nghi ngờ khả năng hoạt động

Tập đoàn Đức Long Gia Lai hoạt động trong mảng sản xuất, chế biến gỗ - đá granite, kinh doanh bến xe và bãi đỗ, dịch vụ khách sạn, khai thác và chế biến khoáng sản...

Doanh nghiệp cho biết giai đoạn 2020-2025 tập trung bốn lĩnh vực trọng tâm: bất động sản, cơ sở hạ tầng, năng lượng, sản xuất linh kiện - thiết bị điện tử.

Về sức khỏe tài chính, doanh nghiệp đạt doanh thu gần 289 tỉ đồng tại báo cáo quý 2-2023, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi giá vốn và các chi phí, doanh nghiệp đạt lãi ròng gần 24 tỉ đồng, tăng so với con số lỗ hơn 310 tỉ đồng ở cùng kỳ năm trước.

Tính chung nửa đầu năm nay, doanh nghiệp gặt hái được doanh thu 511 tỉ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước.

Trừ đi các chi phí, doanh nghiệp còn lãi ròng gần 28 tỉ đồng, chuyển biến tích cực hơn so với khoản lỗ 370 tỉ đồng vào cùng kỳ năm ngoái.

Tại thời điểm cuối quý 2 vừa qua, doanh nghiệp còn dính khoản lỗ lũy kế hơn 2.040 tỉ đồng. Tổng nợ phải trả nằm mức gần 4.570 tỉ đồng, chủ yếu là nợ vay tài chính.

Ở báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023, hãng kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Đức Long Gia Lai, do chưa thể xác định được giá trị các tài sản đảm bảo, tài sản được bảo lãnh có phù hợp với kế hoạch trả nợ của tập đoàn hay không.

Muốn nâng hạng thị trường chứng khoán, doanh nghiệp niêm yết cần công bố thông tin bằng tiếng AnhMuốn nâng hạng thị trường chứng khoán, doanh nghiệp niêm yết cần công bố thông tin bằng tiếng Anh

Trên thị trường chứng khoán, nhiều doanh nghiệp niêm yết lớn đã chủ động công bố thông tin bằng tiếng Anh. Trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ công bố thông tin bằng tiếng Việt còn có lỗi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên