Dumbphone: "dốt" mà tốt

HOA KIM 09/05/2024 05:11 GMT+7

TTCT - Chìa khóa để dành ít thời gian trên điện thoại có thể là một chiếc điện thoại bớt thông minh hơn.

Dumbphone: "dốt" mà tốt- Ảnh 1.

Là nhân viên làm việc từ xa toàn thời gian, Carlos Aparicio (24 tuổi) là hình mẫu về cân bằng công việc - cuộc sống khi vừa đạt năng suất làm việc đáng nể vừa luôn hiện diện trong các mối quan hệ với bạn bè và gia đình, nhưng vẫn có nhiều thời gian thư giãn ngoài trời. 

Ấy vậy mà cách đây không lâu, Aparicio còn là người không thể cưỡng lại việc rút điện thoại ra và bắt đầu lướt, mọi lúc mọi nơi, kể cả lúc dắt chó đi dạo.

Tất cả chuyển biến tích cực đến từ khi anh bắt đầu áp dụng chủ nghĩa tối giản kỹ thuật số (digital minimalism), thay thế những thiết bị thông minh bằng các lựa chọn "dốt" hơn, với tính năng cơ bản và không có khả năng gây mất tập trung, theo báo Wall Street Journal.

Sự trở lại của dumbphone

Những người như Aparicio là đối tượng khách hàng chính của Dumbwireless, nơi chuyên bán các sản phẩm điện tử và phụ kiện dành cho những ai muốn thải độc công nghệ và giảm thời gian nhìn màn hình điện thoại. Dumbwireless do cặp đôi Will Stults (29 tuổi) và Daisy Krigbaum (25 tuổi) - hai người trẻ cũng từng chật vật để vượt qua chứng nghiện điện thoại của mình - thành lập cuối năm 2022.

Nói với tạp chí The New Yorker, Stults thừa nhận từng dành quá nhiều thời gian trên iPhone để lướt mạng xã hội X (trước đây là Twitter) và viết những dòng trạng thái đầy giận dữ về người khác. Còn với Krigbaum, Pinterest và YouTube là hai thứ gây nghiện mà cô dành hàng giờ để lướt đều đặn mỗi tối trước khi đi ngủ.

Cách đây hai năm, cả hai thử dùng tính năng giới hạn thời gian sử dụng ứng dụng của Apple để "cai nghiện" nhưng không hiệu quả vì nó quá dễ để vô hiệu hóa mỗi khi ham muốn lướt điện thoại ập đến. 

Đó là lúc họ quyết định tìm hiểu các thiết bị công nghệ thấp, đặc biệt là những chiếc điện thoại 3 không - không màn hình độ phân giải cao, không cửa hàng ứng dụng, và không camera - được gọi chung là điện thoại "ngu" (dumbphone) để lánh xa những cám dỗ của cõi mạng.

"Thông tin về chúng khá mơ hồ và khó tiếp cận. Những người biết rõ nhất về dumbphone lại là những người dành ít thời gian trực tuyến nhất (để có thể chia sẻ về chúng)" - Krigbaum giải thích với The New Yorker. 

Chính điều này gợi cho cặp đôi ý tưởng kinh doanh vừa giúp mình lại giúp người: một nơi tập trung để bán tất tần tật mọi thứ mà một người có thể cần trên hành trình thải độc công nghệ.

Một sản phẩm rao bán trên Dumbwireless

Một sản phẩm rao bán trên Dumbwireless

Tình hình kinh doanh phát đạt của Dumbwireless là minh chứng cho sự trở lại của lối sống khước từ các thiết bị thông minh. Stults thường nhận cuộc gọi công việc đầu tiên vào lúc 5h sáng và Dumbwireless ghi nhận doanh số 70.000 USD vào tháng 3-2024, gấp 10 lần so với một năm trước.

Một số mặt hàng bán chạy của họ bao gồm Light Phone - một thiết bị sử dụng mực điện tử tương tự máy đọc sách Kindle nhưng nhỏ gọn hơn và hầu như không có ứng dụng, Nokia 2780 - mẫu điện thoại nắp gập truyền thống, và Punkt. MP02 - một thiết bị đến từ Thụy Sĩ mang phong cách hoài cổ của thập niên 1990 với các phím bấm vật lý.

Nhu cầu tăng cao

Những nhà sản xuất các thiết bị "kém thông minh" dù không nhiều nhưng đang tìm thấy một tệp khách hàng ngách muốn sử dụng công nghệ đơn giản nhưng có thể mang lại năng suất cao hơn và khiến họ hạnh phúc hơn.

Doanh thu Light Phone tăng gấp đôi từ năm 2022 đến năm 2023 và được kỳ vọng tiếp tục nhân đôi trong năm nay, theo hai nhà sáng lập Kaiwei Tang và Joe Hollier. Đặc biệt, Light Phone đang nhận được nhiều sự quan tâm và đơn đặt hàng số lượng lớn từ các cơ sở như nhà thờ, trường học và các trung tâm ngoại khóa.

Từ tháng 9-2022, công ty bắt đầu hợp tác với một cơ sở giáo dục tư nhân ở thị trấn Williamstown, Massachusetts để cung cấp điện thoại Light Phone cho giáo viên và học sinh sử dụng thay thế điện thoại thông minh đã bị cấm. 

Đại diện nhà trường cho biết chương trình thí điểm này đã bước đầu ghi nhận kết quả tốt khi cải thiện cả về năng suất học tập trong lớp của học sinh lẫn đời sống xã hội bên trong khuôn viên trường. "Hiện tại chúng tôi đang trao đổi hợp tác với 20-25 trường nữa" - Tang hứng khởi cho biết.

Lars Silberbauer, giám đốc tiếp thị của nhà sản xuất điện thoại Nokia, nói với tờ El País hiện tượng "kiệt quệ vì kỹ thuật số" (digital exhaustion) của người trẻ đang khiến họ bước lùi lại và nghĩ về những chiếc điện thoại di động đơn giản hơn của ngày trước. "Chúng tôi thấy rằng những chiếc điện thoại cơ bản phù hợp với nhiều nhóm nhân khẩu học và thế hệ khác nhau" - Silberbauer nói thêm.

Dumbphone: "dốt" mà tốt- Ảnh 3.

Từng thất bại trong cuộc đua điện thoại thông minh, Nokia đang kỳ vọng thế mạnh của họ - sản xuất điện thoại không nhiều tính năng nhưng cực kỳ đáng tin cậy - sẽ có đất dụng võ trong xu hướng trở lại của dumbphone.

Tháng 1-2024, Nokia giới thiệu một sản phẩm độc đáo: điện thoại dễ sửa (repairable phone) với lời quảng cáo là một trong những mẫu điện thoại "bền vững nhất trên thị trường". "Bạn có thể tự sửa điện thoại chỉ với một miếng gảy đàn guitar và một chiếc tua vít nhỏ. Bạn có thể thay màn hình, thay cổng sạc, và thay pin chỉ trong vài phút" - trang Euronews dẫn lời Silberbauer.

Trong khi đó, công ty sản xuất điện thoại tối giản Punkt của Thụy Sĩ ghi nhận doanh số tăng 30% trong năm 2022 so với năm trước đó.

Để xóa nghịch lý "hiện đại - hại điện"

Hãy thẳng thắn với nhau: hiện nay gần như không thể tách rời cuộc sống của chúng ta ra khỏi điện thoại thông minh. Không có điện thoại thông minh đồng nghĩa bạn phải dựa vào lòng hảo tâm và sự kiên nhẫn của người khác để sinh tồn, và điều đó khiến việc tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trở nên khó khăn. 

Có nhiều công việc, hoàn cảnh khiến việc chuyển hẳn sang dumbphone là điều không tưởng. Một giải pháp trung dung xuất hiện: để smartphone "bớt thông minh" mỗi khi cần thiết.

T. J. Driver và Zach Nasgowitz, hai kỹ sư công nghệ thông tin mới ngoài 20 tuổi, đã tạo ra phụ kiện Brick dành cho iPhone để giúp mọi người chiến đấu với việc sử dụng điện thoại thông minh quá độ. 

Ra mắt vào tháng 9-2023, Brick là một khối vuông được in 3D, đi kèm với một ứng dụng cho phép người dùng lựa chọn những app thật sự cần thiết nhất, số còn lại sẽ bị khóa.

Sau khi thiết lập, muốn dùng ứng dụng đã chặn nào, người dùng sẽ được cảnh báo "đây là một sự xao nhãng". Nếu quyết dùng, họ phải lấy điện thoại chạm vào khối vuông. Với nguyên lý đó, nếu muốn cai chuyện cứ lấy điện thoại ra chọt chọt dù chẳng biết làm gì, người dùng cứ việc bỏ khối vuông ở nhà mỗi lần muốn đi đâu đó. Lúc đó có nghiện Facebook cũng chịu chết vì chẳng có cách nào "mở khóa" ứng dụng.

Từ chỗ chỉ có máy in 3-D duy nhất để phục vụ sản xuất, Brick giờ đây có đến 15 máy hoạt động hết công suất để phục vụ nhu cầu lên đến vài trăm đơn hàng mỗi ngày, theo The New Yorker.

Dumbphone: "dốt" mà tốt- Ảnh 4.

Một sản phẩm có ý tưởng tương tự là Unpluq Tag của một start-up Hà Lan với thiết kế móc chìa khóa nhỏ gọn mà bạn có thể dùng để khóa và mở khóa các tính năng khác nhau của điện thoại - cho phép biến điện thoại thông minh thành dumbphone và ngược lại chỉ với một cú chạm. 

Chỉ cần để chiếc thẻ này ở nhà trước khi ra ngoài, bạn có thể thoải mái tham gia các hoạt động mà không lo bị phân tâm, cũng như kết nối lại với thế giới trực tuyến ngay khi trở về.

Một xu hướng khác: đảo ngược toàn bộ tiến trình "gom hết mọi tác vụ vào một thiết bị bỏ vừa túi quần", xu hướng mà chiếc iPhone đầu tiên đã khởi xướng từ 2007. 

Giờ thì hãy "thiết bị nào, tác vụ ấy": điện thoại "dốt" dùng để giữ liên lạc truyền thống, chat chit giải trí thì lên smartphone, làm việc chuyên sâu hơn thì laptop, và quan trọng là smartphone không có phần mềm làm việc, laptop không cài ứng dụng chat nào.

Nghe có vẻ nghịch lý: muốn "thải độc" công nghệ mà giờ lại hướng tới dụng nhiều món đồ công nghệ hơn để hoàn thành những việc mà người khác có thể làm chỉ với một chiếc điện thoại và máy tính xách tay? Nhưng những người ủng hộ xu hướng này cho rằng lợi ích đến từ các tiện ích chuyên dụng cho từng tác vụ riêng lẻ khiến nó trở nên xứng đáng.

"Đối với tôi, từ khóa chủ đạo ở đâu là sự chủ đích. Khi tôi sử dụng máy tính, chủ đích của tôi là để học hoặc làm việc. Và cuối cùng, bạn biết đấy, tôi thấy mình bớt căng thẳng hơn và có nhiều thời gian hơn cho gia đình" - Aparicio nói với Wall Street Journal.

Nhưng rốt cuộc thì không có một giải pháp dumbphone nào là hoàn hảo cho tất cả mọi người. Như lời của The New Yorker, "mỗi người nghiện kỹ thuật số đều nghiện theo cách riêng của mình". 

Ông chủ Stults của Dumbwireless thích sử dụng Unpluq để chặn một số ứng dụng trên điện thoại mình mà vẫn duy trì các tính năng cần thiết cho công việc, trong khi Krigbaum lại là tín đồ của điện thoại Light Phone. 

Một số người thích tháo SIM ra khỏi điện thoại thông minh và gắn vào một chiếc dumbphone mỗi khi họ muốn lánh xa công nghệ, rồi lại trả về vị trí cũ khi cần xử lý công việc.

Cây bút Isabel Brooks (24 tuổi) của báo The Guardian cho biết cô từng "cố thủ" với chiếc điện thoại cục gạch Nokia trong suốt thời gian từ năm 2010 đến 2020 dù lạc lõng giữa đám bạn bè đồng trang lứa lần lượt lên đời điện thoại thông minh.

Dù bị chọc là "kẻ buôn ma túy", Brooks "chưa bao giờ muốn có một chiếc điện thoại thông minh". Thế nhưng đến năm 2020, thế giới đã thay đổi khiến cuộc sống không có điện thoại thông minh trở nên gần như không thể. Ví dụ: sinh viên trường đại học của Brooks được yêu cầu tải ứng dụng xác thực hai bước về điện thoại để có thể truy cập email trường.

"Chỉ riêng điều đó đã khiến việc sở hữu điện thoại thông minh trở thành bắt buộc, hoặc ít nhất là một trở ngại lớn hơn bất cứ thứ gì tôi từng gặp phải trong suốt một thập kỷ với chiếc Nokia của mình".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận