21/05/2020 10:17 GMT+7

Dùng 'cây gậy' để chặn nước ngoài thâu tóm đất đai

B.NGỌC - X.LONG thực hiện
B.NGỌC - X.LONG thực hiện

TTO - Báo cáo của Bộ Quốc phòng trả lời cử tri trước kỳ họp thứ 9 đã cảnh báo tình trạng nhà đầu tư Trung Quốc "núp bóng" nhằm thâu tóm hơn 162.000ha đất, trong đó có 6.300ha đất ven biển, biên giới và tại các vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng.

Dùng cây gậy để chặn nước ngoài thâu tóm đất đai - Ảnh 1.

Dự án của Công ty liên doanh du lịch và giải trí quốc tế đặc biệt Silver Shoes Hoàng Đạt - doanh nghiệp được cho là có yếu tố Trung Quốc - Ảnh: HỮU KHÁ

Thực trạng nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào những vùng biên giới, ven biển, hải đảo ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng thời gian qua cho thấy cần sớm có giải pháp để ngăn chặn, tránh những ảnh hưởng không mong muốn sau này.

Ông Nguyễn Văn Toàn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông NGUYỄN VĂN TOÀN - chuyên gia thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) - cho rằng tình trạng này đáng báo động, cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả.

Dùng cây gậy để chặn nước ngoài thâu tóm đất đai - Ảnh 3.

Ông NGUYỄN VĂN TOÀN

* Theo ông, cần làm gì để ngăn chặn tình trạng người nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài núp bóng DN, người dân trong nước để thâu tóm đất đai?

- Tình trạng nhà đầu tư nước ngoài, người nước ngoài núp bóng DN, người dân trong nước để mua đất đã diễn ra trong nhiều năm qua. Họ thông qua DN trong nước hoặc bạn bè thân quen, thỏa thuận, thống nhất cơ chế với nhau để mua quyền sử dụng đất (QSDĐ) tại Việt Nam, trong đó có cả đất ở, đất dự án.

Luật đất đai cấm người nước ngoài mua bán, chuyển nhượng đất nhưng họ đã "lách luật", góp vốn, mua cổ phần DN trong nước, hoặc chuyển tiền cho người Việt đứng ra mua đất.

Luật DN hiện nay không cấm việc mua bán cổ phần, góp vốn vào DN trong nước, xu hướng mua bán, sáp nhập DN, công ty ngày càng phổ biến. Với một số ngành nghề DN được quyền tự quyết việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

Thực tế này đòi hỏi các bộ, ngành phải có giải pháp phù hợp để hạn chế mặt trái của làn sóng mua bán, sáp nhập DN. Chẳng hạn như các thương vụ mua bán DN trong ngành nghề thiết yếu, ảnh hưởng đến tính tự chủ của nền kinh tế hoặc mua bán DN dự án tại các vị trí nhạy cảm về an ninh quốc phòng, tại khu vực biên giới, ven biển.

Có nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng "lách luật" thâu tóm đất đai của DN nước ngoài, trong đó có DN Trung Quốc. Với nhóm ngành nghề ảnh hưởng tới tính tự chủ nền kinh tế cần quy định hạn chế việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, các khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng cần quy định rõ việc không cấp dự án cho nhà đầu tư ngoại, các nhà đầu tư trong nước cũng không được chuyển nhượng cổ phần dự án. 

Đến nay chưa có quy định nên không có giải pháp kiểm soát nhà đầu tư nước ngoài thông qua nhà đầu tư trong nước để mua cổ phần của DN trong nước, qua đó thâu tóm dự án đầu tư, đất đai. Vì vậy cần sớm bổ sung quy định để bịt kẽ hở này.

Hơn nữa, trong mua bán, chuyển nhượng cổ phần, các DN đều báo cáo cơ quan quản lý đầu tư các địa phương nhưng chính sự chậm trễ trong giám sát, phát hiện các dấu hiệu gian dối trong quá trình góp vốn, mua bán cổ phần DN trong nước khiến nhà đầu tư nước ngoài "sở hữu" hàng trăm ngàn hecta đất, trong đó có những vị trí đất đai nhạy cảm về an ninh quốc phòng.

Cơ quan quản lý cấp dự án hoàn toàn có thể giám sát chặt hoạt động mua bán cổ phần, góp vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào các DN trong nước, có thể ngăn chặn tình trạng đầu tư "núp bóng" thông qua việc giám sát các giao dịch chuyển tiền đáng ngờ. Kiểm soát tốt dòng tiền sẽ ngăn chặn được tình trạng nhà đầu tư nước ngoài núp bóng DN, người dân trong nước để thâu tóm đất đai. 

Mọi hoạt động mua bán, góp vốn đều gắn với sự chuyển dịch của dòng tiền, nên hoàn toàn có thể truy xuất được dòng tiền mua bán đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, hay bất cứ một quốc gia nào khác.

Dùng cây gậy để chặn nước ngoài thâu tóm đất đai - Ảnh 5.

Một vệt đất quanh sân bay Nước Mặn (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) được cho là có người Trung Quốc “núp bóng” sở hữu - Ảnh: H.Khá

* Điều gì đã tạo điều kiện cho người Trung Quốc thâu tóm hơn 162.000ha đất tại 22 tỉnh, thành phố trong thời gian qua?

- Việt Nam là một nền kinh tế mở, điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Trung Quốc. Dòng vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành một động lực phát triển của nền kinh tế nhưng nó cũng có mặt trái, những tác động không mong muốn. Vì thế cần làm tốt khâu hậu kiểm, giám sát đầu tư, để biết được nhà đầu tư nước ngoài có thực hiện đúng các cam kết đầu tư sau khi được cấp phép đầu tư.

Trường hợp nhà đầu tư Trung Quốc thuê hàng chục hecta đất, rồi xây tường rào quây lại như một cõi riêng tại Hải Phòng và một số địa phương thời gian qua cho thấy sự thiếu kiểm soát sau cấp phép đầu tư. Chính quyền các địa phương cần thực hiện tốt hơn chức năng này để bảo đảm an ninh, an toàn cho xã hội.

Chúng ta có một "cây gậy" rất quan trọng, đất đai không thuộc quyền sở hữu tư nhân, đất cấp dự án cho nhà đầu tư nước ngoài là đất thuê 50 năm, tối đa là 70 năm, chỉ người Việt mới có QSDĐ lâu dài. Tại sao các quốc gia khác họ giao quyền sở hữu đất đai vĩnh viễn cho người dân và DN, họ vẫn quản lý được, trong khi Việt Nam không thể quản lý? Đây là điều các địa phương cần xem lại. Ranh giới giữa QSDĐ và quyền sở hữu đất hiện không rõ ràng, Nhà nước giao QSDĐ cho người dân và cho DN thuê đất nhưng khi có vấn đề ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng, Nhà nước có quyền mua lại QSDĐ từ người dân, DN.

* Từ con số người Trung Quốc, DN Trung Quốc đang sử dụng khoảng 6.300ha đất biên giới, vùng ven biển và các khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng, theo ông, cần điều chỉnh gì?

- Nhiều quốc gia e ngại với các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc khi chính phủ nước này chủ trương đẩy mạnh làn sóng đầu tư ra nước ngoài. Tại Việt Nam những năm gần đây vốn đầu tư từ Trung Quốc tăng rất mạnh, từ vị trí thứ 10 đến nay vốn đầu tư từ Trung Quốc nhảy lên vị trí thứ 5 trong danh sách các quốc gia đang đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Các dự án đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam có vốn đăng ký không lớn nhưng số lượng nhiều và công nghệ không hiện đại.

Hầu hết các quốc gia đều có chính sách bảo vệ những ngành kinh tế quan trọng, chẳng hạn Philippines đang rất lo ngại tình trạng nhà đầu tư Trung Quốc chiếm phần lớn các dự án năng lượng điện, buộc chính phủ nước này phải có chính sách hạn chế ảnh hưởng của đầu tư nước ngoài đến an ninh năng lượng, an ninh lưới điện. Vì thế, Việt Nam cần cảnh giác với tình trạng nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm các ngành kinh tế quan trọng của đất nước.

Dùng cây gậy để chặn nước ngoài thâu tóm đất đai - Ảnh 6.

Nguồn: Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư - Đồ họa: TUẤN ANH

* Phải chăng quy định của pháp luật quá lỏng lẻo nên nhà đầu tư nước ngoài, người nước ngoài dễ dàng lợi dụng để thâu tóm đất đai?

- Có những kẽ hở luật pháp nhưng đây không phải nguyên nhân duy nhất dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm đất đai trong nước thời gian qua. Cần xem lại cả khâu thực thi pháp luật trong quản lý đất đai, trong cấp phép đầu tư. Luật đất đai cấm người nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện giao dịch chuyển nhượng, mua bán đất đai nên nếu các cơ quan quản lý làm đúng quy định thì người nước ngoài khó có thể thâu tóm đất đai.

Ông Vũ Tiến Lộc (chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam):

Kiểm soát vốn nước ngoài vào vùng ảnh hưởng an ninh quốc phòng

vu tien loc 2(read-only)

Ông Vũ Tiến Lộc

Mọi DN thành lập ở trong nước được coi là DN Việt Nam. Nhưng quốc gia nào cũng có biện pháp bảo vệ tính tự chủ, không cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào địa bàn trọng yếu ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh và các lĩnh vực cốt lõi duy trì tính tự chủ của nền kinh tế.

Môi trường đầu tư bình đẳng không có nghĩa nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam muốn đầu tư vào đâu cũng được, tương tự nhà đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cũng thế. Pháp luật về đầu tư cũng quy định nhà đầu tư nước ngoài được hoạt động trong phần lớn các lĩnh vực và bình đẳng với DN trong nước, trừ các lĩnh vực cốt lõi, ảnh hưởng đến tính tự chủ của nền kinh tế hay tại các địa bàn chiến lược về an ninh quốc phòng. Tại châu Âu, Mỹ, Nga, Nhật Bản khi tiếp nhận nhà đầu tư nước ngoài họ cũng có những biện pháp để bảo vệ lĩnh vực cốt lõi của nền kinh tế, bảo đảm an ninh quốc gia.

Ông Đào Trung Chính (phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai):

Khó làm rõ "núp bóng", nếu dựa vào Luật đất đai

dao trung chinh 2(read-only)

Ông Đào Trung Chính

Pháp luật bảo hộ quyền mua bán, chuyển nhượng QSDĐ cho công dân người Việt. Vì vậy nếu người Việt mua đất, không thể ngăn cản quyền chính đáng của họ trong quá trình đăng ký chuyển quyền, cấp "sổ đỏ". Nhưng khi người nước ngoài nhờ người Việt đứng tên mua đất, chỉ dựa vào Luật đất đai không thể làm rõ được, trong khi phải làm rõ nguồn tiền mới biết ai thực sự là người mua đất.

Pháp luật đất đai chỉ quy định các khu vực không được mua bán, chuyển QSDĐ, hoặc đối tượng không được quyền mua bán QSDĐ, từ đó từ chối việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận QSDĐ.

Chẳng hạn DN có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhưng với dự án nhạy cảm về quốc phòng, an ninh như ở xã đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển, muốn được giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao.

Ông Đặng Hùng Võ (nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường):

Cần giám sát nước ngoài "núp bóng" mua đất

dang hung vo 2(read-only)

Ông Đặng Hùng Võ

Trong thu hút đầu tư nước ngoài, dự án đầu tư nước ngoài, luật pháp không có "khoảng hở" về vấn đề an ninh, quốc phòng. Cụ thể, Luật đầu tư đã có quy định rõ, với dự án đầu tư, trước khi cấp có thẩm quyền phê duyệt đều lấy ý kiến của các bên an ninh, quốc phòng.

Chuyện góp vốn, mua cổ phần DN trong nước để thâu tóm đất đai cần nhìn nhận bình đẳng với tất cả mọi người nước ngoài, không riêng với người Trung Quốc. Nếu mua cổ phần qua thị trường chứng khoán, luật quy định và hạn chế không cho nhà đầu tư nước ngoài mua vượt quá 50%. Còn góp vốn bằng QSDĐ chỉ áp dụng với người Việt, người nước ngoài góp vốn bằng tiền. Vấn đề ở đây là khâu thực thi pháp luật.

Thực tế không thể có chuyện người nước ngoài, trong đó có người Trung Quốc đứng tên "sổ đỏ" sở hữu QSDĐ. Nhưng đầu tư "núp bóng" người Việt là vấn đề cần giám sát chặt chẽ. Tình trạng người Trung Quốc "núp bóng" người Việt nhận chuyển nhượng cơ sở kinh doanh, các khu đất ở, khu đất sản xuất kinh doanh là vấn đề không dễ bóc tách. Trên giấy tờ, người Việt vẫn chính danh đứng tên chủ đất, được pháp luật bảo hộ.

Tuy nhiên, nếu cơ quan chức năng xác minh được người Trung Quốc "núp bóng", cái sai ở đây là việc chuyển QSDĐ này không đúng thực chất. Việc "núp bóng" này là vi phạm pháp luật về chuyển quyền. Nhưng làm thế nào để bóc tách được "núp bóng" là không đơn giản.

Vì thế, người dân cần ý thức để không tiếp tay cho hành vi "núp bóng" của người Trung Quốc.

Khi một người Trung Quốc nắm giữ nhiều bất động sản qua hình thức đầu tư "núp bóng", có thể sẽ có những kiểu độc quyền trong kinh doanh ở một khu vực nhất định, hình thành các hình thức, dịch vụ tài chính như thanh toán bằng nhân dân tệ, thanh toán điện tử qua các ngân hàng của Trung Quốc. Vì vậy, cần truyền thông cho người Việt hiểu rõ, thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao trong các quyết định tham gia vào mọi giao dịch tạo cơ hội cho người Trung Quốc "núp bóng".

Các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng cảnh sát kinh tế, an ninh kinh tế, cần coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong việc giám sát, điều tra, ngăn chặn kịp thời các hình thức đầu tư "núp bóng" mượn danh người Việt để nhận chuyển QSDĐ, trong khi pháp luật về đất đai hiện hành chưa cho phép cá nhân người nước ngoài được sở hữu QSDĐ.

B.NGỌC - X.LONG ghi

Chống người nước ngoài thâu tóm đất Chống người nước ngoài thâu tóm đất

TTO - Liên quan đến hiện tượng người VN đứng tên "giúp" người nước ngoài mua đất, ĐB Dương Trung Quốc đã đặt vấn đề rằng: "Nên coi đó chỉ là gian lận thương mại hay là hành vi mà nhiều cử tri đòi hỏi phải nghiêm khắc xác định là "phản quốc"?"

B.NGỌC - X.LONG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên