15/10/2017 14:38 GMT+7

Dừng chuyển mục đích sử dụng rừng

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Tạm dừng chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp, thủy điện nhỏ, kể cả những dự án đã được phê duyệt nhưng chưa thực hiện.

Dừng chuyển mục đích sử dụng rừng - Ảnh 1.

Từ năm 2011-2017 cơ quan chức năng Quảng Nam đã phát hiện, lập biên bản 54 vụ hủy hoại rừng phòng hộ ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước với hơn 120ha rừng bị tàn phá - Ảnh: T.B.D. - T.VŨ

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày 14-10. 

Thủ tướng cũng yêu cầu không chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển, không chuyển loại rừng đặc dụng sang rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

Các lực lượng được giao trách nhiệm còn tình trạng buông lỏng. Gỗ chứ đâu phải là cái kim mà không phát hiện được! Điều đó cho thấy trách nhiệm kiểm soát địa bàn, nhất là lực lượng kiểm lâm, chưa làm tốt. Người dân còn đặt câu hỏi: Có tiêu cực ở những lực lượng được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng?

Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị trực tuyến - Video: VIỆT DŨNG

Làm thủy điện nhỏ như ở Tây Nguyên: dừng hết

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định nhìn tổng thể công tác bảo vệ rừng, số vụ phá rừng có giảm nhưng lại nổi lên một số vụ gây bức xúc.

"Số vụ phá rừng được ngăn chặn còn tính theo đầu ngón tay, tức là rất ít" - Thủ tướng nhận định.

Theo Thủ tướng, ngay trong năm qua, diện tích rừng Tây Nguyên tiếp tục giảm, tức là phá rừng vẫn diễn ra.

Trước những vụ phá rừng xảy ra, Thủ tướng cho rằng cần phải xử lý nghiêm để răn đe. "Những vụ phá rừng vừa rồi tôi đã chỉ đạo xử lý nghiêm, điều tra, truy tố. Khi Thủ tướng có ý kiến, bí thư, chủ tịch đã lên tận hiện trường, như tại Bình Định đã khởi tố mấy vụ và phải làm nghiêm như thế" - ông dẫn chứng.

Theo Thủ tướng, trong bảo vệ rừng, trách nhiệm chủ yếu của chính quyền địa phương, trong đó rừng trồng và phát triển vốn rừng là hướng phát triển lâu dài của đất nước.

Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý trách nhiệm của các lực lượng công an, kiểm lâm, cần quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao.

Đề cập vấn đề phá rừng làm thủy điện, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo rà soát quy hoạch hệ thống thủy điện trên toàn quốc. 

"Dừng cấp phép đầu tư các công trình thủy điện nhỏ có chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên. Trường hợp đặc biệt, cấp thiết phải báo cáo Thủ tướng quyết định. Kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với những dự án không chấp hành trồng rừng thay thế và nghĩa vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng" - Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương phải triển khai ngay chỉ đạo này và đặc biệt chú ý đến những thủy điện nhỏ ở Tây Nguyên: "Những công trình thủy điện nhỏ, hiệu quả rất thấp nhưng phá rừng rất nhiều thì phải dừng lại không làm nữa". Ông chốt lại: "Tôi yêu cầu dừng lại hết".

Dừng chuyển mục đích sử dụng rừng - Ảnh 4.

Rừng Tây Nguyên đang biến mất dần bởi tác động của con người, đặc biệt là các dự án thủy điện quy mô lớn. Trong ảnh: khu vực cửa dẫn vào đường hầm chuyển nước dài 17km xuyên lòng núi tại công trình thủy điện Thượng Kon Tum - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG

Không chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển

Đề cập nhiệm vụ bảo vệ rừng thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: thứ nhất, tiếp tục thực hiện đóng cửa rừng, không khai thác gỗ rừng tự nhiên. 

"Tôi mới phát động ở Tây Nguyên, nhưng các khu vực đều phải thực hiện như vậy" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích rừng, trong đó tạm dừng chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp, thủy điện nhỏ, kể cả những dự án đã được phê duyệt nhưng chưa thực hiện. Ông nói: "Dứt khoát phải dừng lại trong phạm vi quốc gia, nhất là Tây Nguyên".

Thứ ba, không cải tạo rừng khộp nghèo, rừng nghèo kiệt khi chưa có đánh giá, khảo nghiệm khoa học. Không chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển, không chuyển loại rừng đặc dụng sang rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

Với một số kiến nghị về việc chuyển đổi mục đích rừng ven biển, Thủ tướng cho rằng phát triển du lịch là rất cần thiết, nhưng chuyển mục đích rừng ven biển phải được xem xét rất kỹ, phải được duyệt hết sức chặt chẽ. 

"Không phải có dự án du lịch làm sân golf là phá hết tất cả rừng trồng bao đời nay. Chúng ta không cực đoan trong giữ rừng ven biển, nhưng nếu không quản lý tốt sẽ phá hết toàn bộ thành những đô thị không còn màu xanh nào. 

Vì vậy, khi có dự án, phải đánh giá cụ thể qua các cấp, đến các bộ được Thủ tướng giao xem xét cụ thể chứ không thể phá rừng ven biển đến trơ trọi hết" - Thủ tướng lưu ý.

Kết thúc hội nghị, Thủ tướng khẳng định rõ quan điểm kiên quyết loại thải phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi cơ quan công quyền làm ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng.

9 tháng: cả nước phát hiện 1.697 vụ phá rừng

Theo Bộ NN&PTNT, có nhiều khu vực trở thành trọng điểm phá rừng thời gian qua. Tại khu vực Tây Nguyên, tỉnh Đắk Nông có diện tích bị phá rừng lớn nhất trong chín tháng đầu năm 2017 với diện tích 225ha.

Tại tỉnh Bình Định cũng đã xảy ra vụ phá rừng trái pháp luật tại xã An Hưng, huyện An Lão với diện tích lên tới hơn 60ha.

Tại tỉnh Kon Tum cũng xảy ra khai thác rừng trái pháp luật ngay tại Vườn quốc gia Chư Mom Ray, huyện Sa Thầy. Số lượng gỗ vi phạm lên tới 747m3.

Chỉ trong chín tháng năm 2017, cả nước phát hiện 1.697 vụ phá rừng. Mặc dù số vụ có giảm, nhưng diện tích rừng bị thiệt hại rất lớn, hơn 910ha.

Rừng chảy máu do "giao trứng cho ác"

Báo cáo việc thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng việc thực hiện nhiệm vụ chống chặt phá rừng còn hạn chế.

Cụ thể trong giai đoạn 2012-2017, diện tích rừng thiệt hại do phá rừng trái pháp luật còn nhiều, hơn 4.218ha.

Địa bàn rừng bị phá tập trung ở diện tích giao cho các ban quản lý rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp, nhất là diện tích đang trong quá trình sắp xếp chuyển giao về địa phương quản lý, khu vực đưa ra khỏi quy hoạch lâm nghiệp, nhất là địa bàn các dự án phát triển kinh tế, xã hội và diện tích rừng do UBND cấp xã quản lý.

Trong nhận định nguyên nhân, Bộ NN&PTNT chỉ ra: nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ việc chủ rừng buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, không phát hiện ngăn chặn kịp thời. Thậm chí có tình trạng báo cáo láo, không nghiêm túc thực hiện việc khắc phục hậu quả trồng lại rừng đối với diện tích rừng bị phá, để xâm canh, lấn chiếm đất kéo dài.

"Một bộ phận cán bộ, công chức các cơ quan quản lý, nhất là kiểm lâm địa bàn năng lực, nghiệp vụ yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, không tham mưu cho chính quyền xử lý kịp thời, thậm chí còn biểu hiện làm ngơ, tiếp tay cho hành vi trái pháp luật" - ông Cường nói.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà chia sẻ: "Tôi rất đồng tình với những đánh giá của Bộ NN&PTNT về tình trạng mất rừng. Từ mất rừng dẫn đến những hệ lụy trước mắt rất nặng nề, còn lâu dài cũng rất khó lường.

Mất rừng cũng làm suy giảm đa dạng sinh học, mất cân bằng hệ sinh thái và tạo ra các biến đổi rất lớn về thiên tai như mưa lớn, lũ lụt lớn, lũ ống, lũ quét, trượt lở đất".

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên