Đừng vội chê ẩm thực Qatar

PHAN BẢO 09/12/2022 06:37 GMT+7

TTCT - Tờ The Sun của Anh hôm 17-11 viết khá gay gắt rằng người mê bóng đá tốt hơn đừng đến Qatar xem World Cup với dạ dày rỗng, vì thức ăn ở đó vừa đắt vừa chán. Lẽ nào nền ẩm thực "siêu quốc tế" của một xứ mà 85% dân số là người nước ngoài lại tệ?

Đừng vội chê ẩm thực Qatar - Ảnh 1.

Ảnh: Shutterstock

Trên mạng xã hội quả là có lan truyền nhiều hình ảnh kèm lời than thở về đồ ăn của nước chủ nhà giá thì cao nhưng chất lượng không tương xứng. 

Có lẽ đấy là trục trặc trong khâu tổ chức, phân phối, chứ ẩm thực Qatar nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung chắc chắn không thiếu sự lựa chọn cho du khách, và đằng sau mỗi món ăn là những truyền thống gìn giữ từ ngàn xưa.

Một trong những bức ảnh về chuyện ăn uống khi xem World Cup ở Qatar được lan truyền nhiều nhất trên mạng là hình chụp suất ăn sáng và món salad Hy Lạp có giá 9 bảng Anh (khoảng 270.000 đồng).

Phần ăn sáng phục vụ cho khách thuê phòng 200 bảng Anh (gần 6 triệu đồng) một đêm được nhiều người cho là giống như suất ăn hạng phổ thông trên máy bay và ở trường học.

WC breakfast

Suất ăn sáng bị chê.

Người nào thức nấy

Qatar hội tụ nhiều nền ẩm thực, xuất phát từ nguồn quốc tịch đa dạng. Từ món gà adobo làm mềm với giấm của Philippines cho đến món dosas giòn của Ấn Độ được ăn cùng khoai tây tẩm gia vị, ẩm thực Qatar đại diện cho cộng đồng 2,3 triệu người nước ngoài ở đây. Người quốc tịch nào cũng sẽ tìm được nhà hàng phục vụ món ăn từ quê hương của họ.

Một tháng trước khi World Cup 2022 chính thức bắt đầu, Tổng cục Du lịch Qatar công bố hẳn một danh sách các nhà hàng và quán cà phê ở thủ đô Doha có phục vụ ẩm thực của 32 quốc gia tranh tài trong giải đấu.

Giám đốc điều hành của Tổng cục Du lịch Qatar, Berthold Trenkel, khẳng định chắc nịch: "Từ ẩm thực cao cấp đến thức ăn đường phố, Qatar cung cấp nhiều loại ẩm thực từ khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi có rất nhiều nhà hàng quốc tế phục vụ mọi sở thích và nền văn hóa, nhưng tôi thực sự khuyến khích người hâm mộ thử các món ăn ngon của Qatar một khi đã đến đây".

Đừng vội chê ẩm thực Qatar - Ảnh 4.

Món madrouba gà. Ảnh: Maggi Arabia

Ẩm thực của những chiếc nồi

Không kể những món ngoại quốc, bữa ăn đặc thù ở Qatar thường bao gồm các món đựng trong chiếc nồi duy nhất, với nguyên liệu là các loại thực phẩm thu hoạch cả trên đất liền và biển; đặc biệt, bữa ăn mùa hè không thể thiếu cá và những tháng mùa đông chắc chắn có thịt.

Các món ăn thường được thêm gia vị là những nguyên liệu mà các thương gia mang về từ những chuyến đi, chẳng hạn như đinh hương và hạt tiêu đen từ Ấn Độ, quế từ Sri Lanka và nghệ tây từ Iran.

Theo truyền thống, những người phụ nữ trong gia đình thường bắt đầu chuẩn bị bữa ăn từ đêm trước hoặc vào sáng sớm, vì nhiều món ăn cần được nấu chậm trong nồi đất đặt trên bếp củi. Những người đàn ông thường câu cá hoặc làm nông vào buổi sáng, họ dắt đàn gia súc đi ăn cỏ trước buổi cầu nguyện bình minh và trở về vào buổi trưa để thưởng thức bữa ăn chính.

Đừng vội chê ẩm thực Qatar - Ảnh 5.

Món machboos. Ảnh: marhaba.qa

Một trong những món ăn Qatar truyền thống nấu theo cách trên là machboos. Theo báo Independent của Anh, machboos có thể được xem như món ăn quốc dân của Qatar. Món này thường bao gồm thịt gà hoặc thịt cừu hầm ăn với cơm, hành tây, cà chua và gia vị.

Một món hầm khác là thareed - được đặt tên theo chiếc nồi đất sét lớn dùng để nấu món này. Món hầm thịnh soạn này cũng bao gồm thịt gà hoặc thịt cừu và nước xốt cà chua, được nấu trên bếp với các loại rau theo mùa, thường là khoai tây, cà rốt, hành tây và đậu gà. 

Nhưng để thưởng thức hương vị tinh túy của món ăn này, cần phải cho muỗng xuống đáy nồi để chạm đến các lớp bánh khubs regag, được xé cẩn thận và lót dưới đáy nồi, thấm đẫm hương vị.

Theo trang Middle East Eye, những món ăn được chế biến công phu như thế này rất được yêu thích ở Qatar từ xa xưa, đặc biệt là khi trái cây và rau quả từng là những thứ khan hiếm trong chế độ ăn uống của người dân địa phương, vì chúng rất khó trồng trên vùng đất khô cằn này. 

Một số gia đình đã cố trồng cà chua và dưa hấu, nhưng họ vẫn phải đợi các loại trái cây khác nhập khẩu từ Oman và Iran. Chỉ 10 năm trước, Qatar vẫn nhập khẩu 90% lương thực.

Đừng vội chê ẩm thực Qatar - Ảnh 6.

Món thareed. Ảnh: sugarflourdough.com

Harees cũng là một món hầm từ thịt gà và thịt cừu. Lúa mì ngâm qua đêm, luộc chín, nghiền hoặc xay là điểm nhấn của món ăn này. Vào buổi sáng, phần lúa mì sẽ được nấu chậm với thịt gà hoặc thịt cừu từ 5 đến 6 tiếng cho đến khi đạt một kết cấu đàn hồi, rồi được tẩm quế, thìa là và trộn với bơ ghee trước khi dọn ra bàn ăn.

Các gia đình Qatar thường gửi những nồi harees sang nhà hàng xóm như một cử chỉ thân thiện, đặc biệt là trong tháng Ramadan (tháng thứ 9 của âm lịch Ả Rập). Các quốc gia khác cũng có những biến thể của món ăn này, như món haleem ở Pakistan và cháo Trung Quốc. Người Oman thì nấu món này với yến mạch, tạo nên một phiên bản cháo đậm vị thực sự.

Madrouba là một món tương tự như harees nhưng được cho thêm sữa và bơ. Theo truyền thống ở Qatar, sữa được lấy từ gia súc nuôi tại nhà và được dùng làm bơ zibda và sữa chua laban.

Món tráng miệng quốc dân

Bên cạnh các món ăn chính, ẩm thực Qatar cũng đa dạng các món tráng miệng. Nhắc đến tráng miệng, không thể bỏ qua món luqaimat, một món bánh ngọt chiên giòn chế biến từ bột mì, sữa, bơ, đường, nghệ tây và bạch đậu khấu. 

Sau khi chiên, người ta thường rải mật ong hoặc xi rô ngọt lên phía trên. Luqaimat thường là tâm điểm trong bất kỳ sự kiện gia đình nào hoặc những dịp mời bạn bè đến chơi, và cũng là món tráng miệng phổ biến trong tháng Ramadan.

Đừng vội chê ẩm thực Qatar - Ảnh 7.

Món luqaimat. Ảnh: Alamy

Trong những dịp họp mặt ở Qatar, cà phê cũng là một món không thể thiếu, theo tạp chí The Peak của Singapore. Theo phong tục, chủ nhà phải pha cà phê trước mặt khách và con trai trưởng là người bưng tách cà phê mời khách. Trong những năm gần đây, cà phê Qatar đã vượt ra khỏi giới hạn truyền thống và xuất hiện nhiều hơn dưới hình thức thương mại - dịch vụ.

Cà phê du nhập vào thế giới Ả Rập cách đây khoảng 600 năm và phát triển thành một nét văn hóa đặc trưng của các quốc gia trong khu vực này. Món đồ uống này được đựng trong những chiếc bình bằng vàng hoặc bạc gọi là dallah, và phải uống trong những chiếc tách nhỏ chỉ được đổ đầy một phần để tránh làm bỏng ngón tay của người uống. 

Trong quá khứ, người hầu của gia chủ - thường là những người khiếm thính để ngăn thông tin nhạy cảm rò rỉ ra ngoài - liên tục rót cà phê đến khi người uống làm một động tác vẫy tay báo hiệu thôi không dùng nữa.

Năm 2015, cà phê Ả Rập được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Theo UNESCO, cung cách phục vụ cà phê Ả Rập là một khía cạnh quan trọng thể hiện lòng hiếu khách trong xã hội Ả Rập và được coi là một nghi thức biểu thị sự hào phóng.■

Đòi công bằng cho ẩm thực Trung Đông

Tháng 6-2022, trang web khám phá ẩm thực theo khu vực địa lý TasteAtlas công bố bảng xếp hạng 50 nền ẩm thực tốt nhất thế giới, dựa trên "bình chọn bình quân của người dùng về 30 món ăn thức uống ngon nhất của mỗi nước".

Những xếp hạng vô thưởng vô phạt thế này vốn đầy rẫy trên mạng, và cũng chẳng mấy ai biết TasteAtlas là trang nào. Thế mà danh sách xếp hạng này (Ý đứng đầu, Pháp hạng 5) lại khiến nhiều cư dân mạng Trung Đông và Ả Rập bức xúc vì nước họ xếp hạng quá thấp, theo trang Middle East Eye. Cụ thể, Lebanon hạng 41, còn hàng xóm Syria đứng thứ 35, Ai Cập gần đội sổ với hạng 47. Cao nhất trong nhóm các nước này là Algeria (25).

FUZz5iRX0AAo6RZ

Ảnh: Tasteatlas

Với gần 11.000 tương tác tại thời điểm công bố, TasteAtlas đã phải đối phó với một cơn bão phẫn nộ, mỉa mai và chất vấn về cách xếp hạng từ người dùng Twitter. "Nhiều nước châu Âu được xếp hạng quá cao đối với tôi" - một người dùng phẫn nộ viết trên Twitter, còn một người khác than thở: "Lebanon xứng đáng đứng cao hơn".

Một trong những điều khiến dân mạng thắc mắc là những nước có ẩm thực tương tự nhau nhưng lại có thứ hạng chênh lệch quá xa: chẳng hạn Hy Lạp hạng nhì, trên Thổ Nhĩ Kỳ 15 bậc, hay Ấn Độ thứ 10, còn Pakistan tận hạng 45.

Có thể dân mạng chỉ cãi nhau cho vui, nhưng ẩm thực đúng là chủ đề nhạy cảm trên mạng xã hội, nhất là khi liên quan đến Trung Đông. Các nước ở khu vực, như Lebanon, Israel, Palestine và Syria, từ lâu đã có "cuộc chiến hummus", khi ai cũng tranh là nơi khai sinh của món xốt gồm đậu gà và tahini (bơ mè) này.

T.ANH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận