24/06/2014 00:08 GMT+7

Đường ngang "phang" cao tốc

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TT - Dù thông xe toàn tuyến từ ngày 18-1 nhưng đến nay quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên vẫn còn nhiều hạng mục chưa hoàn thiện hoặc phải bổ sung khiến tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc này được khai thác như đường làng.

Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên cấm xe máy

lE9pkFc1.jpgPhóng to
Dù bị cấm nhưng xe máy vẫn đi vào đường cao tốc - Ảnh: T.Phùng

Có mặt trên tuyến quốc lộ 3 mới dài 63,8km này mới thấy đường khá vắng xe nhưng nhiều bất ổn cho tài xế. Ngay từ km4+710 ở đầu tuyến do cầu vượt FO1 chưa được thi công xong đường dẫn nên phải duy trì đường dân sinh cắt ngang.

“Không tỉnh táo thì ốm đòn”

Tới địa phận Thái Nguyên, tình trạng người dân tự ý tháo dỡ hàng rào lưới B40, tháo tôn hộ lan để băng qua đường càng xuất hiện nhiều hơn. Dải phân cách giữa ở những điểm này cũng bị đập bỏ để làm đường ngang dân sinh qua đường cao tốc. Dọc địa phận Thái Nguyên đang có khoảng 40 điểm đường ngang “phang” quốc lộ như thế. Dù tuyến đường cấm xe máy hoạt động nhưng thỉnh thoảng lại xuất hiện xe máy chạy ngược chiều. “Đường vắng, tốc độ cao, cấm xe máy mà bất ngờ gặp xe máy đi ngược chiều thế này không tỉnh táo thì ốm đòn” - tài xế chở phóng viên than thở.

Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên dài 63,8km đi qua Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên. Công trình có tổng mức đầu tư 10.004 tỉ đồng, trong đó phần vốn vay ODA Nhật Bản là 6.664 tỉ đồng và phần vốn đối ứng VN 3.340 tỉ đồng. Tuyến đường đưa vào khai thác sẽ giúp việc đi lại từ Hà Nội đến Thái Nguyên còn 1 giờ 20 phút so với 3 giờ nếu đi theo quốc lộ 3 cũ.

Nhưng bi hài nhất phải kể là đoạn đường đi qua nhà máy Samsung đang xây dựng ở huyện Phổ Yên (Thái Nguyên). Tại đây có một cống chui để qua đường nhưng phía đầu cống bên nhà máy lại không có đường gom để đi lại mà là nơi đổ đất nền thi công nhà máy. Vì vậy, nhiều người dân và công nhân nhà máy băng ngang để sang đường. Những chỗ cao thì người dân bắc thang gỗ dọc taluy để đi lại và bám đường mở quán.

Trên tuyến quốc lộ 3 mới cũng xuất hiện nhiều đoạn lún mặt đường theo vệt bánh xe. Đến ngày 23-6 nhà thầu thi công đã bóc lớp bêtông nhựa thảm lại gần 1km và hơn 1km tiếp theo cũng được cào bóc để chuẩn bị thảm lại.

Ông Nguyễn Văn Thuấn - vụ trưởng Vụ An toàn giao thông Bộ GTVT - cho biết từ tháng 1-2014 đến nay đã xảy ra bốn vụ tai nạn xe máy trên đoạn đường thuộc địa phận Thái Nguyên làm năm người chết, nguyên nhân là do người dân tự mở rào chắn đi ngược chiều.

Phê bình ban quản lý dự án vì chậm chạp

Để giải quyết tình trạng trên, chiều 23-6 Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tổ chức họp khẩn với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và các đơn vị liên quan.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Lưu Việt Khoa - phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án 2 (PMU 2 thay mặt Bộ GTVT làm chủ đầu tư tuyến đường) - xin hạn đến ngày 30-7 sẽ thi công xong toàn bộ. “Tôi chỉ đạo nhiều lần rồi mà vẫn để nhà thầu dây dưa. Kiểm kê khối lượng của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 để thanh toán rồi thay nhà thầu khác làm. Anh xin đến 30-7 xong tôi cho đến 31-7 nếu không xong thì cách chức. Đường cao tốc mà để trâu bò vào ăn cỏ, đường ngang mở lung tung là không được. Cao tốc cấm xe máy mà tôi đi thấy nhiều xe máy đi ngược chiều” - ông Thăng nói.

“Còn các điểm dân tự tháo dỡ hàng rào, hộ lan, Bộ GTVT đã làm việc với Sở GTVT Thái Nguyên yêu cầu công an xử lý. Đêm dân tháo để mở đường, ngày thì nhà thầu lắp lại, đêm dân lại tháo ra, cứ khoảng 1km thì có chỗ tháo” - trước giải thích của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, Bộ trưởng Thăng yêu cầu chỗ nào dân hay tháo thì hàn lại, sau cần sửa chữa thì cắt ra.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng nguyên nhân cơ bản nhất để dẫn đến mất an toàn trên quốc lộ 3 mới là do các cơ quan của Bộ GTVT, Bộ Công an, địa phương phối hợp chưa tốt. Ông Thăng phê bình PMU 2, cụ thể là phó tổng giám đốc Lưu Việt Khoa vì làm việc không quyết liệt, phụ thuộc nhà thầu trong khi mình là đơn vị thuê nhà thầu.

Với các đường ngang tự phát, ông Thăng đề nghị đóng ngay để đảm bảo an toàn giao thông; UBND tỉnh Thái Nguyên phối hợp các cơ quan của Bộ GTVT và công an bắt giữ, xử lý nghiêm người dân phá dỡ hàng rào, hộ lan vì đường cao tốc là công trình đặc biệt quan trọng, là tài sản quốc gia. Đồng thời, Bộ GTVT phối hợp Bộ Công an để sửa quy định có thể cho CSGT cấp tỉnh tuần tra trên đường cao tốc. “Phải chỉ đạo nhà thầu khẩn trương xử lý đọng nước trên đường. Cắt cỏ giữa dải phân cách. Có cỏ thì trâu bò mới vào ăn. Còn việc hằn lún vệt bánh xe phải xác định trách nhiệm cụ thể từng bên liên quan để xử lý” - ông Thăng yêu cầu.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên