Đường về quê

NHIÊN ANH 29/01/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Một trong những ký ức của thế hệ Nam tiến cách đây một phần tư thế kỷ, đấy là cảnh vào những ngày giáp Tết chạy xe máy đi làm trên xa lộ Hà Nội, nhìn thấy các đồng nghiệp, đồng hương của mình tay xách nách mang hành lý, bận luôn cả bộ đồ đồng phục công ty đứng hai bên đường vẫy xe tốc hành về quê ăn Tết.

Không mấy ai vào miền Nam trong vài năm đầu tiên, nhìn thấy cảnh này mà còn đủ tâm trí để làm việc tiếp: Những đồng hương kia, dù là có bị nhồi nhét trên xe “tù”, 48 chỗ có thể chở gần 100 người, thì cũng chỉ một ngày nữa thôi, là họ đã được về quê, về nhà.

Một người nhập cư vào miền Nam, Đông Nam Bộ hay Sài Gòn, cần 10 - 20 năm để ổn định cuộc sống, tùy năng lực và may mắn. 

Ổn định được hiểu là cho đến khi họ không phải thuê nhà để ở, chứ chưa được hạnh phúc ở mức đã trả xong tiền mua nhà. Con số 10 - 20 năm đấy, bây giờ đã phải gấp đôi, khi nhìn vào mức tăng giữa giá nhà đất và thu nhập. 

 
 Sáng 29-9-2021, tại bến xe Miền Tây, TP.HCM, 20 xe khách loại 45 chỗ của Tập đoàn Phương Trang đưa hơn 450 người dân Vĩnh Long về quê. -Ảnh: Châu Tuấn

Trong suốt thời gian nỗ lực cho sự ổn định đấy, niềm vui lớn lao nhất của phần lớn họ, hay chính xác hơn trong văn cảnh này - của phần lớn “chúng tôi” - là Tết được về quê. 

Cảnh vui nhất đối với nhiều công nhân ở Nam Trung Bộ là hôm tất niên ở công ty xong, tất tả lên xe máy, chất cả thùng Sài Gòn xanh, gói Vina Café mới bốc thăm trúng thưởng, chạy về quê, cả đoàn cùng xã cùng huyện, mấy trăm chiếc chạy rần rần ra đến Xuân Lộc, Đồng Nai, dừng cà phê võng một lần, ra Ninh Thuận ngang eo Cà Ná dừng lại hít gió biển một lần, í ới chụp hình check-in, cho con đi tè…, rồi lại rần rần chuẩn bị vượt đèo Cả, đèo Cù Mông… trong một trạng thái phấn khích vui sướng mà đố có ai về quê bằng máy bay - khoang VIP có thể có được. 

Còn với những người về Bắc, không gì vui hơn chuyến xe được công ty, đoàn thể sắp xếp chở về với băng rôn: Về quê ăn Tết! Những đoàn xe ngày đấy, đi bao nhiêu thì trở về sau Tết cũng xấp xỉ bấy nhiêu người.

Cũng đoàn xe đấy, Tết năm nay, vơi đi hẳn và cũng buồn hơn hẳn. Lớp đã chạy về cách đây mấy tháng trốn dịch, trốn luôn cái bức bối vất vả của cảnh ở trọ làm thuê bao nhiêu năm mà vẫn hoàn tay trắng. 

Lớp không muốn về bởi vừa vào lại, về vừa không có tiền vừa thấy bẽ bàng. Cũng có lớp được ở lại bởi công ty quyết tâm làm xuyên Tết bù lại hai tháng đóng cửa do dịch bệnh. Đường về quê năm nay, thật quá đỗi chạnh lòng.

Trong những lúc trà dư tửu hậu - họp mặt cuối năm của đồng niên, đồng hương, người viết cùng bạn bè làm một cái thống kê bỏ túi nội bộ. 

Tỉ lệ người nhập cư vào Sài Gòn, có thể sống tạm gọi là tử tế về mặt vật chất là bao nhiêu phần trăm? Không quá 30%. 

Có những người bạn học hành bằng cấp đàng hoàng, hơn 25 năm, sống và làm việc chăm chỉ ở thành phố này - qua đợt dịch, mất mát người thân, tìm đến thăm hỏi mới hay - hóa ra bạn vẫn đang ở trọ.

Có người luôn đứng ra trả bill cho bạn bè trong những cuộc nhậu nhưng cũng nhiều người, dù có được mời thiết tha bao nhiêu, vẫn không bao giờ dám xuất hiện. 

Bản thân Sài Gòn là thành phố làm cho con người ta ít tự ái, tự ti hay có nhu cầu đặt câu hỏi về bản thân mình nhất, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc ai đến chỗ này chăm chỉ làm ăn, thì sẽ sống ổn.

Dịch bệnh làm cả triệu người ở thành phố mất việc làm, không có thu nhập gần nửa năm, và một tương lai bất định đã tạo nên những hậu quả và sang chấn nội thương mà những gì thể hiện qua báo chí truyền thông là chưa nói đủ, nói hết. 

Nó khác với cơn khủng hoảng năm 2008, khi không có việc thì anh em có thể về quê sống với thầy bu vài tháng.

Năm 2021 này, bản thân quê nhà nhiều nơi cũng không đủ sức cưu mang con em mình. Những người mất việc ở thành phố, họ hiểu điều đấy, nên với nhiều người - nếu còn có cơ hội ở lại - họ sẽ cố gắng hết sức để bám lấy, kể cả dời đi ở chỗ khác xa xôi hơn, công việc khó khăn, thu nhập ít hơn, Củ Chi, Bến Cát, Long Hậu… 

Trong danh sách những người bạn trên Facebook của người viết, rao bán thực phẩm sạch có cả tiến sĩ triết học đang giảng dạy ở một trường đại học lớn tại Sài Gòn.

Hậu đại dịch ngoài các chấn thương về thể xác và tinh thần, còn có tác dụng như là một đợt thanh lọc, nó sẽ đặt ra những thách thức khác cho những ai muốn tìm cơ hội tồn tại và phát triển ở thành phố này. 

Đất không còn rộng để cho người muốn đông lên bao nhiêu cũng được và cuộc chạy đua để trụ lại và vươn lên có lẽ càng ngày sẽ càng khó khăn hơn.

Điều này là sự thật mà những người trẻ cần phải biết để có sự chuẩn bị tốt hơn, đầy đủ hơn để đủ sức dấn thân, khi một năm mới nữa đang đến gần. Dấn thân để thành công chứ không phải để tồn tại một cách vô danh, làng nhàng ở thành phố này, mảnh đất vốn luôn yêu cầu sự nỗ lực tự thân của mỗi người.

Tôi có thể về quê nhà nghỉ ngơi, không cần mang gì về hết cho mẹ mà chỉ để lấy lại sức lực và năng lượng để bắt đầu một năm mới bằng một tâm thế tích cực không? 

Câu hỏi đấy trước năm 2020 ít ai đặt ra và cũng ít ai phải nhọc công tìm câu trả lời. Còn bây giờ, có đến 3 câu hỏi khác: Tôi có thể quay lại thành phố? Tôi sẽ về và không quay lại? Và tôi có thể ở lại để có cơ hội về quê trong tương lai?

Dẫu như thế nào thì hãy xem đấy là lựa chọn của mình mà không trách móc đổ lỗi cho ai. Câu chuyện của mỗi chúng ta trong năm 2021 này có thể thấy ở khắp nơi trên thế giới và do đó không phải là câu chuyện cá biệt để chúng ta phải dằn vặt chê trách bản thân.

Với ai những ngày này được về, ngồi trên xe hay máy bay, nút tai nghe Đi về nhà hay Mang tiền về cho mẹ của Đen Vâu, cũng có thể được coi là đang hiểu thế nào là định nghĩa của từ hạnh phúc. 

Hãy tận hưởng hạnh phúc đấy một cách trọn vẹn để chuẩn bị cho một tương lai tiếp theo. Tương lai mà ở đó mỗi người đều cần có thêm năng lượng, thêm những điều mới mẻ, để sau chừng đấy gian khó, mất mát, còn tiếp tục được, và vẫn có thể bước đi xa.

Xin được trích một đoạn thơ của thi sĩ Bùi Giáng để kết thúc bài viết cuối năm như một lời nhắn nhủ đến những ai đang được và không được về quê năm nay.

Hỏi rằng: người ở quê đâu

Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà

Hỏi rằng: từ bước chân ra

Vì sao thấy gió dàn xa dặm dài

Thưa rằng: nói nữa là sai

Mùa xuân đương đợi bước ai đi vào.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận