27/02/2016 11:44 GMT+7

Dứt điểm chuyện “xìu xìu” ​thực thi công vụ

DƯƠNG NGỌC HÀ ghi (duongngocha@tuoitre.com.vn)
DƯƠNG NGỌC HÀ ghi (duongngocha@tuoitre.com.vn)

TT - Thúc đẩy thực thi công vụ ra sao? Theo phân tích của các chuyên gia và người dân, để thúc đẩy thực thi công vụ cần phải tăng cường sự giám sát của lãnh đạo ...

Đường Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM đã được thông thoáng sau khi Sở GTVT TP.HCM lắp biển cấm xe khách dừng đỗ  - Ảnh: Hoài Linh
Đường Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM đã được thông thoáng sau khi Sở GTVT TP.HCM lắp biển cấm xe khách dừng đỗ - Ảnh: Hoài Linh

Theo phân tích của các chuyên gia và người dân, để thúc đẩy thực thi công vụ cần phải tăng cường sự giám sát của lãnh đạo và xử lý nghiêm những cán bộ và công chức làm không xong, làm chưa hết trách nhiệm.

* Ông Nguyễn Trung Thông (nguyên phó Ban chỉ đạo cải cách hành chính TP.HCM):

Chưa tròn trách nhiệm công vụ

Việc xử lý nhiều chuyện sát sườn với người dân không phải để đến lãnh đạo TP chỉ đạo mà là trách nhiệm của các sở, ngành chuyên môn, trực tiếp là giám đốc sở.

Nếu các công chức làm không được, không hết trách nhiệm, không đến nơi đến chốn thì giám đốc sở phải kiểm tra, chỉ đạo làm cho rốt ráo. Ở đây cán bộ thiếu trách nhiệm, giám đốc sở thiếu kiểm tra giám sát nên phải chờ đến lãnh đạo TP chỉ đạo rồi mới làm là chưa làm tròn trách nhiệm công vụ.

Cần phải quyết liệt: nếu ngành nào, địa phương nào làm không được thì cách chức người đứng đầu; công chức chỗ nào làm không xong, chưa hết trách nhiệm thì thay người để người khác làm cho chạy việc.

Có như vậy thì người dân mới tích cực sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển. Cần tránh tình trạng kiểm điểm trách nhiệm chung chung rồi việc vẫn trì trệ, phải làm thật mạnh, tránh vuốt ve nhau theo kiểu “còn một vài tồn tại cần rút kinh nghiệm” nhưng tồn tại ở đâu thì không ai chỉ được. Cuối cùng là người dân chịu cả.

Thật ra, trong chỉ đạo “tăng cường kiểm tra” của các lãnh đạo đã hàm ý chỉ đạo những người đứng đầu ngành phải đi kiểm tra, giám sát chặt hơn nữa (không ngoại trừ việc phải vi hành) để công việc hiệu quả hơn. Phải có nhiều giám đốc như ông giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai thì nền hành chính của ta mới hết tình trạng “lềnh lềnh”, “xìu xìu”.

* Ông Diệp Văn Sơn (chuyên viên cao cấp):

Tăng cường khâu giám sát

Lãnh đạo có bốn trách nhiệm chính: đề ra kế hoạch, quyết định, tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát. Xưa nay, phần lớn các lãnh đạo chỉ mới làm tốt ba trách nhiệm đầu, khâu kiểm tra giám sát còn yếu, chưa làm tròn.

Việc lãnh đạo phải dùng giải pháp “mật phục”, như giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai, để kiểm tra cấp dưới của mình không phải là giải pháp của một nền hành chính hiện đại, nhưng trong bối cảnh của nước ta, khi mà niềm tin của cấp trên với cấp dưới mất đi thì phải dùng giải pháp này.

Trong hệ thống Nhà nước của ta bị bệnh thành tích níu kéo và các báo cáo đẹp của cấp dưới như một “liều thuốc an thần” cho các cơ quan quản lý cấp trên. Nhiều lãnh đạo địa phương, bộ ngành tránh né báo chí, bao che nhau vì thành tích chung của đơn vị.

Qua kiểm tra mà có phát hiện vụ việc thì một số nơi cũng “giơ cao đánh khẽ”, không xử lý được bởi những mối quan hệ “dây mơ rễ má” chằng chịt với nhau, quan hệ “con anh, con tôi, con cháu chúng ta”, cách xử lý duy tình hơn là duy lý.

Trong nền hành chính thiếu kỷ cương như thế thì việc kiểm tra giám sát phải đưa lên hàng đầu, chỗ nào lơ là kiểm tra giám sát thì “rờ tới đâu có chuyện tới đó”. Như chuyện Sở Nội vụ Hà Nội kiểm tra công vụ đột xuất nhiều cơ quan đã phát hiện ra nhiều sai phạm.

Việc kiểm tra là một kênh để các lãnh đạo tiếp nhận thông tin mà còn là một thông điệp rằng lãnh đạo luôn sâu sát chứ không lơ là. Bên cạnh đó, cần phải huy động giám sát của nhân dân, tôn trọng và lắng nghe những phản ảnh của dân.

Qua những câu chuyện này, một điều lộ ra nữa là sức ì của bộ máy quá lớn. Cán bộ công chức không thấy động lực trong việc thực thi công vụ. Họ chưa kịp “chuyển” được tư thế từ nền hành chính cai trị sang hành chính phục vụ (từ tư tưởng, nhận thức đến hành động).

Việt Nam chưa thấy xuất hiện chủ tịch “cam”, bí thư “bưởi” (lo bán cam, bán bưởi cho dân), còn quá ít những người như ông Nguyễn Sự (nguyên bí thư Thành ủy Hội An, Quảng Nam).

DƯƠNG NGỌC HÀ ghi (duongngocha@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên