09/06/2020 11:26 GMT+7

EVFTA: Việt Nam muốn sớm thực hiện 'cơ hội vàng'

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Ngày 8-6, Quốc hội đã chính thức thông qua Hiệp định Thương mại đầu tư Việt Nam - châu Âu (EVFTA) với 100% phiếu tán thành, mở ra cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân tiếp cận thị trường 18.000 tỉ USD.

EVFTA: Việt Nam muốn sớm thực hiện cơ hội vàng - Ảnh 1.

Chế biến nông sản tại một doanh nghiệp hiện đang xuất khẩu đi châu Âu - Ảnh: T.MẠNH

Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa hai bên cũng được tất cả đại biểu tham gia biểu quyết bấm nút tán thành. Trong lúc đại sứ EU tại Việt Nam coi đây là "cơ hội vàng", Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được đại biểu Quốc hội nhắc tới như một bài học cần lưu ý.

Phải hưởng lợi nhiều hơn CPTPP 

Là đại biểu đã bấm nút thông qua, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hoàng Văn Cường (đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội) bày tỏ vui mừng khi Quốc hội bấm nút thông qua và Chính phủ đã chuẩn bị một bản dự thảo kế hoạch hành động tận dụng hiệu quả hiệp định. 

Tuy nhiên, ông cho rằng bản kế hoạch này mới chỉ ra những hành động về truyền thông, về hoàn thiện thể chế, luật pháp và nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý. Tất cả những việc trên mới chỉ là tạo ra sân chơi hấp dẫn cho những người chơi là những doanh nghiệp có đủ năng lực.

Trong khi đó, nhắc lại việc 2 năm trước Quốc hội thông qua CPTPP, ông Cường cho rằng đã có nhiều kỳ vọng hàng hóa Việt Nam sẽ tràn vào các nước này. Nhưng sau một năm thực hiện đến nay, xuất khẩu của Việt Nam vào khối các nước CPTPP chỉ tăng 7,2%, trong khi xuất khẩu chung của cả nước tăng 8,4%, điều đó có nghĩa là chúng ta chưa được hưởng lợi gì nhiều từ hiệp định này.

Do đó, đại biểu này cho rằng Chính phủ cần xác định ngay những hàng hóa, sản phẩm nào của Việt Nam có khả năng tham gia xuất khẩu vào thị trường EU là sản phẩm thế mạnh, từ đó đánh giá ngay mức độ đáp ứng những yêu cầu, Chính phủ phải làm gì về mặt chính sách, về mặt thể chế để giúp cho các doanh nghiệp...

Theo bà Nguyễn Thu Trang - giám đốc Trung tâm WTO (Tổ chức Thương mại thế giới) và hội nhập, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), với rất nhiều doanh nghiệp, EVFTA có lợi ích cực lớn, đặc biệt là doanh nghiệp cần nhập máy móc thiết bị từ EU để làm đầu vào cho sản xuất ở Việt Nam. 

Cần làm thế nào để doanh nghiệp có thể hiểu được các quy tắc xuất xứ để đáp ứng, hưởng lợi từ giảm thuế của EU bởi đây là những quy tắc rất chi tiết, rất phức tạp, rất khó.

Thông tin về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng nhìn nhận nhiệm vụ lớn nhất trong hoạt động xuất nhập khẩu vào EU là xuất xứ hàng hóa. Hiện dự thảo thông tư về xuất xứ hàng hóa đã được hoàn thiện, lấy ý kiến và sớm thông qua.

Về xuất xứ hàng hóa trong EVFTA (Hiệp định Thương mại đầu tư Việt Nam - châu Âu) có điều khoản về cộng gộp đối với một số nước đã có FTA với EU như Hàn Quốc chẳng hạn, Bộ trưởng Tuấn Anh cho hay các nguyên phụ liệu của ngành dệt may là được cộng gộp vào để tính xuất xứ. 

Điều này không chỉ có lợi cho Việt Nam mà còn có lợi cho cả Hàn Quốc. Điều này giúp Việt Nam là giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên phụ liệu dệt may ở một số thị trường cụ thể.

VN muốn thực thi sớm nhất

Tại buổi điện đàm của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh với Cao ủy Thương mại EU Phil Hogan ngay sau khi Quốc hội bấm nút thông qua hiệp định, phía EU đã đánh giá cao sự kiện Quốc hội Việt Nam phê chuẩn hiệp định và coi đây là sự kiện có ý nghĩa "lịch sử" trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên. EU đề nghị đưa hiệp định vào thực thi từ ngày 1-8 tới đây như quy định trong hiệp định.

Phía Việt Nam đã đề nghị thúc đẩy việc thực thi EVFTA trong thời gian sớm nhất để hai bên có thể tận dụng các cơ hội, nhằm cải thiện tình hình kinh tế thương mại sau những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 thời gian qua. 

Cao ủy EU ghi nhận và hứa sẽ trao đổi thêm với các cơ quan chuyên môn và các nước thành viên nhưng cũng cho biết hoàn cảnh dịch bệnh ở EU vẫn tương đối khó khăn, ảnh hưởng ít nhiều đến công tác điều phối chung.

Theo đó, hai bên đã thống nhất thúc đẩy sớm triển khai dự án Hỗ trợ hội nhập khu vực ASEAN - hỗ trợ liên quan đến thương mại dành cho Việt Nam (ARISE + VN) nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tận dụng được những lợi ích từ hiệp định.

"Cơ hội vàng"...

Sau kết quả biểu quyết tại Quốc hội Việt Nam, Đại sứ EU tại Việt Nam Aliberti đã có cuộc họp báo, khẳng định EVFTA và EVIPA là "cơ hội vàng" cho Việt Nam và EU.

Theo ông Aliberti, với việc ký kết FTA cùng EU, Việt Nam đang có lợi thế rất lớn khi có thể tiếp cận thị trường như EU, nếu so sánh với các quốc gia/nền kinh tế khác có sự tương đồng trong khu vực.

"Người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các sản phẩm của EU với tiêu chuẩn cao, giá cả phải chăng hơn, và cũng có những giá trị lợi ích cho nhà sản xuất của VN khi họ có cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn tới một thị trường tiêu chuẩn cao, có sức mua lớn" - đại sứ EU tại VN nói.

Ông Aliberti cho rằng đầu tư sẽ đi sau thương mại. Khi có mối quan hệ thương mại mạnh mẽ, khi các nhà đầu tư nhìn thấy thương mại phát triển, họ sẽ cân nhắc đầu tư...

NHẬT ĐĂNG

EVFTA có hiệu lực ngay trong dịch COVID-19, Việt Nam cần làm gì? EVFTA có hiệu lực ngay trong dịch COVID-19, Việt Nam cần làm gì?

TTO - Các chuyên gia kỳ vọng EVFTA có thể đóng góp trung bình 0,1% vào tăng trưởng thực của GDP mỗi năm, dao động từ 0-0,3%, chỉ nhờ vào các tác động thương mại tích cực. Ngay trong dịch COVID-19, Việt Nam cần làm gì?

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên