17/04/2023 08:04 GMT+7

G7 thảo luận nhiều điểm nóng an ninh

Hôm 16-4, các nhà ngoại giao từ châu Âu và Bắc Mỹ đã tới thị trấn nghỉ dưỡng Karuizawa, tỉnh Nagano (Nhật Bản) cho cuộc gặp cấp ngoại trưởng G7 kéo dài tới ngày 18-4.

Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa (trái) đón Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (giữa) dự hội nghị ngoại trưởng G7 - Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa (trái) đón Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (giữa) dự hội nghị ngoại trưởng G7 - Ảnh: Reuters

G7 là tên gọi một nhóm không chính thức gồm bảy quốc gia có nền kinh tế phát triển: Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Canada, Ý và Nhật Bản. Đại diện của Liên minh châu Âu (EU) cũng tham gia chương trình nghị sự của G7.

Trung Quốc, Triều Tiên là trọng tâm

Là cuộc họp ngoại trưởng, sự kiện tại Karuizawa sẽ tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và an ninh của G7, với các thảo luận tập trung vào những cuộc khủng hoảng nan giải nhất toàn cầu lúc này: an ninh ở cả châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ngoài ra, sau khi Triều Tiên liên tục thử nghiệm tên lửa, dự kiến cuộc họp ngoại trưởng G7 lần này cũng bao gồm nỗ lực đưa Bình Nhưỡng quay lại bàn đàm phán về chương trình hạt nhân, theo Hãng tin AP.

Theo lịch, đại diện các thành viên G7 đã có bữa tối thảo luận công việc vào ngày 16-4 với trọng tâm là các vấn đề liên quan Trung Quốc và Triều Tiên.

Thời gian gần đây, Trung Quốc đã tăng cường các đợt tập trận cũng như hiện diện quân sự quanh đảo Đài Loan. Chi tiết này làm tăng thêm lo ngại về sự quyết đoán và quá trình quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực nhiều năm qua. Dự kiến sẽ có các thảo luận đánh giá về tình hình an ninh của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Biển Đông nói riêng.

Điểm cần thảo luận nhất sẽ nằm ở cách tiếp cận với Trung Quốc, vì việc này cũng liên quan tới điểm nóng lớn còn lại: tình hình Ukraine.

Trung Quốc được xem là nhân tố có sức ảnh hưởng trong nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho Ukraine. Tuy nhiên, nhiều nước lo ngại Bắc Kinh khó giữ được sự trung lập khi mối quan hệ Nga - Trung vừa chứng kiến tín hiệu tích cực sau chuyến đi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nga.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida tuyên bố sẽ làm mọi thứ có thể nhằm đảm bảo an ninh cho lãnh đạo và bộ trưởng cấp cao các nước G7.

Vấn đề an ninh trở thành nỗi lo lớn ở Nhật sau khi chính ông Kishida vừa phải cắt bỏ bài phát biểu vận động bầu cử ở tỉnh Wakayama, vùng Kansai, ở nước này vào hôm 15-4.

Ông Kishida vô sự và thiết bị nổ được biết chỉ là quả bom khói. Tuy nhiên, câu chuyện trở nên đặc biệt nhạy cảm sau khi cựu thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo qua đời do một cuộc ám sát cũng ở nơi công cộng vào tháng 7 năm ngoái.

Khôi phục lòng tin

Xuất phát với việc thảo luận các giải pháp tiềm năng tập trung vào vấn đề kinh tế và tài chính toàn cầu, G7 đã mở rộng sang lĩnh vực chính trị từ những năm 1980.

Đã có giai đoạn (1997 - 2014) nhóm này có tên G8, nhưng Nga đã bị gạch tên sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea. Điều này phần nào phản ánh thực tế G7 là cuộc chơi của những quốc gia đồng chí hướng.

Tuy nhiên, tính "đồng chí hướng" này không ít lần gặp thử thách. Việc chọn được cách tiếp cận phù hợp với Trung Quốc và câu chuyện Ukraine là ví dụ điển hình.

Một diễn biến thời sự khác có thể mô tả thách thức của G7 năm nay là lời giải thích của Mỹ cho sự kiện hàng loạt tài liệu mật bị rò rỉ thời gian qua.

Theo Hãng tin AP, ba ngày họp ở Karuizawa là "bài kiểm tra thực sự đầu tiên" cho chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, những người nhận định rằng vụ rò rỉ tài liệu mật trên chỉ gây thiệt hại nhỏ.

Các nước sẽ mong muốn một lời giải thích thỏa đáng cho quan điểm của Mỹ về đồng minh và đối tác, đồng thời có hay không chuyện Mỹ âm thầm do thám đồng minh.

Đây cũng là dịp để Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken giải quyết các vấn đề đã nêu trong sự kiện họp mặt lớn đầu tiên từ lúc xuất hiện thông tin về tài liệu rò rỉ. Trong thời gian thăm Việt Nam hôm 15-4, ông Blinken đã nói rằng bản thân "chưa nghe các đồng minh bày tỏ lo ngại".

Tương tự, Pháp vừa gây tranh cãi khi Tổng thống Emmanuel Macron có phát biểu gây tranh cãi về Đài Loan.

Ông kêu gọi châu Âu phải có lập trường độc lập về Đài Loan, thay vì là những người nối gót Mỹ hay Trung Quốc. Phát biểu này được Trung Quốc tán đồng, trong khi Mỹ và chính quyền Đài Loan phản ứng.

Việc xác định một cách tiếp cận chung sẽ là thách thức tại cuộc họp ngoại trưởng lần này, đặc biệt với một số tín hiệu độc lập trong chính sách đối ngoại của Pháp và một số nước châu Âu.

Ngoại trưởng Mỹ khen thức ăn Việt quá ngonNgoại trưởng Mỹ khen thức ăn Việt quá ngon

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã rời Hà Nội sáng 16-4. Ông gửi lời cảm ơn Việt Nam và không quên nhắc đến những món ăn Việt "quá ngon".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên