01/12/2012 05:05 GMT+7

"Gà" cùng mẹ gườm nhau

THÁI BÌNH
THÁI BÌNH

TT - Có những đứa trẻ sống chung dưới một mái nhà lại ngấm ngầm cạnh tranh và ghen tị nhau, nhất là khi “gà con” cùng giới tính và độ tuổi sàn sàn nhau.

jQ5QX4TQ.jpgPhóng to

Nếu người lớn không khéo xử, cuộc “đấu” ấy có khi kéo dài nhiều năm với hậu quả khó lường.

Ghen tị với “gà em”

Bé gái Susu (ba tuổi rưỡi, ở Q.5, TP.HCM) được ba mẹ đưa đến gặp chuyên viên trị liệu tâm lý do có nhiều biểu hiện bất thường. Ba mẹ bé kể: “Con bé bướng không chịu nổi, muốn gì không nói mà cứ la hét chói lói, làm gì sai bị la rầy thì giả bộ không nghe”.

Chưa hết, hễ thấy em chơi gì là Susu giành lấy, khi đi ngủ giành ba mẹ với em, nhiều lúc tự đánh vào mặt mình. Điều đáng chú ý là những biểu hiện này chỉ bắt đầu từ lúc mẹ sinh em gái (khi Susu 16 tháng tuổi) và giờ càng tệ hơn.

Theo lời ba mẹ của Susu, ban đầu họ khuyên nhủ, giải thích nhưng do bé không nghe nên họ bắt đầu la mắng và có khi còn đánh bé. Họ bắt buộc bé xin lỗi em nhưng bé nhất định không chịu xin lỗi đến khi bị đánh đòn. Và khi bị dọa dẫm “hư quá ba mẹ sẽ thương em hơn!” thì Susu dịu lại, nhưng cũng có lúc la khóc dữ dội hơn. Qua quan sát hành vi của bé và lắng nghe thông tin từ cha mẹ, chuyên viên tâm lý kết luận bé bị “bệnh” ghen tị với em.

Chào đón “món quà”

Một trong những lý do quan trọng để cha mẹ quyết định sinh thêm con chính là vì muốn con cái có bạn chơi (lúc nhỏ), bạn bè (lớn hơn) và bạn đồng hành trên suốt đường đời. ThS Trần Thị Ái Liên cho rằng cha mẹ cần nói rõ điều đó để trẻ hiểu em của mình chính là món quà quý giá cha mẹ tặng cho.

Chưa hết, cha mẹ cần cho trẻ biết “món quà” đó không phải luôn tuyệt vời mà lắm khi còn rất “đáng ghét” như giành đồ chơi, giành ba mẹ, hung dữ... “Biết trước những chuyện sắp xảy đến sẽ giúp trẻ đón nhận êm ả hơn” - bà Liên phân tích.

Người lớn cần cho trẻ biết cha mẹ sẽ tập trung lo cho em nhưng không phải là bỏ rơi đứa lớn hơn. Thường hễ thấy mẹ “bầu bí” là người lớn lại dọa dẫm mai mốt trẻ sẽ bị “cho ra rìa” khiến trẻ nghĩ rằng em nó là mối đe dọa trong nay mai. Đến khi em chào đời, thấy ba mẹ ùa vào lo cho em, trẻ sẽ “ngấm đòn” với những lời dọa dẫm ấy và có khi tấn công em.

Một cách dễ làm khác là cha mẹ cho trẻ tham gia quá trình thai giáo. Theo ThS Phạm Thị Thúy, hằng ngày cha mẹ có thể cùng trẻ trò chuyện, hát hò, áp tai vào bụng mẹ nghe em quẫy đạp. Cha mẹ nên làm “thông dịch viên” để trẻ và em bé trong bụng nói chuyện với nhau. “Được tham gia đi mua sắm cho em bé khiến trẻ thăng hoa cảm xúc háo hức chờ đón đứa em sắp chào đời” - bà Thúy nói. Ngoài ra, khi em bé còn nhỏ, cha mẹ có thể nhờ trẻ một số việc như: hát ru em ngủ, chơi đùa với em, cùng mẹ cho em ăn, dỗ dành khi em khóc...

“Công bằng” và “đặc biệt”

Ý kiến một số chuyên gia giáo dục cũng khẳng định việc hai đứa trẻ cạnh tranh, ghen tị nhau trong quá trình sống chung, nhất là khi cùng giới tính hoặc sàn sàn tuổi nhau, gần như là chuyện đương nhiên. Ngoài ra, như chia sẻ của ThS Phạm Phương Thảo (Trường ĐH Y dược TP.HCM), cha mẹ lắm khi gây ra sự ghen tị giữa các con do cư xử không cân bằng. Không ít cha mẹ tập trung lo cho bé sơ sinh, đứa con bị thiệt thòi... khiến đứa còn lại chạnh lòng và cảm thấy như “mất tất cả”.

Nhiều cha mẹ buộc đứa lớn phải nhường nhịn em dù bản thân cũng chỉ là đứa trẻ lớn hơn em một, hai tuổi. Có cha mẹ ưu ái đứa con thông minh, lanh lợi hơn đứa con “lù khù”. Tệ hơn nữa, họ thường xuyên so sánh giữa các con khiến những trẻ “bị chê” sẽ phản ứng tiêu cực (lầm lì, sống khép kín, đánh em...) do ghen tị, sau này trưởng thành có thể có những nhận thức tự ti về bản thân. Do đó, bà Thảo lưu ý: “Cha mẹ cần thường xuyên nhìn lại cách giao tiếp ứng xử với con cái, chú ý cảm xúc của chúng để kịp thời điều chỉnh”.

Hơn thế, cha mẹ nên khuyến khích trẻ nói lên cảm xúc ghen tị để con trẻ nhẹ lòng, từ đó tìm ra nguyên nhân và giải pháp phù hợp. Theo bà Thảo, cha mẹ có thể dùng tình thương và sự quan tâm, “món ăn” tinh thần vô giá của trẻ, để bù đắp cách cư xử thiếu công bằng trước đó của mình.

Bà gợi ý cha mẹ dành thời gian riêng tư cho từng đứa con để chúng cảm thấy mình “đặc biệt” và cảm nhận cha mẹ thuộc về mình. Ở nhà, con cái cần được khuyến khích sống thuận hòa với nhau, bản thân cha mẹ cũng là gương tốt sống hòa thuận để các con soi mình.

THÁI BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên