13/02/2022 09:07 GMT+7

Gặp rắc rối vì mua phải một mảnh đất có 2 sổ đỏ

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Câu chuyện hy hữu trên xảy ra tại quận Tân Phú, TP.HCM. Năm 2017, bà Hoàng Thị Thu Nga mua đất của vợ chồng ông Phan Văn Dị Em và được UBND quận Tân Phú cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Gặp rắc rối vì mua phải một mảnh đất có 2 sổ đỏ - Ảnh 1.

Bà Nga bức xúc kể lại câu chuyện của mình - Ảnh: TUYẾT MAI

Tuy nhiên, một năm sau bà Nga "tá hỏa" phát hiện mảnh đất này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một người khác trước đó. Sự việc đã gây ra nhiều tranh cãi về trách nhiệm bồi thường thuộc về ai.

Một mảnh đất có hai "sổ đỏ"

Theo nội dung vụ án, tháng 5-2017 bà Nga mua mảnh đất có diện tích 70,5m2 của vợ chồng ông Phan Văn Dị Em, bà Lưu Nguyễn Song Thương với giá hơn 1,8 tỉ đồng và đã được cập nhật sang tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Sau khi mua đất, bà Nga để trống. Đến tháng 3-2018, bà đến thăm đất thì phát hiện bà Nguyễn Thị Hoa xây dựng trên đất, tìm hiểu thì biết bà Hoa đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất nêu trên.

Bà Nga khiếu nại đến UBND quận Tân Phú, UBND quận Tân Phú có kết luận thanh tra số 428 ngày 18-9-2018 xác định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông Em là sai.

Theo kết luận thanh tra, nguồn gốc phần đất tranh chấp thuộc 3 thửa đất mà bà Nguyễn Thị Đêm (mẹ của ông Em) quản lý. Năm 1999, bà Đêm lập ủy quyền giấy tay cho ông Em 3.500m2 đất. Sau đó, bà Đêm lại cùng con dâu cắt một phần đất bán giấy tay cho bà Hồ Bích Thủy.

Mảnh đất được bán qua nhiều người, đến năm 2011 thì ông Trần Chu Toàn được UBND quận Tân Phú cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Năm 2012, vợ chồng ông Toàn đã chuyển nhượng mảnh đất cho bà Nguyễn Thị Hoa và sau đó bà Hoa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, cùng thửa đất này, năm 2017 ông Em tiếp tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được UBND quận Tân Phú cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi bán lại cho bà Nga.

Tại buổi hòa giải do UBND phường Tây Thạnh (quận Tân Phú) tổ chức, bà Nga yêu cầu ông Em bồi thường 4,9 tỉ đồng nhưng ông Em mới tạm ứng cho bà 2 tỉ đồng, đến nay không bồi thường thêm bất kỳ khoản nào nữa.

Theo chứng thư thẩm định giá của Công ty cổ phần đầu tư và thẩm định giá Tiên Phong, quyền sử dụng đất nêu trên là hơn 4,6 tỉ đồng.

Năm 2019, bà Nga khởi kiện vợ chồng ông Em và UBND quận Tân Phú ra tòa, yêu cầu tòa án tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên đồng thời yêu cầu vợ chồng ông Em và UBND quận Tân Phú liên đới bồi thường cho bà thêm 2,6 tỉ đồng.

Ai phải bồi thường?

Xét xử sơ thẩm, TAND TP.HCM cho rằng cùng một thửa đất ông Em đã chuyển nhượng cho người khác, sau này lại tiếp tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển nhượng cho bà Nga là vi phạm điều cấm của pháp luật. Lỗi làm cho hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên hoàn toàn thuộc về phía ông Em.

UBND quận Tân Phú đã có những sai phạm trong quy trình xác minh thực tế nhập tọa độ, nhập ranh, kiểm duyệt bản vẽ hiện trạng... nên không phát hiện thửa đất trên trùng ranh hoàn toàn với thửa đất trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà Hoa. Việc UBND quận Tân Phú cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Em là trái pháp luật.

Tuy nhiên, về trách nhiệm bồi thường, tòa án cho rằng ngày 3-12-2016 bà Nga và ông Em ký giấy đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tại thời điểm đặt cọc, phần đất này chưa có giấy chứng nhận, giao dịch này xảy ra trước khi có hành vi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật của UBND quận Tân Phú.

Toàn bộ số tiền đặt cọc cũng như tiền chuyển nhượng đất của bà Nga đều giao cho phía ông Em. Hành vi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phát sinh từ yêu cầu của ông Em và thiệt hại chỉ phát sinh khi ông Em ký hợp đồng chuyển nhượng với bà Nga, ủy ban không liên quan gì đến giao dịch này.

Lỗi làm cho hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất nêu trên vô hiệu hoàn toàn do vợ chồng ông Em gây ra, nên vợ chồng ông Em phải chịu trách nhiệm toàn bộ các thiệt hại phát sinh từ giao dịch này.

Phía ủy ban không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh từ giao dịch. Từ đó, tòa tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Nga và ông Em vô hiệu, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đất đã cấp cho bà Nga. Vợ chồng ông Em phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho bà Nga 2,6 tỉ đồng. Không đồng ý, bà Nga kháng cáo.

Luật sư Trương Nguyễn Công Nhân (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng trường hợp này UBND quận phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho người dân.

Bởi ngày 18-9-2018 Thanh tra quận Tân Phú ban hành kết luận thanh tra số 428 về việc cùng một thửa đất cấp hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hai người khác nhau.

Ngoài việc kết luận lỗi một phần do ông Phạm Văn Dị Em thì kết luận cũng chỉ ra từng hành vi vi phạm cụ thể của từng tổ chức, cá nhân có liên quan thuộc UBND quận Tân Phú trực tiếp quản lý.

Đây được xem là văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường quy định tại khoản 5 điều 3 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Các tổ chức, cá nhân gây ra sai phạm tại thời điểm ban hành kết luận thanh tra đều công tác tại UBND phường Tây Thạnh, Phòng tài nguyên quận và chi nhánh Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận đều do UBND quận Tân Phú trực tiếp quản lý.

Theo khoản 3 điều 33 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì UBND cấp huyện là cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của mình.

Luật sư Nhân cho rằng việc đặt cọc chỉ là việc bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Việc thực hiện tiếp theo (công chứng hợp đồng chuyển nhượng) phụ thuộc vào điều kiện cần và đủ của ông Em theo luật định.

Thực tế, sau khi nhận cọc từ bà Nga, ông Em mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được quyền chuyển nhượng thửa đất theo luật định. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng chính là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại cho bà Nga (tiếp tục giao tiền cho ông Em theo hợp đồng công chứng).

Nếu ngay từ đầu, cơ quan có thẩm quyền xác định chính xác và không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Em thì việc chuyển nhượng thực tế đã không diễn ra, thiệt hại cũng chỉ dừng lại ở số tiền đặt cọc giữa ông Em và bà Nga.

4 năm lận đận vì đất

Bà Nga cho biết bà mua mảnh đất này từ tiền dành dụm, tích góp nhiều năm, mượn gia đình và vay nợ ngân hàng.

"Cứ nghĩ rằng mua đất đã có sổ được an tâm nhưng không ngờ vẫn "tiền mất tật mang". Nếu đất không được sổ thì tôi đã không mua. 4 năm qua, dù không có lỗi gì nhưng tôi mất ăn mất ngủ, kiện thưa đòi quyền lợi cho chính mình" - bà Nga nói.

Một mảnh đất bán cho 2 người do... không biết

Tại tòa, ông Em cho rằng vào năm 2003 ông đi làm ăn xa, do kinh tế gia đình khó khăn nên vợ ông đã ký tên ông trong giấy sang nhượng đất cho bà Thủy. Ông không biết việc mẹ và vợ ông bán đất cho người khác.

Tuy nhiên, đến năm 2017, ông Em và vợ vẫn đến văn phòng công chứng Tô Khắc Việt để ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà Nga.

Bà Nga đã làm đơn tố giác ông Em và bà Thương về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tố giác cán bộ UBND quận Tân Phú thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Tân phú đã quyết định không khởi tố vụ án hình sự vì cho rằng không có sự việc phạm tội.

Vô tư rao bán sổ đỏ giả Vô tư rao bán sổ đỏ giả

TTO - Chỉ cần lên mạng vào trang web rao bán 'sổ đỏ' giả liên hệ là có người chào hàng, bao làm ra sổ nhanh chóng. Họ còn khoe làm được ở tất cả các địa phương, thủ tục nhanh gọn và... y như thật, đảm bảo chuẩn... từng centimet.

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: mua đất sổ đỏ