21/04/2019 13:18 GMT+7

Ghi nhớ sự hi sinh của thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn

TẤN LỰC
TẤN LỰC

TTO - Hơn 300 cựu thanh niên xung phong Ban xây dựng 67, Đoàn 559 đã tề tựu về Đà Nẵng trong buổi lễ kỷ niệm 60 năm mở đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh đầy xúc động, ngày 21-4.

Ghi nhớ sự hi sinh của thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn - Ảnh 1.

Những nam nữ cựu thanh niên xung phong trình bày ca khúc về đường Trường Sơn tại buổi kỷ niệm - Ảnh: TẤN LỰC

Tại buổi lễ kỷ niệm, những bài hát, hồi ức và kỷ niệm về một thời hoa lửa hào hùng mà anh dũng đã được hát, được kể bởi những cựu thanh niên xung phong năm nào.

Hiến dâng thanh xuân cho huyết mạch Nam - Bắc

Trong hội trường, với những mái đầu đã bạc cùng kỷ niệm 60 năm mở đường Trường Sơn (đường mòn Hồ Chí Minh), ông Vũ Trọng Kim - chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam - nói đó là con đường mà hàng triệu đồng bào, đồng chí đã góp công xây dựng và hi sinh anh dũng để đảm bảo mạch giao thông, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Nhiều người có mặt tại đây đã dành trọn tuổi thanh xuân của mình để cống hiến.

Với phương châm bí mật "Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng", đoàn công tác đặc biệt chịu trách nhiệm mở đường Trường Sơn là Đoàn 559 đã mở ra con đường huyết mạch khơi thông Nam - Bắc .

"Trong 16 năm, hệ thống đường Trường Sơn đã vận chuyển hơn 1 triệu tấn hàng và vũ khí. Bảo đảm chỉ huy hành quân cho hơn 2 triệu lượt người vào ra chiến trường. Vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn và hộ tống 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào chiến trường" - ông Vũ Trọng Kim chia sẻ.

Nhắc nhớ những hi sinh

Ghi nhớ sự hi sinh của thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn - Ảnh 2.

Những cựu nữ thanh niên xung phong hòa nhịp theo tiếng hát những bài ca đi cùng năm tháng - Ảnh: TẤN LỰC

Trong vô vàn hi sinh cho tuyến đường cứu nước, có những hi sinh đã trở thành bất tử như sự kiện hang 8 cô, ngã ba Đồng Lộc, đường 20 Quyết Thắng, Truông Bồn, đèo Phu Lai Nhích, cua chữ A, ngầm Ta Lê, cổng trời, Đồi 37, Hàm Rồng, phà Xuân Sơn, phà Long Đại.

Cựu thanh niên xung phong đường 20 Quyết Thắng Nguyễn Thị Tiến, nay đã 73 tuổi, bật khóc nức nở khi nghe đồng đội hát vang bài Cô gái mở đường.

Bà Tiến quê Hà Nam, được phiên về C5, đội 25, Ban 67, tham gia mở đường 20 Quyết Thắng -tiền thân con đường di sản nối Phong Nha, Kẻ Bàng (Quảng Bình) đến km82 - km83 nối sang đất Lào từ những ngày đầu tiên.

Trên con đường này, những trọng điểm ác liệt như cua chữ A, đèo Phu Lai Nhích, ngầm Ta Lê thường xuyên bị máy bay địch quần thảo ném bom đánh phá.

Ghi nhớ sự hi sinh của thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn - Ảnh 3.

Cựu thanh niên xung phong mở đường Hồ Chí Minh hát bài Cô gái mở đường - Ảnh: TẤN LỰC

"Giao đoạn từ năm 1967 đến 1969 là thời kỳ ác liệt nhất đối với anh chị em thanh niên xung phong trên đường 20 Quyết Thắng. Trên các cao điểm cua chữ A, đèo Phu Lai Nhích, những thanh niên xung phong chúng tôi ngày đêm chốt giữ bảo vệ trận địa, san lấp mặt đường cho người và xe bộ đội ta ra Bắc vào Nam.

Xe đến là máy bay địch đánh bom xối xả. Xe vừa qua, thanh niên xung phong đổ ra san lấp đường, chưa xong máy bay địch lại kéo đến ném bom. Chứng kiến đồng đội thân quen người chết mất xác, người bị vùi lấp mất tích, hi sinh nhiều không biết bao nhiêu mà kể xiết, đau đớn lắm!" - bà Tiến nghẹn ngào kể.

Tổng cộng trong giai đoạn từ năm 1965 đến 1972, địch đã thực hiện khoảng 733.000 chuyến bay, đánh phá 152.000 trận, ném xuống tuyến đường Trường Sơn gần 4 triệu tấn bom đạn.

Hơn 20.000 bộ đội và thanh niên xung phong, công nhân giao thông đã hi sinh và 30.000 người bị thương trên con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, góp công đầu vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

duong truong son 07

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ chia sẻ tại buổi kỷ niệm - Ảnh: TẤN LỰC

Ghi nhớ sự hi sinh của thanh niên xung phong

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - phó chủ tịch Quốc hội - khẳng định thanh niên xung phong là lực lượng quan trọng, có nhiều đóng góp trong công cuộc kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc. Hàng chục ngàn cán bộ đã hi sinh và bị thương, hàng vạn người bị phơi nhiễm chất độc da cam.

"Đảng, Nhà nước, Quốc hội đánh giá cao và luôn ghi nhớ sự hi sinh của lực lượng thanh niên xung phong trong công cuộc xây dựng đất nước. Chính sách đối với người có công, thanh niên xung phong luôn được quan tâm xây dựng. Đời sống người có công từng bước được cải thiện và đi vào ổn định.

Trong thời gian qua, Ban xây dựng 67, Đoàn 559 đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương, tôi xin thay mặt Quốc hội ghi nhận, biểu dương và chia vui với những kết quả mà đơn vị đã đạt được" - đại tướng chia sẻ.

Đường 559 - Những ngày đầu tiên (tiếp theo) Đường 559 - Những ngày đầu tiên (tiếp theo)

TTO - Một sự trùng lặp ngẫu nhiên nhưng đầy ý nghĩa: ngày đoàn chúng tôi chính thức nhận nhiệm vụ cũng là kỷ niệm ngày sinh lần thứ 69 của Bác Hồ. Với tất cả lòng kính yêu Bác và bằng sự nhạy cảm đặc biệt, chúng tôi thống nhất đề nghị được lấy ngày 19-5-1959 làm ngày truyền thống của đoàn và đoàn công tác quân sự đặc biệt được lấy tên là Đoàn 559.

TẤN LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên