09/10/2009 04:02 GMT+7

Giả danh cán bộ

MINH TÂM
MINH TÂM

TT - Hiện nay chuyện tranh chấp đất đai, nhà cửa rất nhiều, đi đường khiếu nại, thưa kiện chính thức thì rắc rối, nhiêu khê, chẳng biết bao giờ mới có kết quả. Nắm được tình trạng này, nhiều kẻ đã giả danh cán bộ để lừa đảo.

Câu chuyện pháp luật

Giả danh cán bộ

TT - Hiện nay chuyện tranh chấp đất đai, nhà cửa rất nhiều, đi đường khiếu nại, thưa kiện chính thức thì rắc rối, nhiêu khê, chẳng biết bao giờ mới có kết quả. Nắm được tình trạng này, nhiều kẻ đã giả danh cán bộ để lừa đảo.

ImageView.aspx?ThumbnailID=367089

Cuối năm 2008, anh Huỳnh Anh Châu đến trụ sở tiếp dân của Văn phòng Chính phủ tại TP.HCM để khiếu nại về đất đai. Tại cổng văn phòng, anh Châu gặp một người đàn ông xưng tên Chương Văn Năm, là cán bộ của Văn phòng Chính phủ. “Ông Năm” hứa sẽ giải quyết nhanh gọn vụ việc với điều kiện anh Châu đưa vài triệu đồng để trà nước với cấp trên.

Nghe “ông Năm” phân tích một cách rõ ràng, bài bản nên anh Châu tin thật, tức tốc về vay ngân hàng 8 triệu đồng. Bà Trần Thị Sao có 5 công ruộng, thấy cứ tới lui thưa kiện tốn tiền bạc, thời gian nên cũng chạy vạy mượn vay 13 triệu đồng cấp tốc đưa “ông Năm”. Anh Phạm Trọng Tài nghe mọi người đồn việc đất đai nếu nhờ “ông Năm” sẽ nhanh chóng làm xong nên chủ động đi gặp và cũng đã giao cho “ông Năm” 30 triệu đồng.

Lời hứa ngọt ngào

Trong thời gian chờ kết quả, anh Tài giới thiệu “ông Năm” với anh Trần Công Vân - người cũng đang lo chuyện kiện tụng giống như mình. Tuy nhiên, khi cả hai đến trụ sở tiếp dân của Văn phòng Chính phủ tại TP.HCM để anh Vân trao cho “ông Năm” 10 triệu đồng như đã thỏa thuận thì những người làm việc tại đây trả lời không có ai tên Năm cả.

Đến khi liên lạc bằng điện thoại thì “ông Năm” nói mình phụ trách văn phòng tiếp dân ở TP Cần Thơ, đồng thời hẹn gặp hai người ở Vĩnh Long để nhận tiền. Trong lúc đang giao tiền thì Công an tỉnh Vĩnh Long ập đến lập biên bản...

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát TP Vĩnh Long tại phiên tòa sơ thẩm ngày 9-9-2009, Chương Văn Năm tên thật là Trương Cát Tô, trước đây từng làm ở cơ quan thuế. Tô đã lừa nhiều nông dân ở tỉnh Đồng Tháp bằng cách tiếp nhận đơn khiếu nại của họ và hứa sẽ giải quyết theo yêu cầu, với điều kiện phải đưa một số tiền để y quà cáp cho người có thẩm quyền. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Tô 2 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời bồi thường tiền cho các bị hại.

Bà Sao rưng rưng: “Số tiền đó tui phải đi vay mượn mới có được, giờ tòa xử hắn trả nhưng biết đến bao giờ hắn mới trả. Mỗi ngày tui phải đóng lãi cho người ta...”. Tuy nhiên dù gì bà Sao và những bị hại nói trên còn có cơ hội lấy lại tiền, còn một số trường hợp khác do không làm biên nhận khi giao tiền và bị cáo không thừa nhận nên tòa không có cơ sở để giải quyết.

Ông Huỳnh Văn Ngọc là một trường hợp như thế: “Tui là nông dân đâu biết gì, nghe hắn ta bảo sẽ giải quyết nên giao cho hắn 10 triệu đồng mà không làm giấy tờ gì cả. đó là toàn bộ số tiền mấy đứa con gom góp đưa cho tui, giờ bị mất sạch rồi”.

Mất tiền còn thêm tức

Anh N.H.D. buồn rầu vì chuyện tranh chấp ngôi nhà mặt phố. Đang định gửi đơn thưa thì tình cờ hôm đó trên xe đò anh chuyện vãn qua lại với người ngồi kế bên. Người này xưng tên Lê Thành Đạt, là cán bộ sở tài nguyên - môi trường, cho biết chuyên “chạy” những vụ kiện tụng về đất đai và lúc nào cũng thắng cả, chỉ cần đưa một số tiền để lót tay cho người phụ trách là hai tuần sau có kết quả.

Thấy anh D. còn hơi do dự, đắn đo, “ông Đạt” liền bảo nếu sợ cứ làm giấy tay rằng ông có nhận tiền. Nghĩ “ông Đạt” nói chuyện chắc nịch, vả lại có làm giấy tờ thì đâu có sợ, huống hồ tài sản của mình trị giá cả nửa tỉ đồng, bỏ ra có vài chục triệu thì cũng đáng, còn nếu chọn cách thưa gửi có khi thua kiện mất sạch. Nghĩ thế anh D. bằng lòng đưa cho “ông Đạt” 20 triệu đồng. Nhưng một tháng sau chẳng thấy tăm hơi “ông Đạt”, anh D. đến sở hỏi mới hay không có người nào tên Đạt cả. Biết mình bị lừa nhưng không biết làm sao kiện được.

Nửa năm sau đến nhà một người bạn tên A. chơi, tình cờ anh D. nghe bạn kể có một người làm cán bộ cao cấp hứa sẽ giải quyết giùm vụ tranh chấp nhà cửa, vài ngày tới bạn sẽ đưa trước người đó một mớ tiền. Anh D. liền bảo bạn tả hình dáng thì quả thật đúng y người đã lừa mình. Thế là cả hai đi trình báo công an. Đạt bị bắt khi đang nhận tiền...

Tại phiên tòa phúc thẩm TAND TP Cần Thơ, hội đồng xét xử đã tuyên bị cáo Lê Thành Giàu tức Lê Thành Đạt phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phạt 3 năm tù giam và bồi thường cho người bị hại. Bị cáo đã lừa đảo tổng cộng sáu người với số tiền chiếm đoạt trên trăm triệu đồng. Anh A. tâm sự: “Tôi may mắn hơn những người khác nhờ phát giác kịp thời, báo với công an nên không bị mất tiền”.

Qua hai vụ án trên cho thấy không nên cả tin, muốn kiện thưa thì phải tuân thủ thủ tục pháp lý, nếu không có thể tiền mất còn mang cục tức vào lòng.

MINH TÂM

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên