11/06/2013 18:16 GMT+7

Giá nhà ở xã hội sẽ không quá 12 triệu đồng/m2

L.THANH - L. HOÀI (lược ghi)
L.THANH - L. HOÀI (lược ghi)

TTO - Sau 11 ngày triển khai, chiều 11-6, tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã diễn ra buổi đối thoại trực tuyến về gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội.

ACzoUqAk.jpgPhóng to
Mô hình khu nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm, Hà Nội

Nội dung được tập trung đối thoại chủ yếu dành cho ngành xây dựng là làm thế nào để có nhà đảm bảo khả năng tài chính cho người dân.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định lại các dự án nhà ở xã hội ở Hà Nội bắt đầu triển khai với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sẽ có giá dưới 12 triệu đồng/m2.

Cụ thể, ông Nam cho biết dự án của HUD tại Tây Nam Linh Đàm, dự án nằm trong khu đô thị kiểu mẫu với hạ tầng cơ sở tốt như vậy nhưng giá dưới 12 triệu đồng/m2, giá nhà dự án của Viglacera tại Đặng Xá là 8,5 triệu đồng/m2, các dự án nhà ở xã hội ở Hưng Yên, Thái Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh đều có giá dưới 7 triệu đồng/m2.

"Tôi xin nhấn mạnh phải đáp ứng chất lượng như nhà ở thương mại, chỉ khác về chất lượng hoàn thiện còn yêu cầu kỹ thuật và an toàn thì không khác nhà ở thương mại. Tôi cho rằng với gia đình thu nhập quá thấp thì phải theo phương thức đi thuê, rồi tích lũy. Bất kỳ nước nào, kể cả nước phát triển cũng vậy." - Ông Nam nói.

Ông Nam cho biết: "Tôi vừa tiếp đoàn khách Viện phát triển Hàn Quốc, họ cũng khuyến cáo chúng ta có nhiều gói sản phẩm bất động sản khác nhau. Nhà nước cố gắng lo chỗ ở cho người dân, chứ không cố gắng lo sở hữu nhà cho người dân. Việc này chúng ta phải giải quyết trong hàng chục năm, chứ không phải trong một vài năm."

Sẽ có những căn chỉ 30m2

* Đa phần người dân đang có nhu cầu về nhà ở lo ngại sẽ khó có thể vay được nguồn vốn hỗ trợ này vì thu nhập của họ đều thấp hơn mức 8-9 triệu đồng/tháng. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

- Ông Nguyễn Trần Nam: Về mức thu nhập thấp, chúng ta hiểu là một cá nhân đi làm thu nhập đến 9 triệu đồng, mà cũng có người có thể chỉ 2-3 triệu đồng, một gia đình có thể thu nhập tối đa ở mức thu nhập thấp là 18 triệu đồng, nhưng tối thiểu nhiều gia đình có thể thu nhập chỉ có 5 triệu đồng. Làm thế nào để giải quyết được vấn đề nhà ở cho các đối tượng với dải thu nhập như thế? Giải pháp là chúng ta phải có dải sản phẩm từ nhỏ tới lớn.

Ví dụ, tiêu chuẩn nhà thu nhập thấp theo quy định là 30-70m2. Nhà 30m2 có hạ tầng đầy đủ, với thiết kế mới đầy đủ công năng. Trên thực tế đã có những sản phẩm rất phù hợp với các cặp vợ chồng trẻ, thậm chí 2 vợ chồng và 1 con nhỏ.

Với đối tượng nghèo thì phải phát triển từng bước, sau 5-7 năm kinh tế phát triển, lương cao lên, số người trong gia đình đông lên, có điều kiện thì chuyển lên những căn hộ lớn hơn và chuyển căn hộ nhỏ đó lại cho những đôi vợ chồng trẻ khác.

Theo tôi biết, với giá bán 8,5 triệu đồng/m2 như nhà xã hội ở Đặng Xá (Hà Nội), rất nhiều vợ chồng trẻ sang mua và hài lòng. Với 30m2, giá toàn bộ căn hộ là 250 triệu đồng. Theo quy định, chúng ta phải đặt cọc, tức là tự lo khoảng 50 triệu đồng (20%), vay 80% (200 triệu đồng), trả trong 10 năm, mỗi năm trả 20 triệu đồng tiền gốc, mỗi tháng trả 1,8 triệu đồng, lãi 6% tính trên gốc lớn đầu tiên, một năm trả 12 triệu đồng tiền lãi.

Đây là những tháng đầu, các tháng sau gốc giảm thì lãi còn giảm nữa. Ngay tháng đầu tiên, lãi mỗi tháng 1 triệu + 1,8 triệu gốc. Như vậy, mỗi tháng trả 2,8 triệu đồng. Với thu nhập của những gia đình khoảng 5-6 triệu đồng, dành 30-35% thu nhập để trả, với sự hỗ trợ của gia đình thì trả được.

Như các ngân hàng công bố, có thể vay 15 năm, 200 triệu đồng trong 15 năm thì con số trả hàng tháng còn giảm đi nữa.

* Nhưng với các gia đình có thu nhập thấp hơn mức trên thì làm cách nào để có nhà ở thưa ông?

"Tôi cho rằng với gia đình thu nhập quá thấp thì phải theo phương thức đi thuê, rồi tích lũy. Bất kỳ nước nào, kể cả nước phát triển cũng vậy. Tôi vừa tiếp đoàn khách Viện phát triển Hàn Quốc, họ cũng khuyến cáo chúng ta có nhiều gói sản phẩm bất động sản khác nhau. Nhà nước cố gắng lo chỗ ở cho người dân, chứ không cố gắng lo sở hữu nhà cho người dân. Việc này chúng ta phải giải quyết trong hàng chục năm, chứ không phải trong một vài năm"

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam

- Đúng là thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng đã là thấp rồi. Nhưng với tình hình giá đất, vật liệu hiện nay, không thể đòi hỏi làm sao làm được căn hộ giá 80-90 triệu đồng, chúng ta đều biết không còn cách nào vì Chính phủ đã hỗ trợ tối đa đất, thuế, tín dụng…

Đối với đối tượng có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng, chúng ta đang có chính sách phát triển và hỗ trợ nhà ở cho thuê. Chúng tôi tính toán để làm sao các hộ gia đình đi thuê căn hộ khoảng 40-45m chỉ mất khoảng 2 triệu đồng/tháng. Các chính sách này một mặt thể hiện chính trong nội dung Nghị định quản lý và phát triển nhà ở xã hội đã trình Chính phủ, hiện đang lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Tôi rất hy vọng được ban hành trong tháng 7, theo đó, Nghị định có riêng một chương về chính sách phát triển hỗ trợ nhà ở cho thuê.

Thứ hai, chúng tôi đang dự thảo quyết định thí điểm để trình Thủ tướng, ngay lập tức có thể phát triển một số dự án nhà ở thuê thí điểm dưới hình thức thuê từng tháng, trả tiền từng tháng. Nhưng nếu thuê từng tháng, trả tiền từng tháng sẽ gặp rủi ro khi giá bất động sản lên cao, người cho thuê tăng giá.

Ở đây chúng tôi có thuê gói, tức là có thể thuê 1 hợp đồng 6 năm hoặc 12 năm. Nói cách khác, sở hữu nhà có thời hạn. Trong thời gian đi thuê, nhà đó coi như của anh, có thể cho thuê lại, thuê để kinh doanh hoặc chuyển nhượng hợp đồng nhưng giá cả ổn định trong suốt 6 hoặc 12 năm.

Tóm lại, mặc dù nguồn lực của Chính phủ còn hạn chế, nhưng chúng ta vẫn cố gắng đảm bảo an sinh xã hội, tìm mọi cách đáp ứng nhu cầu cho những người từ nghèo nhất cho tới những người có khả năng thanh toán với các hình thức thích hợp với quy mô sản phẩm khác nhau, hình thức thuê hoặc mua.

30 ngàn tỉ đồng chỉ là cú hích ban đầu

* Theo thống kê của Bộ Xây dựng, với nhu cầu nhà ở xã hội, riêng tại Hà Nội con số đã là gần 100.000 căn. Bộ Xây dựng sẽ có những giải pháp nào để tăng “cung” cho thị trường, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM?

- Không phải bây giờ mà từ cuối năm 2009 chúng ta đã triển khai nhà ở xã hội ở các đô thị lớn và đến nay cả nước đã có khoảng gần 10.000 hộ dân vào ở trong các khu nhà dành cho người thu nhập thấp…Ngoài ra chúng ta còn chuyển nhiều dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội đồng thời tạo nguồn lực cho người dân mua. Vì vậy, nguồn cung cho nhà ở xã hội là có và tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Cụ thể có 157 dự án nhà ở xã hội đang triển khai và từ đầu tháng 6 đã liên tục có những dự án nhà ở xã hội lớn được khởi công. Tại Hà Nội từ đầu tháng 6 đã có 3 dự án của HUD ở Tây Nam Linh Đàm với quy mô trên 1.000 căn, dự án của Viglacera ở Đặng Xá với quy mô 2.500 căn, rồi dự án ở Bắc Thăng Long của C.E.O.

Dù vậy, nguồn cầu nhà ở xã hội ở Hà Nội rất lớn, trong đó riêng bộ, ngành đăng ký khoảng 30.000 căn nên chúng ta sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các chủ đầu tư đăng ký xây thêm nhà ở xã hội trên nguồn đất sẵn có.

Quy mô gói 30.000 tỉ đồng nhằm tạo cú hích ban đầu cho phân khúc nhà xã hội. Còn về lâu dài, phải kết hợp các nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân... Thực tế, hiện nhà ở cho sinh viên, công nhân ở khu công nghiệp do người dân tự xây chiếm tới 70-80%. Do vậy, việc xây nhà ở xã hội sẽ phải kéo dài nhiều năm, với những chính sách phù hợp từng thời kỳ để giải quyết dần dần từng bước…

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Cấp vốn cho 13 dự án với 11.000 căn hộ nhà ở xã hội30.000 tỉ đồng hỗ trợ mua nhà: Không dễ vay! Hà Nội xây dựng căn hộ 300 - 700 triệu đồng Mua nhà từ gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng: Trả nợ trước hạn không bị thu phí

L.THANH - L. HOÀI (lược ghi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên