29/09/2020 09:47 GMT+7

Giá vé máy bay 'giải cứu' cao, vì sao?

CÔNG TRUNG
CÔNG TRUNG

TTO - Một số ý kiến phàn nàn giá vé các chuyến bay nhân đạo đưa công dân về nước cao so với bình thường, các hãng bay khẳng định không đặt nặng vấn đề lợi nhuận, giá vé cao là do phát sinh nhiều chi phí khác.

Giá vé máy bay giải cứu cao, vì sao? - Ảnh 1.

Hành khách lên máy bay tại sân bay quốc tế Larnaca (đảo Cyprus) để về VN vào tháng 8-2020 - Ảnh: V.A.

Theo một số chuyên gia hàng không, không thể so sánh giá vé máy bay tại thời điểm nóng của dịch COVID-19, khi mà các đường bay quốc tế đều đóng cửa, với các chuyến bay tại thời điểm thông thường.

Bởi để có thể thực hiện các chuyến bay nhân đạo đưa người Việt về nước, các hãng bay phải đầu tư rất lớn cho công tác phòng chống dịch, thực hiện nhiều thủ tục phức tạp để được bay, chưa kể phải bay một chiều, cách ly phi hành đoàn theo quy định...

Không phải có tiền là có vé

Là người được giao nhiệm vụ đặt vé cho các thuyền viên trở về nước, chị Giao, nhân viên một công ty cung ứng thuyền viên VN cho một số chủ tàu chở hàng, cho biết đơn vị này có hàng chục thuyền viên bị mắc kẹt ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Singapore... đã hết hợp đồng, phải về nước.

Tuy nhiên, mức giá vé máy bay để đưa những thuyền viên này về nước khá "chát".

Chẳng hạn, giá vé máy bay của Hãng Vietnam Airlines đưa khách từ Canada và Mỹ về VN dao động từ 52 - 58 triệu đồng/vé, cao gấp đôi so với mức giá trước đây, khoảng 25 - 30 triệu đồng/vé.

Tương tự, giá vé máy bay từ Hàn Quốc và Úc về VN cũng lên tới 18 - 20 triệu đồng/vé... Dù có mức giá khá cao, nhưng với các chuyến bay giải cứu, không phải có tiền là mua được vé.

"Theo chính sách của công ty, giá vé máy bay đưa thuyền viên về nước phải ở mức bình thường, từ 25 - 30 triệu đồng/vé. Nếu giá vé cao hơn sẽ phải tìm lựa chọn khác. Tuy nhiên, chỉ có sự chọn lựa duy nhất trong thời điểm dịch COVID-19 là mua vé trên các chuyến bay giải cứu, nhưng phải chờ dài ngày vẫn chưa đến lượt.

Hàng chục thuyền viên phải ở khách sạn 1-2 tháng chờ đến lượt vào danh sách hành khách trên chuyến bay giải cứu", chị Giao cho biết.

Tương tự, nhiều hành khách trở về từ Nga cho biết tại thời điểm chưa có dịch COVID-19, giá vé máy bay 2 chiều Matxcơva - Hà Nội dao động từ 600 - 1.200 USD tùy thời điểm. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều khách phải mua vé máy bay với giá lên tới 1.300 USD/chiều.

Cũng chấp nhận mua vé máy bay giá cao để về nước, nhưng chị Vân (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết một người thân bị kẹt tại Malaysia nhưng chưa biết khi nào có thể trở về được, do chưa mua được vé trên các chuyến bay giải cứu.

Trong thực tế, vẫn có những hành khách may mắn mua được vé giá "mềm" hơn. Chẳng hạn, sau khi bị kẹt tại Úc từ tháng 4-2020, anh Nguyễn Ngọc L. (Q.Gò Vấp) vừa trở về trên chuyến bay giải cứu từ Sydney - TP.HCM của Vietnam Airlines với giá vé hơn 1.100 USD/người.

"Nhưng không phải ai cũng may mắn như tôi, nhiều người thân và người quen tôi vẫn đang bị kẹt tại nhiều nước chưa về được, một số do chưa mua được vé nhưng phần lớn là do giá vé khá cao", anh L. nói.

Giá vé máy bay giải cứu cao, vì sao? - Ảnh 2.

Tất cả hành lý sẽ được tập trung tại khu vực riêng để khử trùng. Trong ảnh: chuyến bay đưa công dân về nước tại sân bay Nội Bài - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Chiều đi bay rỗng, chỉ chở khách chiều về

Trao đổi với Tuổi Trẻ, các hãng bay khẳng định chuyến bay giải cứu là đặc thù, phát sinh nhiều chi phí và những quy định khắt khe về phòng chống dịch nên giá vé bị đội lên rất nhiều.

Theo một lãnh đạo Vietnam Airlines, tại những thời điểm dịch COVID-19 đang nóng, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng lệnh hạn chế hoặc đóng cửa không phận, không cho phép các hãng bay nước ngoài quá cảnh, nên không thể thực hiện chuyến bay giải cứu.

Với những quốc gia cho phép thực hiện chuyến bay giải cứu, tùy thời điểm, các phương án bay phải được các hãng lên kế hoạch rất chặt chẽ, huy động nguồn lực lớn để đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, phòng chống dịch.

Chẳng hạn, Mỹ không phải điểm đến thường lệ của Vietnam Airlines, việc xin phép bay trải qua nhiều khâu thủ tục phức tạp, rồi tính toán phương án bay thẳng do không thể quá cảnh sang nước thứ ba.

"Chúng tôi đã thực hiện nhiều chuyến bay hành trình hơn 25.000km, tổng thời gian bay hơn 33 tiếng nên huy động tổ bay đến 30 người, gấp đôi so với chuyến bay thông thường. Hơn nữa, toàn bộ chiều đi của các chuyến giải cứu, hồi hương là tàu bay trống do không khai thác thương mại, đồng nghĩa với doanh thu một chiều phải trả cho chuyến bay hai chiều", vị này cho biết.

Sau khi tham gia chuyến bay nhân đạo, toàn bộ phi hành đoàn phải ngừng việc tối thiểu 14 ngày để thực hiện cách ly, mọi chi phí do hãng chi trả. Một số máy bay cũng phải ngừng hoạt động 2-3 ngày để bảo dưỡng, thay màng lọc khử khuẩn (HEPA) và khử trùng toàn bộ trước khi được khai thác trở lại.

Chưa hết, các khoản phí phục vụ mặt đất, từ thuê xe cứu hỏa, đến nạp nhiên liệu, mua suất ăn uống tại một số sân bay... cũng rất cao.

"Chẳng hạn, với một chuyến bay từ Mỹ về, hãng đã phải chi trả hơn 1,4 tỉ đồng cho phục vụ mặt đất, gần 2,2 tỉ đồng tiền nhiên liệu, khoảng 350 triệu đồng cho suất ăn và dụng cụ phục vụ ăn uống, chưa kể nhiều chi phí không tên và có tên khác", vị này nói.

Được biết, có một số chuyến bay chi phí lên đến 10 tỉ đồng/chuyến.

Lãnh đạo Vietjet cũng khẳng định với những chuyến bay đưa công dân về nước, hãng không đặt vấn đề doanh thu hay lợi nhuận mà xác định "đây là trách nhiệm, nhiệm vụ của hãng đối với đất nước, đối với đồng bào", bởi hãng đã thực hiện nhiều chuyến bay giải cứu trên nhiều đường bay chưa bao giờ khai thác, chỉ chở khách một chiều với nhiều chi phí phát sinh khá lớn.

So với thời điểm bình thường là khập khiễng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia hàng không cho rằng việc so sánh giá vé máy bay giải cứu trong thời điểm dịch COVID-19 với mức giá tại các thời điểm thông thường khác là khập khiễng. Bởi để thực hiện các chuyến bay giải cứu trong thời điểm các đường bay quốc tế bị đóng cửa, chi phí sẽ bị đội lên rất cao.

Thực tế cho thấy nhiều chuyến bay giải cứu có giá vé không cao hơn bao nhiêu so với giá vé bay vào mùa cao điểm khi chưa có dịch, như đường bay từ Nga hay Sydney (Úc) về VN.

"Không vì một vài đường bay có giá vé cao hơn lúc bình thường mà quy chụp tất cả chuyến bay giải cứu đắt gấp 2-3 lần so với chuyến bay thương mại" - vị này nói.

Trong khi đó, để thực hiện chuyến bay giải cứu, các hãng bay phải lắp đặt thêm nhiều thiết bị y tế để hỗ trợ bệnh nhân như máy lọc không khí, máy thở, máy khí dung, các monitor theo dõi, bộ đặt ống nội khí quản, bình oxy, cáng và giường bệnh dã chiến...

Với các chuyến bay từ Guinea Xích Đạo, hãng bay phải lắp thêm buồng áp lực dương, rèm nhựa dẻo ngăn cách 3 khoang hành khách để giảm thiểu nguy cơ virus phát tán.

Với các chuyến bay chở người bị nhiễm COVID-19, hãng bay phải bọc kín nilông toàn bộ ghế ngồi và đặt sẵn khăn ướt tẩm cồn cùng các vật dụng cá nhân cần thiết.

Chưa hết, hãng bay phải thuê luật sư và đối tác tư vấn, làm dịch vụ xin cấp phép bay để kịp thời gian "giải tỏa" hành khách và đảm bảo đúng quy định của nước sở tại như Mỹ và Canada. Chỉ riêng chi phí này, có chuyến bay phải tốn gần 700 triệu đồng.

Thí điểm bay thương mại quốc tế, chở khách vào VN

Trước đó, ngày 25-9, chuyến bay VN417 của Vietnam Airlines chở 104 hành khách từ Seoul (Hàn Quốc) đã hạ cánh tại sân bay Nội Bài.

Theo ông Võ Huy Cường - phó cục trưởng Cục Hàng không VN, đây không chỉ là chuyến bay thương mại quốc tế đầu tiên về VN sau 6 tháng bị đình trệ vì dịch COVID-19 mà còn là chuyến bay thí điểm nhằm đánh giá năng lực khai thác, tiếp nhận trở lại khách quốc tế của cả ngành hàng không.

Ông Lê Hồng Hà, phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho biết cùng với việc nối lại đường bay quốc tế thường lệ có chở khách hai chiều với đường bay VN - Hàn Quốc, trong thời gian tới Vietnam Airlines dự kiến sẽ khôi phục các đường bay thường lệ tới Trung Quốc, Lào, Campuchia và Đài Loan ngay sau khi được Chính phủ và các nhà chức trách chấp thuận.

Một chuyến bay giải cứu người Việt về nước có thể lên đến 10 tỉ Một chuyến bay giải cứu người Việt về nước có thể lên đến 10 tỉ

TTO - Vietnam Airlines vừa tiết lộ khoản chi "khủng" cho những chuyến bay giải cứu người Việt về nước có thể lên đến 10 tỉ đồng/chuyến. Chi phí này cao hơn nhiều so với chuyến bay thương mại thông thường. Khoản chi phí đó gồm những gì?

CÔNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên