05/12/2021 09:39 GMT+7

'Giải cứu' xe buýt

HOÀI ÂN
HOÀI ÂN

TTO - Nhà tôi ba nhân khẩu thì có đến hai người đi làm bằng xe buýt. Và tôi rất trăn trở khi "lẻ loi" một mình trên chiếc xe buýt có sức chở hơn 30 người.

Giải cứu xe buýt - Ảnh 1.

Sinh viên Cao Thắng đón xe buýt tại trạm Hàm Nghi, quận 1, TP.HCM (ảnh chụp trước đợt dịch thứ 4) - Ảnh: T.T.D.

Sau giãn cách, xe buýt phải giảm chuyến do ít khách, hành khách phải chờ lâu hơn. Những ai hay đi xe buýt mùa này sẽ dễ dàng nhận ra hành khách chủ yếu là người không thể đi xe cá nhân. Buýt đã ít khách, nay lại càng "đìu hiu". 

Tuyến xe buýt số 150 (Chợ Lớn - Tam Hiệp) từng là tuyến xe có lượng khách đông và ổn định nhất, nay chỉ chở được 1/3 so với trước dịch.

Anh tài xế xe buýt ở gần nhà tôi trước đây cứ 4h30 hằng ngày đã "khởi hành" ra bến, 21h mới về đến nhà. Giờ thì phải "thong thả" 6h lên đường, 19h đã về nghỉ. Ngày làm ngày nghỉ, doanh thu sụt giảm, lương của nhân viên xe buýt cũng xuống thấp kỷ lục.

Xe buýt "sống lại" cách nào giữa trăm bề khó khăn hiện tại? Nhìn theo một khía cạnh nào đó, đây cũng chính là cơ hội để xe buýt tự làm mới mình. Đường sá chưa đông, thời gian mỗi chuyến xe giảm đáng kể. 

Xe buýt cần duy trì tần suất xe trên các tuyến, không để hành khách phải đợi lâu quá 10 phút. Tôi hay đón xe số 56 từ Thủ Đức vào quận 1 và nhận thấy thời gian di chuyển cũng chỉ bằng đi xe gắn máy nhưng không phải khổ sở với nắng mưa, khói bụi.

Ngày 13-12, học sinh lớp 9 và 12 sẽ được học tập trung. Những tuyến xe buýt đi qua các trường THCS và THPT (kể cả tư thục) cần tăng thêm chuyến vào khung giờ cao điểm học sinh đi học và tan trường. 

Thu hút học sinh không gì bằng chinh phục phụ huynh, giúp họ tin tưởng và yên tâm khi chọn xe buýt cho con em đến trường là điều ngành chức năng cần nỗ lực làm ngay.

Các tuyến xe có điểm đến là các trường đại học cần được quan tâm đầu tư thay thế, nâng cấp về cả phương tiện lẫn điểm đón khách. 

Nên tiếp tục "đổi xe" dùng nhiên liệu xăng dầu bằng xe sử dụng nhiên liệu sạch (CNG), hạn chế ô nhiễm môi trường. Xe lâu năm cần được "nghỉ hưu". Dù rất yêu buýt nhưng tôi không hề muốn lên những chiếc xe buýt quá cũ. Xe buýt phải "tự cứu mình trước khi trời cứu".

Hà Nội đã có tuyến xe buýt điện đầu tiên, TP.HCM dự kiến năm 2022 triển khai. Xe đạp chuẩn bị được đưa vào hoạt động thử nghiệm tại khu vực trung tâm. Xe buýt sắp có thêm "đồng minh", cần kết nối hợp lý để khai thác đồng bộ và "kéo" được nhiều khách về phía mình.

Hành khách lo đi xe buýt đông người dễ lây nhiễm dịch bệnh, cần cải tạo lại cửa kính để mở cửa sổ khi xe chạy, hạn chế bật máy điều hòa, khẩn trương áp dụng công nghệ "quẹt thẻ" khi lên xe. Tuyên truyền để người dân yên tâm xe buýt chở không quá một nửa công suất sẽ đảm bảo được giãn cách.

Xe buýt: Thích ứng hay là Xe buýt: Thích ứng hay là 'chết'?

TTO - Đến thời điểm hiện tại, cuộc sống đã trở lại trạng thái 'bình thường mới', giao thông công cộng dù hoạt động trở lại nhưng trong tình cảnh vắng khách, nhiều dự án phải tạm hoãn dây chuyền.

HOÀI ÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên