27/04/2024 07:02 GMT+7

Giải mã đường Trường Sơn - Việt Nam gian lao và thắng lợi

Xem triển lãm Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, công chúng có thể hiểu vì đâu con đường ấy từng khiến Nhà Trắng đánh giá mọi đau khổ của họ đều bắt nguồn từ đó, và cũng thật thương đất nước mình gian lao.

Khách du lịch quốc tế chăm chú xem triển lãm về đường Trường Sơn - Ảnh: T.ĐIỂU

Khách du lịch quốc tế chăm chú xem triển lãm về đường Trường Sơn - Ảnh: T.ĐIỂU

Những câu chuyện về con đường Trường Sơn huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ đang được kể trong không gian khu di tích cách mạng Nhà và Hầm D67, tại Hoàng thành Thăng Long, trong triển lãm Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Triển lãm do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2024); 65 năm ngày mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (19-5-1959 - 19-5-2024).

Đường Trường Sơn - nỗi ám ảnh của Nhà Trắng

Triển lãm giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh về sự ra đời của "tuyến lửa" đường Trường Sơn, sức sống mãnh liệt của con đường qua bom đạn chiến tranh, trở thành một kỳ tích, một huyền thoại của người Việt trong thời đại Hồ Chí Minh.

Nụ cười của các nữ thanh niên xung phong tham gia mở đường Trường Sơn

Nụ cười của các nữ thanh niên xung phong tham gia mở đường Trường Sơn

Nụ cười tỏa nắng của những cô gái thanh niên xung phong mở đường, những cái dắt tay nhau của đoàn những cô gái đi tải đạn trên con đường đã phải hứng gấp đôi số bom đạn của Chiến tranh Thế giới thứ 2, và tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên ngồi bệt với đồng đội tìm phương án mở đường ống dẫn xăng dầu qua dãy Trường Sơn.

Mặt đất chằng chịt hố bom như tổ ong, những cánh rừng trơ trụi lá vì chất độc hóa học…

Đó là những hình ảnh làm xúc động người xem trong triển lãm này.

Và những con số làm người xem đau thắt thương đất nước mình anh dũng mà gian lao.

Từ năm 1965 - 1975, không quân Mỹ đã thả xuống đường Trường Sơn trên 4 triệu tấn bom đạn đủ loại, gấp đôi tổng số bom đạn dùng trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 (hơn 2 triệu tấn).

Ấy thế mà, những chàng trai cô gái của nước Việt bằng xương thịt mình và tình yêu Tổ quốc, yêu hòa bình đã vượt lên trên bom đạn, chất độc hóa học hủy diệt bạo tàn mà vận chuyển và tổ chức hơn 2 triệu lượt chiến sĩ, cán bộ vào ra; hơn 1 triệu tấn hàng tới chiến trường miền Nam.

Mặt đất chi chít hố bom ở tuyến lửa đường Trường Sơn

Mặt đất chi chít hố bom ở tuyến lửa đường Trường Sơn

Làm ám ảnh lẫn tự hào với người xem là hình ảnh mặt đất đầy những hố bom sau những trận rải thảm hủy diệt của không quân Mỹ.

Nhưng trên những con đường chết chóc ấy, những đoàn xe chi viện của bộ đội Trường Sơn vẫn không ngừng tiến về miền Nam, những bước chân cứ hết lớp này tới lớp khác đi xây dựng hòa bình. Bao nhiêu thơ, nhạc đã ra đời từ con đường này.

Không bom đạn nào có thể chặt đứt được con đường là biểu tượng của lòng yêu nước vĩ đại.

Cho nên Nhà Trắng từng coi mọi đau khổ của họ đều "bắt nguồn chủ yếu từ con đường mòn bất khả xâm phạm" này.

Những đoàn quân "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" trên con đường thành nỗi ám ảnh của Nhà Trắng

Những đoàn quân "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" trên con đường thành nỗi ám ảnh của Nhà Trắng

Những vị tướng của con đường huyền thoại

Tại triển lãm, người xem được biết thêm về một vị tướng là kiến trúc sư của con đường Trường Sơn, ngoài cái tên tướng Đồng Sỹ Nguyên đã gắn chặt với con đường này mà công chúng đã quen biết.

Thiếu tướng Võ Bẩm chính là người được giao trọng trách thành lập "Đoàn công tác quân sự đặc biệt" (đoàn 559) mở đường tiến vào Nam, ông được coi là người "khai sơn phá thạch", được ví như một "kiến trúc sư" của đường Trường Sơn huyền thoại.

Tiếp bước chân thiếu tướng Võ Bẩm là trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh đoàn 559 từ năm 1967.

Ông là người có đóng góp đặc biệt to lớn trong suốt quá trình xây dựng, duy trì thông suốt đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, là người trực tiếp chỉ đạo các lực lượng quân đội, thanh niên xung phong "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên duyệt phương án thi công đường ống xăng dầu qua Tây Nguyên tại thực địa, cuối năm 1969

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên duyệt phương án thi công đường ống xăng dầu qua Tây Nguyên tại thực địa, cuối năm 1969

Hình ảnh Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên ngồi bệt giữa rừng, bên đồng đội đang vây quanh, để duyệt phương án thi công đường ống xăng dầu qua Tây Nguyên cuối năm 1969 làm người xem hôm nay xúc động về những vị tướng giản dị của một thời.

Triển lãm còn có những thông tin thú vị khác, như báo cáo năm 1967 của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa về tổ chức và hoạt động của Đoàn 559…

Tài liệu của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa về tổ chức và hoạt động của Đoàn 559, năm 1967

Tài liệu của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa về tổ chức và hoạt động của Đoàn 559, năm 1967

Mãi mãi một huyền thoại đường Trường SơnMãi mãi một huyền thoại đường Trường Sơn

TTO - Đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh từ rất lâu rồi, những con đường đã được mở như các mạch máu lặng thầm và khi Tổ quốc cần, những mạch máu ấy kết nối để trở thành một hệ tuần hoàn lưu chuyển từ Bắc vào Nam...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên