29/09/2022 18:30 GMT+7

Giải pháp nào cho cây xanh đô thị Đà Nẵng?

HỮU KHÁ
HỮU KHÁ

Cây xanh công cộng, cây xanh đường phố ở đô thị Đà Nẵng đang là vấn đề người dân hết sức quan tâm. Đặc biệt vào những ngày mưa bão đến, chuyện cây xanh ngã đổ trở thành đề tài “nóng” hơn.

Giải pháp nào cho cây xanh đô thị Đà Nẵng? - Ảnh 1.

Một loạt cây xanh ở đường Nguyễn Đăng Giai, quận Sơn Trà bị ngã đổ khi bão Noru ập vào - Ảnh: HỮU KHÁ

Vậy giải pháp nào để cây xanh công cộng, cây xanh đường phố phát triển bền vững với một đô thị ven biển như Đà Nẵng nhằm tránh tổn thương, thiệt hại nặng nề khi mưa bão xảy ra?

Sớm có quy định bài bản, chi tiết

Theo ông Lê Tùng Lâm - bí thư Quận ủy Thanh Khê (nguyên giám đốc Sở Xây dựng), từ năm 2005 cho đến nay, hệ thống cây xanh công cộng của Đà Nẵng đã hứng chịu sự tác động lớn của nhiều cơn bão, điển hình như cơn bão số 6 năm 2006 (bão Xangsane), bão số 11 năm 2013 (bão Nari). 

Đáng nhớ nhất là cơn bão Nari (năm 2013) đã tàn phá, gây tổn thương, thiệt hại nặng nề cho hệ thống cây xanh Đà Nẵng với hơn 60% cây xanh công cộng, cây xanh đường phố bị nghiêng, đứt gãy, ngã đổ.

Hiện nay công cụ quản lý nhà nước đối với cây xanh đô thị, cây xanh công cộng chỉ bao gồm nghị định 64, thông tư 20, tiêu chuẩn TCVN 9257-2012 về quy hoạch về cây xanh công cộng…

Điều khó khăn lớn nhất đối với các địa phương, trong đó có Đà Nẵng trong công tác quản lý, đó là hiện chưa có Luật cây xanh như một số nước trên thế giới. 

Chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật liên quan đến cây xanh đô thị; chưa có tiêu chuẩn thiết kế, trồng, nghiệm thu, chăm sóc đối với cây xanh đô thị, cây xanh đường phố một cách bài bản, chi tiết, chặt chẽ, khoa học. 

Việc lựa chọn, trồng, chăm sóc cây xanh đô thị có nhiều điểm khác biệt lớn so với cây xanh trồng trên rừng, ở nông thôn (điều kiện thổ nhưỡng, môi trường và không gian sinh trưởng của rễ và tán cây…).

Trước tình hình đó, thời gian qua Sở Xây dựng đã tích cực phối hợp các đơn vị, địa phương rà soát, nghiên cứu, tham mưu thành phố các đề án, kế hoạch phát triển, quản lý cây xanh đô thị. Kế hoạch chỉnh trang cây xanh một số tuyến đường khu vực trung tâm thành phố. 

Ban hành các quy định tạm thời về lựa chọn, trồng, chăm sóc cây xanh; ban hành danh mục cây khuyến khích/hạn chế/cấm trồng. Quy định về cắt tỉa và chống dựng bảo vệ an toàn cây xanh trước mùa mưa bão; xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị…

Giải pháp nào cho cây xanh đô thị Đà Nẵng? - Ảnh 2.

Việc lựa chọn loại cây xanh trồng ở đường phố phát triển bền vững thích ứng với thời tiết mưa bão đang là vấn đề đáng quá tâm - Ảnh: HỮU KHÁ

Ông Lâm nói hiện nay người dân đang quan ngại, lo lắng nếu thành phố không tập trung, quyết tâm triển khai thực hiện mạnh mẽ các giải pháp đã đề ra thì cây xanh đô thị nói chung và cây xanh công cộng, đường phố của Đà Nẵng nói riêng khó đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu phát triển đô thị xanh, bền vững. 

Không đáp ứng được sự kỳ vọng của cộng đồng, xã hội ngày càng cao đối với hệ thống cây xanh công cộng về chất lượng, thẩm mỹ, an toàn, bền vững và có bản sắc riêng.

Cần 6 giải pháp trọng tâm

Để phát triển cây xanh đô thị, cây xanh công cộng bền vững, theo ông Lâm, UBND thành phố cần chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương quan tâm triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau: Sớm tổ chức hội nghị chuyên đề để phân tích, đánh giá kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại kế hoạch 6654 về quản lý phát triển cây xanh đô thị giai đoạn 2016-2020 của UBND thành phố đã ban hành năm 2016.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định tạm thời và ban hành các tiêu chuẩn địa phương để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phát triển cây xanh công cộng đảm bảo chất lượng, an toàn, mỹ quan đô thị.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền; làm thật tốt công tác truyền thông, tập huấn, hướng dẫn cho địa phương, nhân dân trên địa bàn thành phố về các văn bản, tài liệu liên quan phát triển và quản lý cây xanh công cộng một cách kịp thời và đầy đủ hơn nữa.

Giải pháp nào cho cây xanh đô thị Đà Nẵng? - Ảnh 3.

Đa phần cây xanh đường phố ở khu vực nội thị được trồng trên một hạ tầng cũ chật hẹp nên bộ rễ phát triển kém - Ảnh: HỮU KHÁ

Ngoài ra, khẩn trương nghiên cứu, ban hành sớm đề án phát triển cây xanh đô thị giai đoạn 2021-2030 đề ra các nhiệm vụ, giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa để hình thành hệ thống cây xanh công cộng, cây xanh đô thị thật bền và đẹp, góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường, thành phố đáng sống trong tương lai.

Trước mắt trong năm 2022 - 2023, cần tập trung và tiếp tục xây dựng, ban hành, triển khai kế hoạch chỉnh trang cây xanh tại một số khu vực, không gian công cộng, cảnh quan, thu hút du lịch; một số tuyến đường tại khu vực trung tâm thành phố.

Cần lưu ý đi kèm kế hoạch chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật trên, dưới vỉa hè của các tuyến phố, khu vực này. Đồng thời cần triển khai một cách đồng bộ, khoa học nhằm đảm bảo cây xanh đường phố có không gian, điều kiện sinh trưởng, phát triển an toàn, chất lượng, đảm bảo mỹ quan, cảnh quan đô thị.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác trồng thí điểm, trồng thử nghiệm, xem xét nhân rộng một số mô hình, dự án về lựa chọn, thiết kế, trồng cây tại một số khu vực, tuyến phố đã đạt được một số kết quả tích cực ban đầu trong thời gian qua trên địa bàn thành phố.

Nhiều người Đà Nẵng nhường nhà của mình cho người dân đến trú bão Nhiều người Đà Nẵng nhường nhà của mình cho người dân đến trú bão

TTO - Ngày 27-9, rất nhiều nhà hàng, quán sá cùng người dân có nhà cửa kiên cố ở TP Đà Nẵng đã đăng tin trên Facebook kêu gọi bà con khó khăn đến trú bão Noru.

HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên