22/04/2020 14:39 GMT+7

Giảm biên chế, tiết kiệm được 6.000 tỉ đồng

L.THANH
L.THANH

TTO - Trong báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019, Chính phủ cho biết từ 2015 đến cuối năm ngoái, số công chức được tinh giản là 10.047 người. Riêng năm 2019, ngân sách đã tiết kiệm 6.000 tỉ đồng nhờ giảm biên chế.

Giảm biên chế, tiết kiệm được 6.000 tỉ đồng - Ảnh 1.

Theo Tổng cục thuế, biên chế cán bộ thuế cũng sẽ phụ thuộc vào số thu thực tế của từng địa phương. Do đó, 4 năm qua, ngành thuế đã giảm gần 200 chi cục thuế - Người dân nộp thuế tại Cục thuế TP HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 tại phiên họp tháng 4 của Ủy ban thường vụ Quốc hội hôm 22-4.

Về việc thực hiện tinh giản biên chế, theo ông Dũng, số biên chế công chức được phê duyệt năm 2019 giảm 6,6% so với số được giao năm 2015. Như vậy, cả nước đã tinh giản biên chế 10.047 người.

Số lượng biên chế làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã tinh giản đến cuối năm 2019 so với năm 2015 là 50.547 người.

"Việc thực hiện tinh giản biên chế trong các lĩnh vực và đổi mới khu vực sự nghiệp công đã góp phần giảm chi ngân sách nhà nước năm 2019 khoảng 6.000 tỉ đồng so với năm 2018, tạo thêm nguồn để tăng chi cho đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội" - ông Dũng báo cáo.

Tuy nhiên, việc thực hiện tinh giản biên chế tổ chức bộ máy ở một số lĩnh vực, cơ quan, đơn vị chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019, tại phiên họp cùng ngày, ông Nguyễn Đức Hải, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm.

Mức độ tự chủ chưa cao, khó đạt được mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015.

10% đơn vị tự chủ tài chính và giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015.

Hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập còn cồng kềnh, phân tán.

Theo Quyết định số 1066 ngày 22-8-2019 của Thủ tướng, tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, biên chế của các Hội có tính chất đặc thù và biên chế công chức dự phòng năm 2020 là 253.517 người.

Để khắc phục bất cập trên, ông Đinh Tiến Dũng báo cáo trong năm nay, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước để bảo đảm tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Xây dựng chế độ tiền lương mới gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế.

Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, không bổ sung các loại phụ cấp mới theo nghề.

Giảm tối đa các Ban quản lý dự án; các tổ chức phối hợp liên ngành ở cả Trung ương và địa phương; giải thể những tổ chức không hoạt động, hoạt động không hiệu quả.

Không thành lập mới các ban chỉ đạo, tổ chức phối hợp liên ngành làm phát sinh bộ phận chuyên trách, tăng biên chế.

Khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức một cách khoa học, phù hợp với yêu cầu thực tế, để quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động hiệu quả và làm cơ sở để thực hiện cải cách tiền lương…

Bỏ qua gửi gắm mới tinh giản được biên chế! Bỏ qua gửi gắm mới tinh giản được biên chế!

TTO - Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang cho rằng muốn tinh giản biên chế thì người đứng đầu đơn vị phải có dũng khí vượt qua áp lực rào cản liên quan đến con người - nghĩa là vượt qua được những gửi gắm, nhờ vả...

L.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên