16/06/2022 14:05 GMT+7

Giẫm đạp rạn san hô để săn ảnh

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Để săn ảnh quần thể san hô độc đáo ở danh thắng quốc gia Hòn Yến (xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), một số nhiếp ảnh gia đã mang cả giày dép leo lên rạn, giẫm đạp san hô khiến dư luận bức xúc.

Giẫm đạp rạn san hô để săn ảnh - Ảnh 1.

Hình các nhiếp ảnh gia "săn" ảnh san hô ở Hòn Yến, trong đó có người leo hẳn lên rạn san hô đặt máy chụp ảnh - Ảnh người dân cung cấp

Di tích danh thắng quốc gia quần thể Hòn Yến được đánh giá có hệ đa dạng sinh học độc đáo, với 17 loài san hô ven bờ sinh sống và phát triển tốt. Chính sự độc đáo của san hô đã thu hút đông đảo du khách, nhiếp ảnh gia đến với nơi này.

Sáng 16-6, trên nhiều trang mạng xã hội đưa hình ảnh một nhóm nhiếp ảnh gia đang chụp ảnh rạn san hô tại thắng cảnh Hòn Yến với nhiều bức xúc, xót xa. Tài khoản T.T.H. viết: "Để có một rạn san hô đẹp phải mất hàng triệu năm, nhưng các nghệ sĩ nhiếp ảnh "săn" ảnh kiểu này rất có thể góp phần làm nát hết danh thắng!".

Giẫm đạp rạn san hô để săn ảnh - Ảnh 2.

Rạn san hô độc đáo ở Hòn Yến - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

Thiếu ý thức

Trong bức ảnh được lan truyền trên mạng, trong khi một số nhiếp ảnh gia thận trọng đi vào phần lạch nước để tránh gây hại cho san hô, thì có vị mang cả dép nhựa leo hẳn lên trên một rạn san hô lớn, cắm chân máy để chụp ảnh.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Thanh Xuân, một trong những người chụp nhiều ảnh về san hô Hòn Yến, bức xúc: "Họ chụp ảnh mà "phá" thế này thì còn gì san hô nữa! Chúng tôi đã từng phản ánh nhiều lần về việc du khách, nhiếp ảnh gia các địa phương khác đến tham quan, chụp ảnh san hô và quần thể thắng cảnh quốc gia Hòn Yến nhưng thiếu ý thức, giẫm đạp không thương tiếc lên các rạn san hô, tuy nhiên cứ đến mùa này thì tình trạng đó lặp lại, chính quyền và các cơ quan chức năng chưa có giải pháp nào hữu hiệu cả".

Tương tự, nhiếp ảnh gia Lê Trọng Cường (Phú Yên) nói rằng dân nhiếp ảnh chuyên nghiệp ở Phú Yên ai cũng nâng niu, sợ làm hư hỏng san hô, nên rất "rón rén", nhẹ nhàng khi đến đây chụp ảnh. Trong khi đó, nhiều đoàn nhiếp ảnh từ các địa phương khác đến hay các đoàn du khách hàng chục người thì hay giẫm đạp lên san hô vô tội vạ, không có ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quý giá này.

"Những người giẫm đạp san hô đương nhiên là có lỗi, nhưng lỗi của người hướng dẫn, người đưa tour còn lớn hơn vì chính họ phải cảnh báo, phải thông tin cho người nơi khác đến biết cách đi, đứng để bảo vệ san hô. Cứ cái kiểu mạnh ai nấy giẫm đạp này, nay mai san hô Hòn Yến tan nát hết!" - ông Cường nói.

Giẫm đạp rạn san hô để săn ảnh - Ảnh 3.

Không ít người dân, du khách thiếu ý thức, đã giẫm đạp lên các rạn san hô không thương tiếc - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

Ông Trần Sáu - chủ tịch UBND xã An Hòa Hải - cho biết trong sáng 16-6, xã đã họp khẩn để chỉ đạo xử lý quyết liệt đối với những người xâm hại rạn san hô Hòn Yến. Ông Sáu nói hình ảnh về các nhiếp ảnh gia giẫm đạp rạn san hô ở danh thắng này được người dân chụp vào chiều 15-6.

"Vào mùa hè, cứ đầu tháng và giữa tháng, khi thủy triều rút, san hô nổi lên, là các nhà nhiếp ảnh và du khách khắp nơi tìm đến đây tham quan, săn ảnh. Xã đã cử một cán bộ phối hợp với tổ cộng đồng của dự án Tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến nhắc nhở liên tục, nhưng vẫn có người thiếu ý thức, có hành vi gây hại cho san hô" - ông Sáu nói.

Thiếu chế tài

Vị chủ tịch UBND xã cho biết trong sáng 16-6, đã tăng cường 4 cán bộ của xã, đồng thời đề nghị công an xã và đề xuất lực lượng biên phòng tăng cường người để hướng dẫn, nhắc nhở người dân, du khách không xâm hại quần thể san hô nơi đây. "Cái khó hiện nay là không có chế tài đối với người có hành vi có thể gây hại cho rạn san hô, nên anh em chỉ tuyên truyền, nhắc nhở" - ông Sáu cho biết.

Giẫm đạp rạn san hô để săn ảnh - Ảnh 4.

San hô Hòn Yến cần được bảo vệ nghiêm ngặt để không bị những người vô ý thức tàn phá - Ảnh: LÊ TRỌNG CƯỜNG

Ông Phạm Văn Bảy - bí thư Huyện ủy Tuy An, người từng là giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Phú Yên - cho biết so với trước khi dự án Tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến (do Hội Nông dân tỉnh Phú Yên làm chủ dự án với sự tài trợ, hỗ trợ của Quỹ môi trường toàn cầu, Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc và Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, bắt đầu thực hiện năm 2020), thì ý thức của cộng đồng dân cư địa phương đã tốt hơn rất nhiều. Cùng với việc thành lập tổ cộng đồng bảo vệ rạn san hô, việc gìn giữ vệ sinh môi trường khu vực này tốt hơn hẳn.

"Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận được phản ánh thỉnh thoảng có người vẫn leo trèo, giẫm đạp lên san hô. Bởi vậy, huyện Tuy An cũng kiến nghị với tỉnh đẩy nhanh các nội dung còn lại của dự án, có biện pháp khoanh vùng bảo vệ, tăng cường nhân lực, xây dựng chế tài…" - ông Bảy nói.

Nói với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Tấn Hổ - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên - cho hay tỉnh chỉ đạo chính quyền và các ngành liên quan tăng cường nhân lực để hướng dẫn người dân, du khách bảo vệ tốt hơn rạn san hô Hòn Yến. "Chúng tôi cũng đẩy nhanh việc xây dựng các quy định trách nhiệm bảo vệ rạn san hô quý giá này, đồng thời cũng sẽ có các chế tài thích đáng đối với những người có hành vi gây hại, xâm hại san hô" - ông Hổ khẳng định.

Ngồi lên rạn san hô, du khách có nguy cơ nhận 10 năm tù Ngồi lên rạn san hô, du khách có nguy cơ nhận 10 năm tù

TTO - Hôm 13-2, Bộ Tài nguyên biển và bờ biển Thái Lan yêu cầu cảnh sát xử lý một du khách ngồi trên một rạn san hô có nguy cơ tuyệt chủng.


DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên