09/12/2021 20:05 GMT+7

Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi: Để xảy ra phá rừng phòng hộ, trách nhiệm thuộc về tôi

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Đích thân chủ trì kỳ họp chất vấn việc phá rừng liên tục xảy ra, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Ngãi thừa nhận việc phá rừng là có thật và trách nhiệm đầu tiên thuộc về mình.

Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi: Để xảy ra phá rừng phòng hộ, trách nhiệm thuộc về tôi - Ảnh 1.

Rừng phòng hộ ở xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi bị lâm tặc tàn phá - Ảnh: T.M.

Chiều 9-12, trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa 13, các đại biểu đặt câu hỏi thời gian qua tình trạng phá rừng gây bức xúc trong nhân dân, đề nghị cho biết nguyên nhân, giải pháp, trách nhiệm thuộc về ai và thời gian tới cần làm gì để chấm dứt phá rừng.

Ông Hồ Trọng Phương - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) - trả lời: "Khi nghe thông tin báo chí phản ảnh về phá rừng, bản thân tôi suy nghĩ rất nhiều và thấy trách nhiệm của ngành rất lớn. Sở đã làm việc với Chi cục Kiểm lâm, Hạt kiểm lâm địa bàn, Ban quản lý bảo vệ rừng và các địa phương để tìm hiểu nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài".

Ông Phương thông tin: trong năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 56 vụ phá rừng, hiện đã xử lý hành chính 40 vụ, hình sự 4 vụ, 12 vụ đang thụ lý hồ sơ.

Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi: Để xảy ra phá rừng phòng hộ, trách nhiệm thuộc về tôi - Ảnh 2.

Lâm tặc đốn gỗ, cưa phách và vận chuyển ra ngoài ở rừng phòng hộ xã Sơn Long, huyện Sơn Tây - Ảnh: T.M.

Nguyên nhân chính thuộc về trách nhiệm của Sở NN&PTNT trong quản lý nhà nước về lâm nghiệp còn buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát; do ảnh hưởng COVID-19, một số địa phương buông lỏng quản lý, đặc biệt là hạt kiểm lâm địa phương, ban quản lý rừng phòng hộ... thiếu tuần tra, kiểm tra địa bàn được giao; luật đã có nhưng hành lang pháp lý xử lý các vụ phá rừng chưa đủ sức răn đe; lực lượng kiểm lâm mỏng, bình quân 1 người quản khoảng 2.000ha rừng.

Nói về trách nhiệm, ông Phương thẳng thắn: "Để xảy ra phá rừng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về giám đốc sở NN&PTNT, tôi xin nghiêm túc chịu trách nhiệm về vấn đề này; các ban quản lý rừng và chủ rừng thuộc quản lý của sở; các hộ được giao quản lý rừng tại địa phương.

Giải pháp rất nhiều nhưng cơ bản thực hiện nghiêm chỉ thị số 10 của chủ tịch UBND tỉnh về quản lý rừng; tăng cường tuyên truyền vận động người dân thấy ý nghĩa của rừng đối với cuộc sống; phối hợp chặt chẽ các cấp ngành như kiểm lâm, công an và chính quyền địa phương để bảo vệ rừng tốt hơn".

"Phá rừng năm nào cũng có nhưng xử lý chưa đủ mạnh dẫn đến phá rừng vẫn còn xảy ra", ông Phương nói.

Đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi về phá rừng còn có nguyên nhân bởi từ năm 2019 đến nay các hộ dân được giao khoán quản lý bảo vệ rừng không nhận được kinh phí bảo vệ rừng, dẫn đến lơ là trong bảo vệ rừng. Tại sao lại có tình trạng này?

Ông Phương nói hằng năm nguồn kinh phí khoán bảo vệ quản lý và phát triển rừng do trung ương hỗ trợ về địa phương để hỗ trợ cho dân. Tuy nhiên từ năm 2019-2020, trung ương không phân bổ về cho tỉnh nguồn này nên chưa kịp thời hỗ trợ cho người dân bảo vệ rừng. Vấn đề này là có thật. Sở tiếp tục kiểm tra, hỗ trợ để người dân quản lý bảo vệ rừng tốt hơn.

Bà Bùi Thị Quỳnh Vân - bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND - chủ trì cuộc họp cũng đưa ra dẫn chứng việc phá rừng phòng hộ ở xã Phổ Phong, thị xã Đức Phổ và xã Sơn Long, huyện Sơn Tây... mà báo chí vào tận nơi ghi nhận và kiểm đếm. 

"Tôi thấy rất ngạc nhiên khi lâm tặc mở 265m đường có chiều rộng 4m và khu vực này chỉ cách trạm kiểm lâm địa bàn khoảng 2,5km. Nhưng thời điểm đó kiểm lâm chưa có động thái gì, để đến khi vụ việc xảy ra rồi, chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, báo cáo. Những vấn đề này có trách nhiệm của chính quyền địa phương. Tôi đề nghị địa phương trả lời".

Chính quyền các địa phương thừa nhận việc phá rừng có trách nhiệm quản lý của mình và các hộ dân được giao khoán bảo vệ rừng. Các địa phương sẽ có giải pháp cụ thể ngăn chặn phá rừng phòng hộ đang "nóng" lên trong thời gian qua tại Quảng Ngãi.

Càng phá rừng, càng phát sinh nhiều dịch bệnh như COVID-19 Càng phá rừng, càng phát sinh nhiều dịch bệnh như COVID-19

TTO - Nghiên cứu mới ghi nhận phá rừng là yếu tố chính dẫn đến nhiều loại virus xuất hiện như SARS-CoV-2 và các bệnh truyền nhiễm như bệnh sốt rét.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên