04/08/2012 01:43 GMT+7

Giám sát có vấn đề

BÁ SƠN
BÁ SƠN

TT - Vụ việc lấy nước bẩn để thi công lát gạch vỉa hè đường Trường Sa, TP.HCM (Tuổi Trẻ ngày 3-8) khiến dư luận đặt dấu hỏi về vai trò của các đơn vị tư vấn giám sát, chủ đầu tư khi để xảy ra sự việc làm ảnh hưởng tới chất lượng các công trình công cộng.

Lấy nước kênh ô nhiễm trộn vữa ximăng

Ngày 3-8, khu vực công trường thi công dự án mở rộng, nâng cấp đường Trường Sa dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đoạn từ cầu Trần Khánh Dư đến cầu Điện Biên Phủ, việc thi công lát gạch vỉa hè đang được đẩy nhanh sau khi chủ đầu tư là Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (Khu 1) cho phép thi công trở lại. Đoạn vỉa hè từng bị chủ đầu tư yêu cầu lột lên làm lại do sử dụng nước kênh để thi công đã được lát gạch xong và công nhân đang tiếp tục lát gạch các phần đường còn lại.

Theo giải trình của nhà thầu (Công ty TNHH một thành viên Công trình giao thông Sài Gòn), việc lấy nước kênh để thi công là do một số công nhân cẩu thả tự ý làm.

Dự án cải tạo, nâng cấp đường Trường Sa và Hoàng Sa chỉ là một trong các dự án cải thiện cảnh quan, môi trường và giao thông dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Dự án này có tổng chiều dài 10,5km đi qua các quận 1, 3, Phú Nhuận và Bình Thạnh với tổng vốn đầu tư 400 tỉ đồng.

Để đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng thi công công trình hoàn thành trước ngày 30-8, Khu 1 đã yêu cầu đơn vị giám sát tăng thêm hai cán bộ giám sát để kiểm tra toàn tuyến đường. Đồng thời yêu cầu nhà thầu thay toàn bộ nhóm công nhân dùng nước kênh bẩn để thi công.

Việc sử dụng nguồn nước không đảm bảo để thi công không chỉ xảy ra tại dự án đường Trường Sa. Đầu tháng 7-2012, tại công trình thi công đường Nguyễn Thị Thập, Q.7 do Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 (Khu 4) làm chủ đầu tư cũng xảy ra hiện tượng công nhân sử dụng nước cống để trộn bêtông. Khu 4 khi đó đã phải yêu cầu đập bỏ và làm lại 11 móng trụ đèn thi công bằng “phương pháp” này. Nguyên nhân của sự việc được xác định là do công nhân thi công gian dối và người giám sát không có mặt thường xuyên tại công trường.

Câu hỏi đặt ra là tại sao cả hai sự việc trên chỉ bị phát hiện khi có sự phản ánh của báo chí hoặc tố cáo của người dân? Ông Ngô Bá An, phó giám đốc Khu 1, cho rằng các quy trình, tiêu chuẩn thi công chủ đầu tư đều đã có thỏa thuận rõ ràng với tư vấn giám sát, việc không phát hiện kịp thời các sự việc sai phạm là do tư vấn giám sát chưa làm tròn trách nhiệm. Mặt khác, cũng cần nhìn nhận với một công trình dài thì tư vấn giám sát không thể lúc nào cũng kè kè bên cạnh mỗi công nhân.

Một chuyên gia giao thông thuộc ĐH Bách khoa TP.HCM đánh giá việc giám sát các công trình giao thông hiện nay đang “có vấn đề” do kém tính nghiêm túc. Tư vấn giám sát nhiều khi xuê xoa, bỏ qua cho nhà thầu. Trong khi đó, các chủ đầu tư cũng không nghiêm trong việc “xử” nhà thầu và tư vấn sai phạm. Khi phát hiện sai phạm, chủ đầu tư thường chỉ yêu cầu làm lại mà không có biện pháp chế tài bổ sung nên tính răn đe thấp.

Cuối tháng 8 khánh thành

Ngày 3-8, lãnh đạo UBND TP.HCM đã kiểm tra các dự án đang thi công trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đã chỉ đạo Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP.HCM yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh thi công hoàn thiện các hạng mục ở dự án này.

Đồng thời chỉ đạo Sở Giao thông vận tải TP thúc đẩy tiến độ thi công dự án cải tạo mở rộng đường Hoàng Sa và Trường Sa - hai đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Theo đó, cuối tháng 8-2012 tổ chức khánh thành cả hai dự án trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

BÁ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên