27/11/2018 09:59 GMT+7

Giành lại vỉa hè: phải làm đến cùng

HẰNG NGA
HẰNG NGA

TTO - TP.HCM có dự thảo quy định mới về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè. Theo đó, phải dành 1,5m vỉa hè cho người đi bộ. Muốn thực hiện được, đầu tiên vỉa hè và lề đường phải thông thoáng và người dân cần hiểu đúng về vỉa hè.

Giành lại vỉa hè: phải làm đến cùng - Ảnh 1.

Vỉa hè đường 3 Tháng 2, Q.10, TP.HCM bị chiếm dụng làm chỗ để xe, xe máy chạy tràn lan trên vỉa hè - Ảnh: N.C.THÀNH

Nhiều tuyến đường không còn vỉa hè nữa. Mọi thứ trở nên quá sức chịu đựng, bộ mặt của những thành phố lớn bị nhếch nhác, bầy hầy. Lỗi do khâu quản lý thiếu kiên quyết chứ không phải hoàn toàn do ý thức người dân.

Đầu năm 2017, vỉa hè thông thoáng rất nhiều so với trước đây trên những tuyến đường ở TP.HCM, Hà Nội... Thế nhưng, "niềm vui ngắn chẳng tày gang".

Vỉa hè của ai?

Nhiều người hiểu rằng lề đường như không gian, mặt bằng chung, ai cũng có thể linh động sử dụng cho mục đích cá nhân, cho sự tiện lợi trước mắt. Đi xe máy, đường chưa đến mức ùn tắc nhưng nhiều người thản nhiên băng lên vỉa hè. Lái ôtô, chỉ cần phát hiện lề đường có khoảng trống vừa đủ lọt chiếc xe là tấp vào đậu. Quán ăn kê bàn ghế ra vỉa hè cho khách ngồi... 

Cho dù làm ăn buôn bán hoàn toàn chính đáng, lương thiện nhưng sự chiếm dụng mặt bằng chung làm nơi kinh doanh của cá nhân là không đúng về lý.

Không chỉ kinh doanh, việc tranh thủ chiếm vỉa hè còn diễn ra với nhiều hình thức khác: đặt bảng hiệu, mái che chiếm không gian, ngay cả một vài cơ quan nhà nước cũng vi phạm khi xây tường, trụ sở lấn chiếm lề đường. Đồng thời kéo theo nhiều hệ lụy khác như "dịch vụ" bảo kê vỉa hè.

Dần dà trở thành một thói quen, mọi người quên rằng đó cũng là hành vi vi phạm. Mới đây, tôi bắt gặp hình ảnh không dễ thông cảm: ôtô bảy chỗ leo lên lề, ghé quán cà phê, trên xe chỉ có một người và ngồi hàng giờ đồng hồ trong quán. 

Chỉ cần vài trường hợp như vậy, còn đâu lối đi bộ? Người đi bộ muốn đi trên vỉa hè nhưng nhiều lúc phải xuống lòng đường bởi lề đường đã bị "chiếm đóng" trái phép.

"Giải cứu vỉa hè", rồi sao nữa?

Giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng lề đường đã thực hiện từ năm 1995 chứ không phải mới. Tuy nhiên, có lẽ chưa được tiến hành đồng bộ, quyết liệt và kiên trì nên rồi đâu lại vào đấy. Sau 23 năm, vấn đề này càng trở nên cấp thiết hơn khi mật độ người và phương tiện tham gia lưu thông tăng theo cấp số nhân.

Bao năm tuyên truyền rộng rãi, vô số băngrôn, khẩu hiệu được treo, dán trên đường, hầu hết người dân đều hiểu luật, nhưng nhiều người vẫn cứ vi phạm lấn chiếm vỉa hè thì chỉ có thể là cố ý. 

Và thực tế việc xử phạt chưa nghiêm khắc, chưa đủ sức răn đe. Phạt ở đây bao gồm cả phạt "nóng" (dùng biên lai phạt tại chỗ) và phạt "nguội". Ngoài việc lắp đặt camera quan sát, cần tận dụng hàng trăm ngàn camera "di động" khác (điện thoại của người dân). Lãnh đạo thành phố đã giao các sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất, vì vậy cần sớm đưa ý tưởng này vào thực tiễn.

Cuộc chiến giành lại vỉa hè dĩ nhiên sẽ cam go, căng thẳng, song nhất định sẽ làm được nếu có kế sách hợp lý và sự kiên trì. Trong đó rất cần sự khẩn trương vào cuộc của cán bộ và người dân. Tôi cho rằng cuộc "giải cứu vỉa hè" là trách nhiệm lẽ ra phải thực hiện từ lâu nhưng do chúng ta làm chưa triệt để. 

Giờ đây, nhiều tuyến đường không còn vỉa hè nữa mà phải gọi là "chợ chồm hổm" nên mới phải "ra quân" dọn dẹp. Mọi thứ trở nên quá sức chịu đựng, bộ mặt của những thành phố lớn bị nhếch nhác, bầy hầy. Lỗi do khâu quản lý thiếu kiên quyết chứ không phải hoàn toàn do người dân thiếu ý thức. Điều người dân mong muốn: kể từ nay sẽ không bao giờ phải ra quân, không lặp lại chuyện đuổi - chạy, rồi đâu lại vào đó.

Mấy mươi năm chúng ta "bỏ quên" cái vỉa hè, cũng ngần ấy thời gian nhiều thế hệ người dân mưu sinh dựa vào lề đường. Từ gánh xôi, đậu hũ, xe bánh mì, có cả những nơi bán vé số... đến quán xá, nhà hàng lớn nhỏ. Dọn vỉa hè, nhiều người canh cánh trong lòng nỗi lo bị mất "nồi cơm".

Việc chuyển sang một nghề khác không hề dễ dàng, họ rất mong được sắp xếp cho một địa điểm thích hợp để tiếp tục kiếm sống. Đó cũng là mong ước của hàng vạn người bán hàng rong. Khách du lịch quốc tế cũng muốn khám phá, trải nghiệm những nét dung dị đời thường ở vỉa hè.

Nên chăng việc giải quyết, bố trí chỗ làm ăn cho người bán hàng rong cũng cần xã hội hóa, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư mặt bằng, không gian và thu phí với giá phù hợp. Phương pháp này sẽ giải được bài toán gồm nhiều ẩn số: vừa duy trì được "chiếc cần câu" cho người nghèo, lại vừa đảm bảo giữ vỉa hè không bị tái lấn chiếm.

Nhiều năm nay, ở đường Man Thiện, P.Tăng Nhơn Phú A, Q.9, TP.HCM có một “trung tâm thương mại sinh viên, công nhân” với diện tích hàng ngàn mét vuông. Hỏi ra thì được biết một số doanh nhân đã chủ động rủ nhau thuê địa điểm này, sắp xếp thành nhiều gian hàng có diện tích vừa phải rồi mời những người trước đó hay ngồi trên lề đường buôn bán thuê với giá phải chăng.

Kết quả là ai cũng có thu nhập hợp pháp, còn chính quyền không phải mất công vận động hay ra quân dọn dẹp trên tuyến đường này nữa.

HẰNG NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên