30/09/2022 17:30 GMT+7

Giao dịch bất động sản phải qua sàn: Còn nhiều ý kiến trái chiều

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Quy định giao dịch phải thông qua sàn trở thành chủ đề nóng khiến các doanh nghiệp và cơ quản lý địa phương đưa ra ý kiến trái chiều tại hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi chiều 30-9.

Giao dịch bất động sản phải qua sàn: Còn nhiều ý kiến trái chiều - Ảnh 1.

Nhân viên kinh doanh giới thiệu cho khách hàng các căn hộ đang mở bán tại một dự án bất động sản - Ảnh: NGỌC HIỂN

Tránh tình trạng "ôm hàng" thổi giá

Cho rằng quy định các giao dịch bất động sản phải qua sàn như dự thảo luật giúp minh bạch hóa thông tin, thị trường, tuy nhiên ông Phạm Văn Luận - phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Cần Thơ - cho rằng chỉ nên khuyến khích, không nên bắt buộc bởi khách hàng có quyền chọn mua trực tiếp từ chủ đầu tư hoặc qua sàn giao dịch bất động sản.  

"Mấu chốt là khách hàng mua những sản phẩm chất lượng, được hưởng những dịch vụ uy tín, sở hữu các sản phẩm đủ điều kiện kinh doanh và bảo vệ lợi ích của khách hàng, nhà đầu tư", ông Luận nhấn mạnh.

Theo ông Luận, nếu bắt buộc các giao dịch qua sàn dễ dẫn đến độc quyền. Ngược lại, nếu quy định các giao dịch phải qua sàn, cần phải quy định chi tiết hơn để không tốn thêm chi phí giao dịch, hài hòa lợi ích 3 bên là chủ đầu tư, sàn giao dịch và khách hàng. 

Ông Luận đề nghị cần ràng buộc chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn, điều kiện thành lập các sàn giao dịch, đặc biệt các sàn giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, cần siết chặt các quy định về hành nghề môi giới, giúp ổn định thị trường, đóng góp cho nguồn thu ngân sách, tránh tình trạng "ôm hàng", "thổi giá", gây sốt đất ảo.

Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - cho biết yêu cầu "bắt buộc giao dịch bất động sản qua các sàn giao dịch" đã được quy định tại Luật kinh doanh bất động sản năm 2006. Nhưng do quy định này không đồng bộ, không đảm bảo "quyền tự chủ kinh doanh" của các doanh nghiệp chủ đầu tư dự án bất động sản nên Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 đã bãi bỏ.

Muốn giao dịch bất động sản minh bạch và các sàn "trưởng thành" lên, cần phải có mã số định danh của người môi giới. Theo ông Châu, tuy nước ta đã có hơn 300.000 người môi giới, nhưng hiện chỉ có khoảng 30.000 người môi giới có chứng chỉ hành nghề và đã được đào tạo (chỉ chiếm khoảng 10%). 

Chính vì thiếu lực lượng môi giới bất động sản chuyên nghiệp có chứng chỉ hành nghề, có mã số người môi giới nên thời gian qua, giới "cò con, cò nhà" đã gây ra tình trạng thổi giá, đẩy giá, giao dịch ảo, tạo khan hiếm giả tạo, gây ra các cơn sốt ảo giá đất, giá nhà trên thị trường bất động sản. 

"Để thị trường giao dịch minh bạch, mỗi người môi giới cần có mã số định danh, cần đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng", ông Châu nói và cho rằng cần khuyến khích giao dịch bất động sản qua sàn, không nên bắt buộc.

Giao dịch bất động sản phải qua sàn: Còn nhiều ý kiến trái chiều - Ảnh 2.

Ông Hồ Văn Hà - giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai, phát biểu tại hội thảo - Ảnh: NGỌC HIỂN

Tiếp tục nghiên cứu những vấn đề còn băn khoăn

Ở góc độ doanh nghiệp đang kinh doanh sàn giao dịch bất động sản, đại diện Công ty cổ phần DKRA Việt Nam cho rằng việc quy định các giao dịch bất động sản phải qua sàn như phương án 1 của dự thảo luật sẽ giúp minh bạch thị trường nên doanh nghiệp ủng hộ phương án 1.

Đại diện cơ quan quản lý địa phương, ông Huỳnh Thanh Khiết - phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM - cho biết sở thống nhất phương án 2, tức các bất động sản đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định mà chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì phải thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản. 

Đồng thời, Nhà nước khuyến khích thực hiện giao dịch bất động sản thông qua sàn.

Theo ông Khiết, đối với việc quản lý sàn giao dịch và môi giới ở địa phương, Nhà nước can thiệp "cực khó" bởi đây là hoạt động kinh doanh bình thường, bản chất các sàn cũng là doanh nghiệp. 

"Nếu mọi giao dịch phải qua sàn, đều phải đăng ký, kiểm tra hoạt động thì không xuể với một địa phương như TP.HCM", ông Khiết chia sẻ.

Trong khi đó, ông Hồ Văn Hà - giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai - ủng hộ phương án 1, quy định giao dịch phải thông qua sàn và cho rằng phù hợp với xu thế công khai, minh bạch.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng trong dự thảo luật quy định các giao dịch sàn giao dịch bất động sản thể chế hóa nghị quyết 18 với mong muốn thị trường bất động sản công khai, minh bạch. 

Tuy vậy, ông cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu hình thức phù hợp, có phương án làm rõ những băn khoăn, những ý kiến liên quan đến giao dịch qua sàn.

Giao dịch bất động sản phải qua sàn: Thêm chi phí, khó khả thi? Giao dịch bất động sản phải qua sàn: Thêm chi phí, khó khả thi?

TTO - Việc buộc mọi giao dịch bất động sản (BĐS) phải thông qua sàn môi giới BĐS là trao đặc quyền, đặc lợi cho những doanh nghiệp vốn chỉ làm dịch vụ môi giới, đồng thời tước đoạt quyền tự do, tự chủ kinh doanh của các chủ đầu tư các dự án BĐS.

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên